menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thạch Thảo

Trung Quốc mở cửa thị trường tài chính

Trung Quốc vừa có những động thái mở rộng cửa thị trường tài chính, đặc biệt là trái phiếu chính phủ cho nhà đầu tư nước ngoài, một sự chuyển động mà hãng tin Bloomberg đánh giá còn có tác động sâu rộng lên nền kinh tế thế giới hơn sự kiện Trung Quốc gia nhập WTO.

Thật ra trước đây nhà đầu tư nước ngoài cũng đã mua cổ phiếu và trái phiếu ở thị trường Trung Quốc nhưng còn chịu nhiều ràng buộc; nay việc nới lỏng nhiều quy định cho phép nhà đầu tư tiếp cận thị trường hợp đồng tương lai (giúp họ có công cụ phòng tránh rủi ro biến động giá cả) hay cho phép nhà đầu tư nước ngoài cho vay bằng chính cổ phiếu họ nắm giữ... được dự đoán là sẽ thu hút một dòng vốn đầu tư tài chính chảy vào nước này trong thời gian tới.

Chẳng hạn, theo Financial Times, mới đây một trong những chỉ số trái phiếu quan trọng đã bổ sung vào danh mục tính toán loại trái phiếu chính phủ Trung Quốc, mở đường cho khoảng 140 tỉ đô la rót vào thị trường này.

Song song với sự nới lỏng này, Trung Quốc cũng gỡ bỏ nhiều hạn chế đối với các định chế tài chính quốc tế, như cho phép đầu tư 100% vốn nước ngoài vào các công ty dịch vụ tài chính, nhà đầu tư nước ngoài nay có thể mua nguyên cả ngân hàng thương mại nội địa, công ty nước ngoài có thể đứng ra làm nhà phát hành cho các loại trái phiếu...

Chỉ tính riêng thị trường trái phiếu chính phủ trị giá 15.000 tỉ đô la, hãng tin Bloomberg cho rằng khi cả ba chỉ số trái phiếu hàng đầu của thế giới đều bổ sung trái phiếu Trung Quốc thì sự dịch chuyển vốn sẽ có quy mô chưa hình dung nổi.

Hiện nay các quỹ đầu tư hưu trí toàn cầu đang tìm chỗ an toàn nhưng có lợi suất cao cao một chút sẽ không thể nào bỏ qua khả năng mua loại trái phiếu có thể đem về cho họ trên 3% lợi nhuận. Trái phiếu Trung Quốc sẽ giúp họ có thêm một chọn lựa mới ngoài các loại trái phiếu dù ít rủi ro nhưng lợi suất quá thấp, thậm chí âm như trái phiếu Nhật Bản.

Một khi tiền đầu tư tài chính rót vào nhiều, Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ nới lỏng hướng ngược lại, tức cho phép người dân Trung Quốc đầu tư vào các thị trường chứng khoán ở nước ngoài. Bloomberg cho rằng chẳng bao lâu nữa, người Trung Quốc sẽ bỏ tiền mua cổ phiếu của Apple, Starbucks hay Tesla chứ không chỉ iPhone, cà phê hay xe điện.

Trích lời một nhà quản lý quỹ đầu tư, Bloomberg cho rằng Trung Quốc sẽ chuyển từ một nước xuất khẩu hàng hóa sang một nước xuất khẩu tư bản với những hệ lụy lớn cho thế giới. Ông này so sánh việc Trung Quốc mở cửa thị trường tài chính sẽ tạo ra thay đổi về cấu trúc rất lớn cho tài chính quốc tế chẳng kém gì việc ra đời đồng euro.

Người ta phỏng đoán có chừng 5.000 tỉ đô la tiền người dân Trung Quốc sẵn sàng đầu tư vào các loại chứng khoán trên thế giới.

Ở góc độ này Chính phủ Trung Quốc buộc lòng phải cho phép người dân đầu tư ra bên ngoài, bằng không tiền rót vào sẽ tạo áp lực nâng giá đồng nhân dân tệ như đang xảy ra, sẽ làm nước này mất tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu hàng hóa.

Nếu tháo van, người ta phỏng đoán có chừng 5.000 tỉ đô la tiền người dân Trung Quốc sẵn sàng đầu tư vào các loại chứng khoán trên thế giới. Điều này chẳng khác gì hiện tượng tiền bán dầu từ các nước xuất khẩu dầu loang ra khắp thế giới vào thập niên 1970 nhưng kết thúc lại là luồng vốn vay nợ của các nước châu Mỹ Latinh không kiểm soát được gây nợ nần cho đến bây giờ.

Ba chỉ số đã hoặc sẽ đưa trái phiếu Trung Quốc vào danh mục bao gồm FTSE Russell, JPMorgan Chase, và Bloomberg Barclays, hiện đang theo dõi các loại tài sản với tổng trị giá chừng 5.300 tỉ đô la. Các chỉ số này là chuẩn mực để đánh giá thị trường nên các quỹ đánh theo chỉ số sẽ phải mua vào trái phiếu Trung Quốc để đúng theo chuẩn so sánh.

Tiền mua trái phiếu này phải lấy từ nguồn mua trái phiếu nơi khác nên mặc dù việc mua trái phiếu Trung Quốc sẽ không làm tăng lợi suất trái phiếu ở thị trường khác nhưng chắc sẽ ảnh hưởng đến lượng trái phiếu nước khác mà nhà đầu tư đang nắm giữ.

Tính đến cuối tháng 6-2020, nhà đầu tư nước ngoài hiện nắm giữ 13% trái phiếu chính phủ Nhật Bản và 30% trái phiếu chính phủ Mỹ, chừng 25% trái phiếu của các nước sử dụng đồng euro. Phần còn lại do nhà đầu tư bên trong các nước này nắm giữ.

Theo Bloomberg, lâu nay Mỹ hưởng lợi thế dễ bán trái phiếu để vay nợ chính phủ trên thị trường thế giới; nay họ phải cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc. Hiện nay mặc dù Trung Quốc đang có thặng dư mậu dịch với Mỹ, họ lại bị thâm hụt trong lĩnh vực thương mại dịch vụ nên trong tương lai, nước này sẽ chịu thâm hụt cán cân vãng lai.

Nếu điều này xảy ra, Trung Quốc sẽ phải đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu để hút tiền từ nước ngoài như Mỹ từng làm mấy thập niên qua. Việc cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn nếu Mỹ tiếp tục cấm cản doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trên thị trường chứng khoán nước họ.

Khi tiến hành chính sách mở cửa thị trường tài chính Chính phủ Trung Quốc sẽ phải đương đầu với một số rủi ro. Thứ nhất, thị trường càng mở, càng khó kiểm soát lãi suất và tỷ giá. Chẳng hạn, giả dụ Trung Quốc muốn siết lại chính sách tiền tệ để chống lạm phát thì lợi suất trái phiếu sẽ tăng, mà lợi suất trái phiếu tăng sẽ hút thêm tiền đổ vào, làm đồng nội tệ tăng giá, hàng xuất khẩu mất tính cạnh tranh.

Tương tự chính sách nào làm xói mòn niềm tin của giới đầu tư đều có thể tạo ra hiện tượng dòng vốn tháo chạy gây bất ổn. Chính vì thế trước đây Trung Quốc chào đón đầu tư trực tiếp nhưng rất dè dặt với dòng vốn đầu tư gián tiếp. Bài học đồng tiền nóng tháo chạy từng gây ra khủng hoảng thập niên 1980 và 1990 vẫn còn rất thời sự với những người làm chính sách.

Tuy nhiên tham vọng của Trung Quốc là khuếch trương đồng nhân dân tệ ra quốc tế đồng thời lại rất cần vốn nước ngoài để duy trì tăng trưởng nên họ vẫn quyết định mở thêm cửa cho thị trường tài chính. Những năm gần đây, xuất khẩu không còn là động cơ thúc đẩy tăng trưởng như những năm trước; Trung Quốc dễ rơi vào bẫy nước thu nhập trung bình khi dân số già đi, lực lượng lao động ngày càng đắt đỏ, số lượng lại giảm sút. Chính vì thế họ mới quyết định quay sang khu vực tài chính tìm động lực tăng trưởng mới.

Lúc Trung Quốc trở thành phân xưởng sản xuất hàng hóa cho cả thế giới sau khi gia nhập WTO, một mặt đã tạo ra một luồng hàng giá rẻ đi khắp nơi nhưng mặt khác làm tiêu điều xơ xác rất nhiều thành phố trước đây là những cơ sở sản xuất hàng hóa quan trọng ở nước Mỹ, sau đó phải bỏ hoang.

Dòng vốn hàng ngàn tỉ đô la chảy vào chảy ra đất nước này trong thời gian tới sẽ tạo ra một xu hướng mới như thế nào thì chưa ai biết được nhưng ắt cũng tạo ra kẻ thắng người thua như thời kỳ chuyển dịch công nghiệp.

Trái phiếu doanh nghiệp bị xù

Trong khi Trung Quốc mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư trái phiếu chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nước này đang bị rung động dữ dội khi hàng loạt doanh nghiệp mất khả năng chi trả cho trái phiếu khi đáo hạn; một tình trạng đã kéo dài mấy năm gần đây.

Theo tờ Asia Nikkei, tổng trị giá trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc bị xù nợ năm nay đã lên đến 157 tỉ nhân dân tệ (gần 24 tỉ đô la Mỹ), có khả năng vượt mức kỷ lục năm ngoái là 167 tỉ nhân dân tệ. Các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có những tên tuổi lớn như tập đoàn khai khoáng Yongcheng Coal & Electricity Holding, hãng sản xuất chip Tsinghua Unigroup hay tập đoàn ô tô Huachen Automotive, chiếm đến 40% tổng số nợ bị xù.

Huachen Automotive là đối tác của hãng xe BMW tại Trung Quốc và mặc dù liên doanh này vẫn đang khỏe mạnh, Huachen vừa phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tuần trước. Có khả năng tập đoàn này không thể chi trả 16 tỉ nhân dân tệ trái phiếu sắp đáo hạn, theo Asia Nikkei; còn trước đó đã không trả nợ và lãi cho khoản trái phiếu 1 tỉ nhân dân tệ vào cuối tháng 10.

Tsinghua Unigroup, trực thuộc Đại học Thanh Hoa cũng không thể thanh toán 1,3 tỉ nhân dân tệ trái phiếu đến hạn vào đầu tháng này. Tình hình tài chính khó khăn của một công ty đi đầu trong nỗ lực nội địa hóa việc sản xuất chip làm thị trường bất an.

Tình hình không thanh toán nổi trái phiếu đáo hạn gây hoang mang cho thị trường nên chính phủ Trung Quốc phải cam kết tăng cường kiểm soát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới. Một ủy ban về ổn định tài chính thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc do Phó thủ tướng Lưu Hạc chủ trì phải họp khẩn và ra thông báo sẽ có hành động để “tránh khủng hoảng hệ thống tài chính”.

Thông báo của ủy ban này khẳng định: “Phát hành gian dối, công bố thông tin sai lạc, chuyển giao tài sản trái phép và tham ô tiền phát hành trái phiếu sẽ bị điều tra một cách nghiêm khắc”.

Đầu năm nay Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng tạm hoãn cho các doanh nghiệp phải trả nợ, kể cả lãi lẫn gốc như một trong những biện pháp kích thích kinh tế chống chọi lại đại dịch Covid-19. Sau khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi, chính phủ Trung Quốc rút lại các biện pháp hỗ trợ thì tình hình sức khỏe tài chính xấu ở nhiều doanh nghiệp nhà nước bắt đầu bộc lộ.

Một trong những hệ quả là có ít nhất 57 doanh nghiệp tạm hoãn kế hoạch phát hành tổng cộng 44,2 tỉ nhân dân tệ trái phiếu. Hiện nay nhà đầu tư đòi hỏi lãi suất trái phiếu cao hơn trước để bù vào rủi ro bị xù nợ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại