menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Mai Xuyên

Trước thềm đại hội đồng cổ đông ngân hàng

Chuyên gia cho rằng, bên cạnh lợi nhuận, thì nội dung mà ĐHĐCĐ hướng tới sẽ là vấn đề kiện toàn hệ thống tổ chức, hệ thống kiểm soát, nhân sự, rà soát và chuyển đổi mô hình kinh doanh, đáp ứng yêu cầu, quy định của NHNN (Basel II)… để nhằm thích ứng với bối cảnh thay đổi hiện nay.

Cân nhắc mục tiêu lợi nhuận

Đến hẹn lại lên, hiện đã chuẩn bị bước vào mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), nhiều ngân hàng đã chốt danh sách cổ đông để tổ chức ĐHĐCĐ thường niên thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020. Ngoài BIDV dự kiến tổ chức đại hội vào ngày 7/3 thì đa số ngân hàng dự định tiến hành ĐHĐCĐ trong tháng 4 như: Vietcombank và Sacombank vào ngày 24/4, ACB vào 7/4, Eximbank ngày 22/4, NCB khoảng từ 17 - 29/4...

Năm 2019 tiếp tục được xem là một năm hoạt động kinh doanh hiệu quả của hệ thống ngân hàng. Nhiều NHTM đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao và có những bước tiến lớn trong tái cơ cấu, hoàn thiện dần bộ máy, quy trình hoạt động kinh doanh theo hướng tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế… Chính vì thế bước sang năm 2020 các ngân hàng tiếp tục đặt kỳ vọng duy trì được tốc độ tăng trưởng.

Kết quả cuộc điều tra về xu hướng kinh doanh của các TCTD được Vụ Dự báo - Thống kê (NHNN) công bố cho thấy, có 98% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2020 tăng trưởng dương so với năm 2019, 2% TCTD kỳ vọng không đổi. Rất nhiều nhà băng đặt mục tiêu lợi nhuận khá lớn, như Vietcombank muốn tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 15% (tương đương khoảng hơn 26.500 tỷ đồng); BIDV cũng dự kiến trình đại hội mục tiêu tăng trưởng khoảng 14,5%; ACB trình cổ đông chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 8.700 tỷ đồng - tăng 15%...

Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và qua đó là hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, một chuyên gia kinh tế cho rằng: Hiện nay, các rủi ro hệ thống đang tạo áp lực lớn đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Xuất phát điểm của rủi ro hệ thống này đến từ dịch Covid-19 và đang có những diễn biến khó lường nên kỳ vọng lợi nhuận theo khảo sát khó mà đạt được.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang chịu ảnh hưởng và thiệt hại khá nặng nề trong hoạt động kinh doanh. Điều này sẽ kéo theo sự ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh và lợi nhuận ngân hàng trong năm 2020, đặc biệt là những ngân hàng có cơ cấu lợi nhuận phụ thuộc lớn vào tín dụng. Thêm nữa, ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát, mà đang có dấu hiệu lan rộng ra ngoài Trung Quốc. Điều đáng nói, sự lây lan đang diễn biến phức tạp ở những đối tác và thị trường chính của các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, các hoạt động kinh doanh để có thể phục hồi trở lại cần độ trễ nhất định, không phụ thuộc nội tại doanh nghiệp, mà phụ thuộc diễn biến dịch.

Cho rằng các mục tiêu kinh doanh, trong đó có vấn đề lợi nhuận sẽ là tâm điểm bàn thảo chính của ĐHĐCĐ lần này, TS.LS. Bùi Quang Tín nhận thấy, điều quan trọng nhất của ĐHĐCĐ là hiểu được tâm tư, nguyện vọng của cổ đông cần gì?

“Ở thời điểm này, đó là chỉ tiêu kinh doanh có đạt được hay không? Sau đó mới có thể nói tới các vấn đề khác như nhân sự, ngân hàng niêm yết... Tôi cho rằng, đại hội thường niên lần này vấn đề nóng nhất là dòng tiền, là lợi nhuận, là nợ xấu ngân hàng”, chuyên gia này chia sẻ. Ngân hàng phải tập trung xem xét để có giải pháp chuyển đổi cơ cấu kinh doanh, tái cơ cấu nguồn thu.

Chú trọng tái cơ cấu

Trong việc lập kế hoạch kinh doanh, các doanh nghiệp trong đó có ngân hàng đều phải xác định mục tiêu kinh doanh dựa trên nguồn lực hiện có và môi trường kinh doanh. Thông thường mục tiêu kinh doanh không chỉ là lợi nhuận, mà còn những mục tiêu chiến lược khác như thị phần, phát triển thị trường, đa dạng hóa kinh doanh, tiết giảm chi phí hoạt động…

Như vậy, theo TS. Châu Đình Linh, cốt lõi của mùa ĐHĐCĐ của các NHTM phụ thuộc vào đánh giá SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, thách thức, cơ hội) và phác thảo chiến lược kinh doanh, cũng như mục tiêu kinh doanh của hội đồng cổ đông. Với cơ sở này, ĐHĐCĐ mới có thể thống nhất cuối cùng cần làm những gì để đạt được các mục tiêu kinh doanh, trong đó có mục tiêu lợi nhuận.

Chuyên gia cho rằng, bên cạnh lợi nhuận, thì nội dung mà ĐHĐCĐ hướng tới sẽ là vấn đề kiện toàn hệ thống tổ chức, hệ thống kiểm soát, nhân sự, rà soát và chuyển đổi mô hình kinh doanh, đáp ứng yêu cầu, quy định của NHNN (Basel II)… để nhằm thích ứng với bối cảnh thay đổi hiện nay.

Không những vậy, theo Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, toàn bộ các NHTM phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức. Năm 2020 cũng là năm được nhiều ngân hàng kỳ vọng có thể niêm yết trên sàn chứng khoán, và đây cũng là vấn đề sẽ nhận được nhiều sự quan tâm ở một số nhà băng. MSB được ghi nhận là ngân hàng đầu tiên nộp hồ sơ niêm yết trong năm 2020. Nam A Bank cũng có kế hoạch niêm yết trong năm nay.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc các ngân hàng nỗ lực để có thể lên sàn cũng là để chứng minh hoạt động của mình an toàn, hiệu quả, minh bạch, giúp ngân hàng tăng khả năng huy động vốn từ thị trường cổ phiếu, nâng cao khả năng tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài…

Thừa nhận những tác động bất thường do dịch bệnh Covid-19 gây ra, song giới chuyên gia đều đồng tình ở quan điểm ngân hàng buộc phải thích nghi với thực tế, thay vì lo lắng và quan ngại. Dịch bệnh là vấn đề khách quan, ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, không chỉ Việt Nam, và cũng tác động tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có ngân hàng. Nên phải nhìn vào những cơ sở, nền tảng chúng ta đang có, đang tích cực để đối diện và có quyết sách phù hợp.

Tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách, tiền tệ quốc gia vào ngày 25/2, NHNN cũng cho biết, với Việt Nam, dự báo lạm phát trong tháng 2 sẽ thấp hơn so với tháng 1/2020. Trong khi đó, xuất khẩu vẫn duy trì được mức tăng trưởng tốt, thu ngân sách nhà nước nhìn chung chưa bị tác động. Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần là “chỉ bàn tiến, không bàn lùi và chưa tính đến việc điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội”.

Bởi vậy, theo chuyên gia, HĐQT của ngân hàng phải có những giải pháp cụ thể, sát với tình hình của nội tại ngân hàng. Đồng thời cần nhanh chóng chuyển nguồn thu từ tín dụng sang dịch vụ để hạn chế tác động tiêu cực của nền kinh tế tới hoạt động ngân hàng. Theo TS. Châu Đình Linh, có vài ngân hàng đã tiên phong chuyển đổi và hướng đến những hoạt động ngân hàng mới, hiện đại hơn như ngân hàng online, kết hợp hoạt động với các Fintech, phát triển dịch vụ… nhờ thế mà có thể cải thiện mức độ kỳ vọng đạt được về lợi nhuận năm 2020.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả