Trung Quốc ra sức nhập than từ Nga
Để khắc phục tình trạng thiếu điện, Trung Quốc đã tức tốc nhập khẩu than từ Nga với số lượng tăng gấp ba lần so với năm ngoái.
Thông tin cắt điện tại các nhà máy ở Trung Quốc dày đặc trong tháng 9 khi chính quyền các địa phương phải cố gắng cân đối nhu cầu sử dụng điện tăng cao trước áp lực giảm phát thải carbon từ chính quyền Trung ương.
Số liệu thương mại sơ bộ cho thấy lượng than mà Trung Quốc nhập khẩu trong tháng 9 tăng 76% so với cùng kỳ năm trước lên 32,9 triệu tấn. Còn theo số liệu hải quan công bố gần đây, phần lớn lượng than nhập khẩu gần đây của Trung Quốc đến từ Nga và Indonesia, thay vì Australia.
Trong tháng 9, Trung Quốc đã nhập khẩu 3,7 triệu tấn than nhiệt từ Nga, tăng 28% so với tháng 8 và 230% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu hải quan được Wind Information tổng hợp. Lượng than nhiệt mà Trung Quốc nhập từ Indonesia trong tháng 9 cũng đạt mức 3 triệu tấn, tăng 19% so với tháng 8 và 89% so với cùng kỳ năm trước.
Đây không phải động thái nhất thời của Trung Quốc. Kể từ tháng 5/2021, than nhiệt nhập khẩu từ Nga đã tăng gấp đôi hay thậm chí gấp ba so với năm 2020. Lượng than nhập khẩu hàng tháng của Trung Quốc đã tăng cao so với năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
"Điều này cho thấy Trung Quốc vẫn rất cần hệ thống thương mại toàn cầu, bất luận quốc gia này đang cố gắng tiết giảm sự phụ thuộc vào thương mại bên ngoài", ông Stephen Olson, đối tác nghiên cứu cao cấp tại Tổ chức nghiên cứu thương mại Hinrich Foundation đánh giá.
"Nó cũng cho thấy các chi phí kinh tế và những trục trặc thương mại sẽ gia tăng khi các hạn chế giao thương được sử dụng để gây áp lực chính trị", ông Stephen Olson bình luận.
Trên thực tế, dù nhu cầu than của Trung Quốc tăng cao, nhưng số liệu hải quan cho thấy lượng than nhiệt mà Trung Quốc nhập từ Australia vẫn bằng 0.
Australia từng là nhà cung cấp than lớn nhất cho Trung Quốc. Riêng năm 2019, Australia đã cung cấp 38% trong tổng lượng than nhiệt nhập khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, căng thẳng chính trị giữa hai nước leo thang sau khi Australia kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của Covid-19, khởi phát từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.
Theo đài CNBC, vào tháng 9/2020 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng nước này sẽ đạt mục tiêu giảm phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và đạt trạng thái trung tính carbon vào năm 2060. Động thái này đã kích hoạt các kế hoạch cấp quốc gia và địa phương Trung Quốc nhằm cắt giảm sản lượng than và các quy trình phát thải lượng lớn carbon.
Chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đang gấp rút hành động sau khi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) ra cảnh báo vào giữa tháng 8/2021 rằng có đến 20 địa phương - chiếm khoảng 70% GDP Trung Quốc - đã không đạt các mục tiêu liên quan đến phát thải carbon.
Ông David Fishman, nhà nghiên cứu chính sách năng lượng Trung Quốc từ Công ty tư vấn kinh tế Lantau Group cho hay, tình trạng thiếu than và giá than tăng kỷ lục khiến "các nhà máy điện than không thể vận hành có lãi trong hầu hết các trường hợp". Chuyên gia này cho rằng căn nguyên dẫn đến tình trạng thiếu hụt than là do những bất cập trong hệ thống định giá của Trung Quốc
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận