Trứng, rau muống, hành... siêu đắt ở TP.HCM: Bà nội trợ thở dài, không dám mua
Dù cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp giúp bình ổn giá, tránh đội giá hàng hóa, song trên thực tế giá thực phẩm vẫn ngày một leo thang.
Tính đến 12/7 đã có khoảng 170 chợ truyền thống, chợ đầu mối và 5 siêu thị lớn đóng cửa. Điều này đã tác động tới nguồn cung thực phẩm, khiến giá cả ngày một tăng cao. Trên các hội nhóm bán hàng tại chung cư và trên mạng xã hội Facebook, giá bán rau củ quả ngày một thay đổi.
Trứng gà, thịt heo ...rủ nhau tăng giá
Chị Vũ Yến, cư dân tại chung cư thuộc quận Tân Bình cho biết, chỉ mới hôm qua chị mua trứng gà công nghiệp còn với giá 40.000 đồng/chục thì nay đã tăng lên 45.000 và trứng vịt là 55.000 đồng/chục. Trong khi đó, giá trứng gà ta bị đẩy lên 60.000-70.000/chục, giá trước đây có cao nhất cũng chỉ dừng ở mức 35.000-40.000 đồng/chục.
"Để mua được vỉ trứng gà ở siêu thị là rất khó nên tôi chấp nhận mua bên ngoài với giá cao, nhưng thực tế càng nhiều người mua thì giá trứng càng tăng theo từng ngày"- chị Yến bày tỏ.
Không chỉ vậy, anh Anh Tú (Tân Bình) cũng cho biết, anh mới mua 2 vỉ trứng gà công nghiệp với giá 90.000 đồng/2 vỉ 20 quả. Mức giá này đã tăng gần gấp 2 lần so với trước dịch.
Hiện nay tại các điểm bán bình ổn giá, trứng gà chỉ giao động từ 25.000-27.000 đồng/chục. Giá trứng vịt Vĩnh Thành Đạt là 31.000 đồng/chục, trứng gà 26.000 đồng/chục, trứng gà Ba Huân vỉ 10 quả 27.300 đồng/chục, trứng vịt có giá 39.000 đồng/chục.
Cùng với đó, thịt heo cũng ghi nhận mức tăng chóng mặt khi ba rọi rút xương được bán ở khu vực Gò Vấp có giá 265.000 đồng/kg thay vì 165.000 đồng/kg, sườn non lên mức 200.000-220.000 đồng/kg thay vì 170.00 đồng/kg như trước, hay đùi heo lên 160.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thịt heo hơi xuất chuồng ở Đồng Nai giảm tương đối mạnh, còn 55.000-56.000 đồng/kg.
Hơn 75.000 đồng/kg rau muống
Không chỉ mặt hàng trứng, rau củ cũng được đem bán đồng giá từ 40.000-50.000 đồng. Người bán tên K.P (quận 1, TP.HCM) cho biết hiện nay chị bán đồng giá các loai rau như cải xanh, cải bẹ, mồng tơi, rau muống, chanh đồng giá 40.000 đồng/kg, dưa leo, khổ qua, cà chua 45.000 đồng/kg, bầu, mướp, đậu bắp đồng giá 50.000 đồng/kg. Đặc biệt hành lá và rau sống có giá cao chót vót 70.000 đồng/kg.
Mức giá rau củ được chị lấy từ nhà vườn này, thực sự chỉ thấp hơn chút ít so với giá rau đạt chuẩn hữu cơ đang được bán trên thị trường TP.HCM.
Trước dịch các loại rau cải xanh đều dưới 30.000 đồng/kg, rau muống ở các chợ dân sinh chỉ từ 10.000-20.000 đồng/kg, hành lá 30.000-40.000 đồng/kg, khổ qua, bầu chỉ 35.000 đồng/kg...
Không chỉ các cửa hàng, hay điểm bán rau của người dân, siêu thị Bách Hóa Xanh mới đây cũng thông báo tăng giá mặt hàng thực phẩm tươi sống, dù trên webiste khẳng định việc tăng giá trong thời điểm này không phải kiếm lời mà do chi phí vận chuyển và tỉ lệ hư hao thực phẩm lên quá cao.
"Rất nhiều khâu phát sinh chi phí, buộc đơn vị phải tăng giá bán ra"- đại diện Bách Hóa Xanh bày tỏ.
Thông tin này nhanh chóng khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi lo lắng, trước chi phí sinh hoạt ngày một cao. Thậm chí nhiều bà nội trợ cho biết, thấy nhiều mặt hàng tăng chóng mặt, trong khi thu nhập giảm nên "chỉ dám nhìn, không dám mua".
Theo ghi nhận, tại cửa hàng Bách Hóa Xanh, hiện giá rau muống nước baby tươi bán ra đã lên tới hơn 75.000 đồng/kg (giá niêm yết 22.500 đồng/300g), rau muống hạt có giá lên đến 50.000 đồng/kg, xà lách búp mỡ 40.000 đồng/kg, bông cải xanh 60.000 đồng/kg...
Tại một số cửa hàng kinh doanh thực phẩm, rau củ được đóng gói nhỏ xíu với mức giá còn cao hơn, như: xà lách 23.000 đồng/300g, khổ qua 300gr 22.000 đồng/phần, củ dền 99.000 đồng/500g, hành paro 99.000 đồng/300g...
Nhiều giải pháp chống bán hàng giá cao
Trong khi giá bán rau, củ trên thị trường ngày một tăng cao, thì tại một số nhà vườn ở quận 12, Củ Chi, Hóc Môn, giá rau xuống thấp còn 2.000-3.000 đồng/kg, không có nguồn tiêu thụ.
Chị Bảo Vân (Gò Vấp) đăng bán rau muống muốn giúp nhà vườn trong một nhóm buôn bán trên Facebook chỉ với giá 8.000 đồng/kg. Chị Vân cho biết hiện nay rau nhà vườn đang rớt giá do nguồn ra bị thu hẹp.
Đơn cử như giá bán rau củ tại các nhà vườn ở Hóc Môn có giá 4.000 đồng/kg rau muống, cải ngọt, cải bẹ xanh 6.000 đồng/kg, xà lách 8.000 đồng/kg... Trong khi đó các loại rau này ra chợ phải tăng gấp 10 lần.
Trước tình hình trên, Sở Công thương cũng đưa ra nhiều phương án nhằm hạ nhiệt giá thực phẩm như thành lập và vận động doanh nghiệp tổ chức các điểm bán lưu động bình ổn giá, cung cấp số điện thoại khi người dân phát hiện thực phẩm bị đội giá quá cao.
Bên cạnh đó vấn đề vận chuyển hàng hóa cũng được kiến nghị để tháo gỡ khó khăn trong việc ùn tắc, và xét nghiệm COVID-18. Trong cuộc họp trực tuyến giữa Bộ GTVT và UBND 19 tỉnh khu vực phía Nam, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đã đề nghị các tỉnh phải quan tâm sâu sắc đến hoạt động vận tải hàng hóa, cũng như quan tâm tới lực lượng lao động vận tải.
Ông cũng đề nghị những địa phương có áp dụng Chỉ thị 15 và 16 rà soát lại luồng xanh, đồng thời phải công bố rõ ràng, minh bạch để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Nếu các luồng xanh quá tải, có thể trao đổi để thành lập thêm luồng xanh nhằm giải tỏa ách tắc, ùn ứ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận