Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới như thế nào?
Trung Quốc sắp thực hiện một lời hứa quan trọng – tăng gấp đôi GDP và thu nhập trong 1 thập kỷ, đồng thời đưa quốc gia đi đầu trong cơ cấu quyền lực kinh tế toàn cầu.
Hiện Trung Quốc đang đối mặt với thách thức giữ đà tăng trưởng trong bối cảnh “cơn gió ngược” xuất hiện ngày càng nhiều.
Sự đi lên của Trung Quốc bắt đầu vào cuối những năm 1970 bằng cách cởi mở thị trường hơn. Họ tiếp tục thông qua kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng quyết liệt, tận dụng những lợi thế của lao động giá rẻ, một đồng tiền bị mất giá và hệ thống nhà máy để truyền bá sản phẩm ra khắp thế giới.
Tất cả những yếu tố trên đã góp phần chuyển biến nền kinh tế này thành một siêu cường thịnh vượng. Đất nước này bây giờ dường như trên một con đường không thể lay chuyển tiến đến vị trí số 1.
Trung Quốc đã leo lên vị trí thứ 2 trên thế giới, với GDP là 13.1 ngàn tỷ USD, dù vẫn sau Mỹ, nhưng đang tiếp tục tiến gần hơn. Các nhà dự báo kỳ vọng rằng với mức tăng trưởng trên 6% trong năm 2020, Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra là tăng gấp đôi GDP trong thập kỷ 2011-2020.
Mặt khác, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với cuộc chiến thương mại tồi tệ nhất với Mỹ và vô số thách thức khác để duy trì tốc độ tăng trưởng cao.
Song, tương lai khó mà nói trước được.
“Nhìn về phía trước, Trung Quốc vẫn duy trì khả năng cạnh tranh rất cao”, Michael Yoshikami, nhà sáng lập của Destination Wealth Management, cho hay. “Trung Quốc vẫn sẽ là quốc gia có sức ảnh hưởng trên toàn cầu”.
Tác động tiêu cực từ hàng rào thuế quan
Theo ông Yoshikami, Trung Quốc đang dẫn đầu về giáo dục và đổi mới công nghệ, nhưng lại chịu tác động tiêu cực từ hàng rào thuế quan của Mỹ, cũng như chi phí lao động ngày càng tăng và hoạt động sản xuất chậm lại.
“Nền kinh tế Trung Quốc nhắm tới mức tăng trưởng 7%. Nước này từng tăng trưởng ở mức 14%. Nếu Trung Quốc tăng trưởng 6%, mức này vẫn còn cao. Nhưng bạn sẽ thấy tâm lý tiêu cực ở khắp Trung Quốc”, Yoshikami cho biết. “Nếu bạn nói chuyện với người dân ở đây, họ không lạc quan như 2 năm, 4 năm hoặc 6 năm về trước”.
Trong các yếu tố tiêu cực, cuộc chiến thương mại dường như là một yếu tố có tác động lớn nhất đến nền kinh tế Trung Quốc.
Mặc dù hai bên dường như sắp tiến tới thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 – trong đó có cả hàng rào thuế quan, nhưng vẫn còn đó nhiều bất đồng cần phải được giải quyết. Tác động của cuộc chiến này đang thể hiện rõ ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc.
“Người dân tin rằng cuộc chiến thuế quan đang gây tổn thương đến nền kinh tế”, Yoshikami cho biết. “Lạm phát đang tăng. Chi phí của nhóm thực phẩm cơ bản đã tăng 10-15%. Giá thịt heo tăng đến 100%. Vì vậy mọi người đang thay đổi chế độ ăn vì họ không thể mua nổi những thực phẩm đó nữa”.
“Điều đó đang làm cuộc sống người dân trở nên tệ hơn rất nhiều”, ông nói thêm. “Mỹ chắc chắn hoan nghênh thỏa thuận. Nhưng Trung Quốc mới thực sự cần một thỏa thuận”.
Một mặt, Yoshikami nhận thấy những bước tiến nhanh chóng cho phép người tiêu dùng mua hàng hóa bằng các ứng dụng như AliExpress – trong đó cung cấp các sản phẩm giá rẻ mà không bị tính phí ship. Mặt khác, người tiêu dùng vẫn xếp hàng mua quần jean Levi Strauss và các sản phẩm khác khi họ vẫn thèm muốn mua hàng Mỹ.
Nhưng vẫn còn đó một vấn đề khiến người tiêu dùng lo ngại.
Cân đo đong đếm thiệt hại từ hàng rào thuế quan
Thiệt hại từ cuộc chiến thương mại đến kinh tế Trung Quốc có thể cân đo đong đếm được. Tăng trưởng doanh thu tài chính trong 10 tháng đầu năm 2019 đã giảm xuống 3.8%, từ mức 6.2% cùng kỳ năm trước, dựa trên dữ liệu từ Nomura Global Economics. Bên cạnh đó, tăng trưởng xuất khẩu giảm 0.3% trong 11 tháng đầu năm 2019, sau khi tăng trưởng 9.9% trong cùng kỳ năm trước, vì sự giảm mạnh lượng hàng xuất khẩu đến Mỹ - vốn giảm 12.5% trong năm 2019, trái ngược với mức tăng trưởng 8.5% trong năm 2018.
Đà giảm tốc về xuất khẩu cũng khiến GDP Trung Quốc giảm 1.3 điểm phần trăm trong năm nay, theo Nomura.
“Chúng tôi đã dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc từ giữa năm 2018 và sẽ hồi phục trong năm 2020”, Nomyura cho biết trong báo cáo về triển vọng năm 2020 của Trung Quốc. “Không may là chúng tôi buộc phải nhấn mạnh lại rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa chấm dứt và 2020 có thể là một năm khó khăn đối với Trung Quốc”.
Nằm trong số những chướng ngại vật mà Nomura dự báo cho Trung Quốc là lĩnh vực bất động sản giảm tốc, ít cơ hội thực hiện gói kích thích, nhất là nới lỏng tín dụng – vốn là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2016-2017, và vấn đề với đòn bẩy. “Giữa lúc triển vọng tăng trưởng ngày càng xấu đi, Bắc Kinh cần làm nhiều hơn để vực dậy tăng trưởng”, Ting Lu và các chuyên gia kinh tế khác của Nomura cho biết.
“Tuy nhiên, chúng tôi khuyến nghị cẩn trọng về tốc độ tăng trưởng, phạm vi và tính hiệu quả của các biện pháp kích thích của Bắc Kinh, vì nợ ngày càng tăng, bao gồm cả nợ nước ngoài, tỷ suất sinh lợi trên vốn thấp hơn nhiều, thặng dư tài khoản vãng lai thấp hơn và dự trữ ngoại hối ngày càng giảm”.
Đâu là điểm sáng?
Nhìn về tương lai, có nhiều lý do để kỳ vọng chiến lược hướng tới vị trí số 1 của Trung Quốc vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ. Các chuyên gia còn đặt ra kịch bản lạc quan dành cho Trung Quốc, trong đó khởi đầu với sự xuất hiện của nhiều “siêu thành phố”.
Khi giai đoạn chuyển giao diễn ra, khoảng 23 trong số những siêu thành phố này sẽ có dân số cao hơn cả New York và tổng dân số của 5 siêu thành phố sẽ lên đến 120 triệu người, theo các dự báo của Morgan Stanley.
Bằng cách mang người lao động từ khu vực nông thôn lên các trung tâm có đông dân cư, các thành phố lớn được lập ra nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực mà dân số già hóa mang lại cho cả nền kinh tế Trung Quốc.
“Chúng tôi tin rằng câu trả lời cho những thách thức trên là giai đoạn đô thị hóa mới với tiềm năng tạo ra sự gia tăng năng suất bằng cách tạo điều kiện dịch chuyển tự do hơn cho các doanh nghiệp và người lao động, đồng thời tạo sự kết hợp giữa các ngành nghề khác nhau”, các chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley cho biết trong một báo cáo.
Cơ hội để đầu tư
Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh vào công nghệ 5G như là một phần của các nỗ lực hiện đại hóa và đô thị hóa. Mục đích là để các ngôi nhà có thể tự động hóa, trong khi sinh viên có thể sử dụng chương trình học thực tế ảo cho hoạt động gia sư trực tuyến cho đến làm việc nhà.
Là một tình huống có thể đầu tư được, Morgan Stanley khuyến nghị khách hàng xem xét tới các chủ đề như sau: cơ sở hạ tầng công nghệ, Internet Vạn vật và phần mềm; số hóa các ngành công nghiệp của kinh tế cũ và xu hướng siêu thành phố.
Thế nhưng, đối với Yoshikami, bức tranh vẫn còn tương đối mờ mịt khi một số vấn đề cấp thiết hơn vẫn chưa được giải quyết. “Đầu tư ở Trung Quốc là một canh bạc nguy hiểm vì họ nằm giữa một thị trường mới nổi và thị trường phát triển”, ông cho biết. “Tôi không chắc về định giá tại thời điểm này”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận