24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Trung Quốc sẵn sàng mua thêm nông sản để dỗ dành Mỹ?

Trung Quốc được dự báo đồng ý mua thêm nông sản Mỹ với hy vọng có một thỏa thuận thương mại tốt hơn với Mỹ, khi cả hai bên chuẩn bị đàm phán chính thức vào đầu tháng 10/2019.

Theo nguồn tin thân cận từ South China Morning Post (SCMP), các quan chức đang bàn luận về văn bản thỏa thuận và văn bản này sẽ được xem xét lại khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ở Washington vào tháng 10/2019.

Văn bản này dựa trên bản phác thảo mà hai bên đã viết hồi tháng 4/2019, dựa trên nguồn tin thân cận.

Là một phần của cuộc đàm phán, Trung Quốc đề xuất mua thêm hàng hóa Mỹ và đổi lại, Mỹ phải trì hoãn nâng thuế và nới lỏng lệnh cấm đối với gã khổng lồ viễn thông Huawei.

Nguồn tin này cho biết Trung Quốc có thể đề xuất tăng khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao bảo vệ sở hữu trí tuệ và giảm bớt năng suất công nghiệp dư thừa, nhưng có thể cảm thấy do dự khi thỏa hiệp về trợ cấp, chính sách công nghiệp và cải cách các doanh nghiệp Nhà nước.

Khi đàm phán chỉ còn cách vài tuần nữa, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng tranh thủ sự hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp.

Phát biểu tại bàn tròn bao gồm các đại diện của doanh nghiệp Mỹ trong ngày thứ Ba (10/09), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc muốn có giải pháp thương mại mà cả hai bên cùng chấp thuận. Ông Lý cũng cho biết Bắc Kinh hoan ngênh các công ty Mỹ đầu tư vào Trung Quốc và sẽ tiếp tục mở cửa cũng như cải cách quốc gia.

Trong một cuộc gặp khác với CEO Michael Corbat của Citigroup, ông Lưu Hạc cho biết Trung Quốc kịch liệt phản đối chiến tranh thương mại và hy vọng cộng đồng doanh nghiệp Mỹ sẽ hỗ trợ tạo dựng quan hệ thương mại và kinh tế song phương ổn định và mang tính hợp tác cao hơn.

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung bỗng đổ vỡ vào đầu tháng 10/2019, mặc dù hai bên đã đồng ý đến 90% nội dung của văn bản thỏa thuận thương mại, trong đó có cả thỏa thuận về tỷ giá, dựa trên nguồn tin thân cận.

Sau đó, Mỹ cáo buộc Trung Quốc không giữ những cam kết trước đó, trong khi Bắc Kinh lại nói rằng Mỹ đưa ra những yêu cầu không thể chấp nhận được và gây tổn hại đến chủ quyền.

Hai bên nối lại đàm phán vào tháng 7/2019, nhưng chẳng thể đạt bước đột phá nào trong cuộc họp ngắn hơn dự kiến ở Thượng Hải. Các nhà quan sát cho biết Mỹ muốn nối lại đàm phán dựa trên văn bản đã thỏa thuận trước đó, còn phía Trung Quốc lại muốn bao gồm điều kiện tiên quyết là loại bỏ hàng rào thuế quan trong thỏa thuận thương mại.

Vì chẳng có tiến triển trong đàm phán, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp hàng rào thuế quan mới lên hàng hóa Trung Quốc trong tháng 8/2019. Về phía Trung Quốc, họ cũng tung ra hàng rào thuế quan trả đũa và ngừng mua nông sản từ Mỹ.

Căng thẳng thương mại ngày một trầm trọng khi ông Trump cáo buộc Trung Quốc thao túng tỷ giá bằng cách cố ý phá giá Nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu.

Ở Bắc Kinh, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ không còn mặn mà với chuyện ngăn chặn Nhân dân tệ rớt ngưỡng 7 đổi 1 USD. Và thế là Nhân dân tệ đã mất ngưỡng tâm lý quan trọng này.

Các nhà quan sát cho biết trong tình cảnh rối loạn như lúc này, ngay cả thỏa thuận mua nông sản đơn giản cũng chẳng có gì chắc chắn.

“Mọi người đều biết chẳng bên nào tin bên nào và thỏa thuận về đậu nành cũng chẳng thể làm thay đổi điều đó”, Scott Kennedy, Cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho hay. “Sẽ hợp lý hơn khi hạn chế bớt việc thể hiện như thế này và trở lại bàn đàm phán càng sớm càng tốt để trao đổi về những vấn đề cấu trúc đã bị tạm ngưng vào đầu tháng 5/2019 – thời điểm Trung Quốc rút lại cam kết”.

James Zimmerman, cựu Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc và đối tác tại công ty luật Perkins Coie, cho biết thỏa thuận mua hàng Mỹ có nguy cơ vi phạm quy luật thị trường và có thể bị các nước khác phản đối.

“Cuộc đàm phán Mỹ-Trung sẽ chững lại cho đến năm 2020 khi ông Trump dần khao khát có một thỏa thuận trước thềm bầu cử, bất kỳ thỏa thuận nào”, Zimmerman cho biết.

“Ông Trump có lẽ sẽ khá hơn nếu cố gắng hoàn tất đàm phán về các hiệp định đầu tư song phương và TPP (giờ đã đổi tên thành CPTPP - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). Chiến thuật của ông ấy là một sai lầm khổng lồ khi bỏ qua hiệp định đầu tư song phương và TPP vì đây là sự mất mát lớn về cơ hội cũng như lợi thế chiến lược trước Trung Quốc và danh tiếng dài hạn của Mỹ”.

Ở Bắc Kinh, giới lãnh đạo đang tập trung nhiều hơn vào dài hạn, điều này thể hiện thỏa thuận thương mại với Mỹ có lẽ chỉ là thỏa thuận đình chiến thương mại mà thôi.

Trong bài phát biểu vào thứ Ba tuần trước (03/09), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc giục Đảng Cộng sản chuẩn bị cho một cuộc chiến trường kỳ trước hàng loạt rủi ro.

Tuy vậy, Trung Quốc cũng đưa ra những bước đi trong việc tự do hóa thị trường tài chính nội địa và thu hút vốn nước ngoài. Trong ngày thứ Ba (10/09), Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc thông báo sẽ loại bỏ hạn ngạch đối với các chương trình nhà đầu tư tổ chức nước ngoài – vốn là chương trình cấp phép nhà đầu tư quốc tế để họ đầu tư vào thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả