menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Việt Nữ

Trung Quốc phát hiện urani ở độ sâu không thể ngờ tới

Nhà chức trách hạt nhân Trung Quốc cho biết các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra các mỏ urani nằm sâu dưới bề mặt Trái Đất. Đây được coi là bước đột phá đối với an ninh quốc gia Trung Quốc.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, các nhà khoa học cho biết các mỏ urani khổng lồ được tìm thấy ở độ sâu mà trước đây tưởng chừng là không thể, giúp tăng tổng trữ lượng ước tính của Trung Quốc lên gấp 10 lần, lên hơn 2 triệu tấn. Các nhà khoa học tham gia vào dự án nhận định số lượng urani này sẽ đưa Trung Quốc ngang hàng với Australia, một trong những quốc gia giàu urani nhất thế giới.

Sử dụng một số công nghệ và thiết bị tiên tiến nhất trên thế giới, các nhà địa chất đã tăng độ sâu thăm dò lên 3.000 mét - sâu hơn 6 lần so với hầu hết các mỏ urani ở Trung Quốc. Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc cho biết trên tài khoản mạng xã hội WeChat: “Dự án hàng đầu thế giới này là một bước đột phá lớn đối với đất nước chúng ta”.

Nhu cầu về urani của Trung Quốc ngày càng mở rộng, với nguồn cung năng lượng hạt nhân tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Quốc gia này xây dựng khoảng 7 đến 8 lò phản ứng mới mỗi năm.

Urani cũng đóng vai trò chi phối trong sản xuất vũ khí. Theo một số đánh giá dựa trên bằng chứng sẵn có, kho dự trữ hạt nhân của quân đội Trung Quốc đã mở rộng đáng kể trong những năm gần đây trong bối cảnh căng thẳng chính trị gia tăng với Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, hầu hết các mỏ urani ở Trung Quốc đều có quy mô nhỏ với chất lượng quặng kém. Hơn 70% nguồn cung của Trung Quốc đến từ Kazakhstan, Canada và Australia. Tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ nước ngoài đã khiến Bắc Kinh không khỏi lo lắng về nguy cơ an ninh.

Ông Li Ziying, Giám đốc Viện Nghiên cứu Địa chất Urani ở Bắc Kinh, cho biết phát hiện này đã thách thức các lý thuyết chính thống về sự hình thành mỏ urani. Người ta thường tin rằng nguyên tố phóng xạ chỉ tập trung ở một khu vực nông, ổn định về mặt địa vật lý. Nhưng một số mỏ urani lớn nhất được tìm thấy ở miền nam Trung Quốc trong những năm gần đây nằm dưới mặt đất tới hơn 1.500 mét. Những khu vực này đã trải qua những chuyển động kiến tạo dữ dội. Theo các lý thuyết trước đây, sự chuyển động này có thể khiến quá trình hình thành quặng urani kéo dài và phức tạp.

Theo nhà chức trách hạt nhân Trung Quốc, chuyên gia Li và các đồng nghiệp của ông nhận thấy urani có thể hình thành từ lớp phủ và bị mắc kẹt trong các “điểm nóng” cách mặt đất vài nghìn mét trong một số vụ va chạm kiến tạo lớn.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Science and Technology Daily, ông Li cho biết khó khăn khi tìm kiếm là thường chỉ có một dấu hiệu nhỏ trên bề mặt của một mỏ uranium sâu. Ông giải thích: “Việc xác định vị trí của nó khó khăn như việc tìm một chiếc đĩa CD trên diện tích 10.000 km vuông”.

Trung Quốc phát hiện urani ở độ sâu không thể ngờ tới
Đơn vị 6 của Nhà máy điện hạt nhân Tianwan thuộc Tổng công ty hạt nhân quốc gia Trung Quốc ở thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Trong thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát triển nhiều công nghệ và thiết bị tiên tiến để hỗ trợ tìm urani ở sâu trong lòng đất. Họ đã tạo ra một thiết bị cảm biến từ xa siêu nhạy, cho phép các nhà khoa học phát hiện một dấu hiệu nhiệt nhỏ do quặng phóng xạ tạo ra với độ chính xác chưa từng có trên một khu vực rộng lớn.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng đã phát triển một máy khoan có đầu khoan đặc biệt để lấy mẫu từ các khu vực có độ sâu lớn một cách hiệu quả, đồng thời tăng tốc độ phân tích dữ liệu bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Song theo một nhà nghiên cứu về nhiên liệu hạt nhân tại Bắc Kinh, phát hiện mới sẽ không làm thay đổi ngay lập tức sự phụ thuộc của Trung Quốc vào urani nhập khẩu vì còn nhiều thách thức về chi phí và kỹ thuật để khai thác các mỏ urani. Nhà nghiên cứu giấu tên cho biết: “Nhưng về lâu dài, nó có thể sẽ có tác động sâu sắc đến vị thế của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu”.

Một số nguồn tin cho biết trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thăm dò và mua các mỏ urani ở châu Phi, Trung Đông và Đông Âu. Chính phủ nước này cũng đã đầu tư rất nhiều vào việc phát triển các vật liệu lọc mạnh có thể chiết xuất urani từ nước biển.

Để cải thiện hiệu quả sử dụng nhiên liệu, các nhà chức trách hạt nhân Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng một số cơ sở tái chế chất thải hạt nhân bằng cách sử dụng các công nghệ khác nhau, bao gồm cả máy gia tốc hạt.

Thành phố Vũ Uy, tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc, cũng đang xây dựng một lò phản ứng muối nóng chảy thử nghiệm sử dụng thori, một loại nhiên liệu hạt nhân mới mà Trung Quốc có nguồn cung dồi dào.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại