'Trùng tu biệt thự cổ không có nghĩa cứ phải rêu phong, cũ kỹ'
Dùng tư duy thẩm mỹ hiện đại để đánh giá về một công trình hơn 100 tuổi khiến nhiều người cho rằng biệt thự 49 Trần Hưng Đạo lòe loẹt.
Sau gần hai năm trùng tu, biệt thự hơn 100 tuổi ở số 49 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vừa chính thức mở cửa đón khách tham quan từ hôm nay. Công trình có tổng diện tích 993 m2, trong đó có 400 m2 mặt sàn, còn lại là thảm cỏ, lối đi. Biệt thự được quét vôi màu vàng và đỏ đậm, từng gây nhiều tranh cãi khi có ý kiến cho rằng "quá lòe loẹt, màu mè".
Nói về những bình luận này, độc giả Lenvcmaxx cho rằng: "Nhiều người đang bị hiểu nhầm về việc trung tu. Trùng tu ở đây là đưa công trình về hình dáng, màu sắc như lúc ban đầu mà nó vốn có, chứ không phải cố để nó rêu phong, ố bẩn. Một công trình muốn tồn tại lâu thì phải được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Các bạn nhìn các công trình từ thời La Mã sẽ thấy, dù tồn tại đến bây giờ có cái nào rêu phong, cũ kỹ đâu?".
Đồng quan điểm, bạn đọc Hoàng Thanh phân tích: "Nhiều bạn trẻ tuổi nên không biết được kiểu phối màu của các biệt thự Pháp ngày xưa. May mắn là tôi có người bạn học sinh ra trong một gia đình khá giả ở khu đường Hòa Hưng, quận 10, TP HCM. Nhà bạn ấy là một biệt thự song lập đúng kiểu Pháp với mái ngói lợp vảy cá, mái hiên lớn, tường dày.
Cách nay 20-30 năm khi ba bạn còn sống, ông vẫn giữ kiểu màu gốc là tường ngoài quét vôi màu vàng nghệ tươi, tường trong màu xám, trần trắng; cửa ngoài sơn dầu màu xanh lá cây thẫm, cửa trong đánh vec-ni màu cánh gián. Nó cũng tương tự như màu mà các bạn thấy ở ngôi biệt thự được trùng tu ở Hà Nội.
Sau này ông cụ mất, anh bạn tôi mới đổi màu theo phong cách hiện đại ngày nay, các nhà trong khu cũng thay đổi tương tự. Do đó, mỗi giai đoạn sẽ có một xu hướng thẩm mỹ khác nhau, chúng ta cần có kiến thức để hiểu hơn tại sao mà khi trùng tu người ta lại làm như vậy".
Việc trùng tu biệt thự này vốn gặp nhiều khó khăn do đây là biệt thự tư nhân nên không có tài liệu lưu trữ, ngoài một bức ảnh duy nhất chụp chủ nhà đứng trước biệt thự. Tuy nhiên, những người tham gia dự án trùng tu công trình này đã cố gắng nghiên cứu, phân tích và quyết định thực hiện theo đúng nguyên tắc bảo tồn di sản, gìn giữ tối đa yếu tố gốc của công trình.
Ủng hộ cách phối màu của căn biệt thự sau trùng tu, độc giả Minh Minh nhấn mạnh: "Tôi thấy rất đáng khen về khả năng phục dựng, tới viên gạch bị thiếu mà người ta vẫn không dùng gạch mới thay thế, tới trát vữa cầu thang họ cũng không động tới để giữ nguyên trạng. Muốn thấy biệt thự đẹp hay không, các bạn phải hiểu được kiến trúc của thế kỷ thứ 19. Những ngày đó, Việt Nam toàn nhà tranh vách đất, nên một tòa nhà như vậy sẽ là rất đồ sộ. Chứ nhiều người đòi phải đẹp theo tư duy kiến trúc của những tòa nhà chọc trời, biệt thự tân cổ điển... thì chỉ có đập đi xây lại".
Đó cũng là quan điểm của bạn đọc Tohuong: "Bạn muốn vừa mắt mình thì chỉ có cách tự xây, tự thiết kế. Chứ đây là công trình của toàn những chuyên gia về trùng tu, nên căn biệt thự đã được đưa về gần giống nhất với nguyên bản. Đó là nét đẹp xưa chứ không chạy theo gu thẩm mỹ hiện tại. Nếu nó không hợp mắt hoặc gu thẩm mỹ của các bạn thì cũng hãy thưởng thức nó như một phần trong dòng chảy kiến thức của nhân loại".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận