24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồ Anh Tài
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Trung Quốc tự tin đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022, sẵn sàng "giá nào cũng trả"

Trung Quốc đang nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% trong năm nay, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt rào cản và trở ngại như chiến sự Nga-Ukraine; căng thẳng kéo dài với Washington và các đồng minh, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất...

Trung Quốc đã đưa ra một loạt các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong báo cáo công tác gần đây của Chính phủ nhằm giảm bớt những âu lo về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hiện đang chiếm một phần tư GDP toàn cầu.

Về tài chính, Bắc Kinh dự kiến phát hành 3,65 nghìn tỷ NDT (tương đương 578 tỷ USD) trái phiếu để cấp vốn cho các dự án xây dựng.

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan quản lý kinh tế vĩ mô hàng đầu của Trung Quốc cho biết, hiện có khoảng 102 siêu dự án được đề xuất trong kế hoạch 5 năm (2021-2025), đang trong quá trình thực hiện và đợi cấp vốn.

Dự kiến, Bắc Kinh cũng sẽ gia hạn việc cắt giảm thuế và hoàn lại khoảng 2,5 nghìn tỷ NDT trong năm 2022 để hỗ trợ ngành sản xuất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể và tạo thêm hơn 11 triệu việc làm.

Thách thức muôn trùng

Tuy nhiên, xung đột Nga-Ukraine nổ ra đã giáng một “đòn mạnh” vào nền kinh tế toàn cầu và che khuất triển vọng phát triển của Trung Quốc.

Ngân hàng ING đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc 0,6 điểm phần trăm xuống 4,8 phần trăm vào cuối tháng Hai, đồng thời cho rằng việc “mạnh tay” chi cho cơ sở hạ tầng chưa thể bù đắp cho mức tăng trưởng tiêu dùng ngày càng chậm lại.

Đến Ngân hàng Morgan Stanley, từ lâu vốn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc, hôm 10/3 đã tuyên bố hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2022 khoảng 20 điểm cơ bản xuống còn 5,3% trong bối cảnh căng thẳng tại Ukraine chưa có hồi kết.

“Mức giảm phản ánh tình hình kinh tế trong nước đang phục hồi chậm chạp; xuất khẩu có khả năng yếu hơn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, nhu cầu toàn cầu giảm và giá dầu cao hơn”, ông Robin Xing, chuyên gia kinh tế Trung Quốc của Morgan Stanley nhận định.

Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Tập đoàn Tài chính Macquarie Capital, cảnh báo: “Mục tiêu chắc chắn có thể đạt được nếu Bắc Kinh kiên quyết, nhưng cái giá phải trả sẽ rất đắt.

Theo chuyên gia này, quy mô của các biện pháp kích cầu sẽ phụ thuộc vào việc xuất khẩu có tiếp tục ổn định và liệu tiêu dùng trong nước có phục hồi hay không.

Các cơ quan chức năng Trung Quốc hiện vẫn chưa tiết lộ đánh giá về tác động của xung đột Nga-Ukraine với nền kinh tế quốc gia, nhưng Shi Yinhong, giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc cảnh báo về những thách thức ngày càng gia tăng khi thế giới đang phân cực sâu sắc.

Trong khi đó, việc Trung Quốc “tách mình” khỏi hệ thống tài chính toàn cầu vốn bị ràng buộc chặt chẽ với đồng USD đặt ra nhiều băn khoăn về tác động của cuộc chiến Nga-Ukraine tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Có hiệu lực từ ngày 11/3, Trung Quốc đang mở rộng biên độ thả nổi hàng ngày đối với đồng NDT so với đồng Ruble của Nga trên thị trường liên ngân hàng, nền tảng thương mại ngoại hối của nước này cho biết ngày 10/3.

Bắc Kinh không nêu chi tiết nhưng quyết định được đưa ra sau khi đồng tiền của Nga chịu áp lực giảm giá lớn trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây gia tăng.

Động thái này cũng cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực đối phó với tác động bất ổn từ chiến sự khiến Nga ngày càng trở nên xa rời các thị trường toàn cầu.

Bộ công cụ chính sách "lợi hại"

Bắc Kinh đã nhiều lần nhấn mạnh đến việc cần thiết của sự ổn định kinh tế và kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,5%, cao hơn mức 5% cần thiết để Trung Quốc tăng gấp đôi quy mô kinh tế vào năm 2035 - một mục tiêu phát triển dài hạn của nước này.

Trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp lưỡng hội thường niên của Trung Quốc vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã thừa nhận những thách thức toàn cầu và trong nước đang gia tăng, và việc đạt được mục tiêu GDP có ý nghĩa quan trọng để ổn định việc làm nhưng sẽ “đòi hỏi những nỗ lực gian khổ”.

Trung Quốc tự tin đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022, sẵn sàng "giá nào cũng trả"
Năm 2021, tiêu dùng đóng góp vào 65,4% tăng trưởng GDP của Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Chính phủ Trung Quốc hiện đang quản lý khoảng 200 “gã khổng lồ” công nghiệp, nhiều ngân hàng quốc doanh lớn và hàng nghìn quỹ tài chính cấp địa phương. Sở hữu trong tay “bộ công cụ chính sách” khá vững chắc, Trung Quốc đã khá thành công khi vận dụng bộ công cụ này để đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Chính sách tiền tệ của nước này cũng được nới lỏng, việc hạ lãi suất 10 điểm cơ bản đã được công bố vào tháng Một và Ngân hàng Trung ương (PboC) dự kiến sẽ trích 1 nghìn tỷ NDT lợi nhuận cho kho bạc của chính phủ trong năm nay.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, chính sách tài khóa cũng sẽ đóng một vai trò nổi bật.

Nhà kinh tế Zhao Wei thuộc Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Sinolink Securities cho biết, chi tiêu chính phủ tăng lên và có thể đạt 8,4% tổng sản phẩm quốc nội, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thâm hụt ngân sách 2,8%.

Điều này sẽ giúp hỗ trợ cho các dự án giao thông, năng lượng, viễn thông và củng cố hạ tầng đô thị, giúp thúc đẩy đầu tư hiệu quả.

“Trung Quốc đang trên con đường ổn định kinh tế. Nền kinh tế có thể chạm đáy trong quý đầu tiên và đang dần trở lại mức tăng trưởng hợp lý”, ông Zhao Wei nhấn mạnh.

Cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (World Bank) Justin Lin Yifu, người hiện đang rất lạc quan về triển vọng kinh tế của Trung Quốc, cho biết các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ được thúc đẩy trong thời gian tới, trong bối cảnh nguồn tín dụng từ các ngân hàng quốc doanh đang dồi dào.

“GDP của Trung Quốc có tiềm năng tăng 6% hoặc thậm chí cao hơn trong năm nay”, ông lạc quan.

Tang Yao, Phó giáo sư tại Trường Quản lý Quảng Hoa thuộc Đại học Bắc Kinh, nhận định mục tiêu GDP mà Chính phủ đưa ra rất có thể hoàn thành nhờ các công cụ chính sách dự trữ của Bắc Kinh giúp bù đắp những bất ổn bên ngoài.

Ông Tang cho biết, Trung Quốc có nhiều khả năng để cải thiện các chính sách kiểm soát đại dịch của mình, vì chính sách Zero Covid hiện tại đã được thực hiện nghiêm túc, giúp giải phóng tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề.

Năm 2021, tiêu dùng đóng góp vào 65,4% tăng trưởng GDP của Trung Quốc, đầu tư chiếm 13,7% và 20,9% từ xuất khẩu ròng.

“Điều cấp thiết nhất hiện nay là thực hiện hiệu quả và hiệu quả hơn nữa các chính sách hỗ trợ được nêu trong báo cáo công tác của chính phủ vừa qua”, ông Tang khẳng định.

(theo SCMP)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả