Trung Quốc mở cửa nhập khẩu chanh leo của Việt Nam
Trung Quốc vừa chấp thuận nhập khẩu chanh leo của Việt Nam vào tỉnh Quảng Đông qua cửa khẩu 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh theo hình thức thí điểm.
Chanh leo vào thị trường Trung Quốc
Tại Diễn đàn trực tuyến với chủ đề “Tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam” được tổ chức ngày 8/6 vừa qua, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết, Trung Quốc vừa chấp thuận nhập khẩu chanh leo của Việt Nam vào tỉnh Quảng Đông qua cửa khẩu 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh theo hình thức thí điểm.
Về điều kiện chung, chanh leo xuất khẩu phải xuất phát từ vùng có mã số vùng trồng, có mã số cơ sở đóng gói và bảo đảm không nhiễm dịch hại, đáp ứng an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu mặt hàng này cần liên hệ Cục BVTV để đăng ký và được hướng dẫn. Đây là loại quả có tiềm năng lớn tại Trung Quốc, có thể mang lại giá trị xuất khẩu cao.
"Trung Quốc là thị trường nhập khẩu số 1 của trái cây Việt Nam và họ đang tăng cường kiểm tra trực tuyến đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, nhất là các mặt hàng như thanh long, xoài, dưa hấu,… và ghi nhận một vài trường hợp không đạt, nhất là các tiêu chí về kiểm soát Covid-19. Do đó, các vùng trồng, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp và địa phương phải hết sức chú ý thực hiện đúng các quy định vì Trung Quốc sẽ chỉ thông báo trước từ 3 - 5 ngày. Khi phát hiện vi phạm, tùy mức độ có thể tạm ngưng nhập khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ nông sản", ông Lê Văn Thiệt lưu ý.
Còn đối với vấn đề xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, việc đàm phán cũng đang ở giai đoạn cuối, hi vọng việc đàm phán sẽ kết thúc sớm để trong năm nay để sầu riêng Việt Nam xuất khẩu được sang thị trường tiềm năng này.
Việc xuất khẩu quả tươi đi các thị trường khó tính có nhiều yêu cầu khác nhau. Như với thị trường Mỹ, Úc, New Zealand thì yêu cầu trái cây tươi phải chiếu xạ trước khi xuất khẩu. Với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand thì yêu cầu xử lý hơi nước nóng. Với biện pháp lạnh thì có ít nước yêu cầu hơn.
Sản lượng ước tính đạt 7,3 triệu tấn
Tại Diễn đàn, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), sản lượng cây ăn quả chính phía Nam năm 2022 ước đạt hơn 7,3 triệu tấn. Trong đó, 6 tháng đầu năm ước đạt 3,3 triệu tấn, 6 tháng cuối năm ước đạt 4,1 triệu tấn.
Một số tỉnh có sản lượng lớn như thanh long tại Bình Thuận, Long An, Tiền Giang; bưởi tại Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang; xoài tại An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Khánh Hoà, Đồng Nai; mít tại Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Nai; chanh leo tại Gia Lai, Đắk Lắk…
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thông tin thêm, hiện nay, các mặt hàng trái cây xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu ở dạng tươi với 75,9%; còn lại là đã qua chế biến. Top 10 trái cây xuất khẩu tươi của Việt Nam năm 2021 là thanh long (tỷ lệ cao nhất, chiếm 33,9%), xoài (6,5%), chuối, mít, dừa, sầu riêng, chanh, dưa hấu, vải, chanh leo. 10 thị trường tiêu thụ nhiều nhất trái cây của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông, Hà Lan, Nga, Úc.
Năm 2021, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng giá trị xuất khẩu rau quả vẫn tăng cao, đạt 3,55 tỉ USD, tăng 8,6% so với năm 2020.
Xây dựng chiến lực xuất khẩu nông sản vào nội địa Trung Quốc
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn chiều 7/6, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính, trong khi nông dân Việt Nam đã quen đây là thị trường dễ tính. Trung Quốc đang siết chặt chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, trong khi chúng ta chậm thay đổi, tất nhiên có trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương, chậm thông tin cho nông dân biết và bà con ít quan tâm vấn đề thị trường.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho biết, với con số 14 triệu hộ nông dân trên cả nước, khó truyền thông hết được, nên đầy rủi ro. Chỉ có cách là tổ chức lại ngành hàng sản xuất, tổ chức thị trường, hiệp hội ngành hàng để thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng Bộ Ngoại giao đang xây dựng dự thảo chiến lược xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, để chuyển dần dần, tiến tới đưa nông sản Việt Nam "danh chính ngôn thuận" nhập khẩu sâu vào nội địa, ở phân khúc thị trường cấp cao của Trung Quốc. Để làm được điều này, đòi hỏi phải chuẩn hóa chất lượng sản phẩm.
Hàng năm, Bộ đã thống kê có hàng nghìn thông tin thay đổi biện pháp an toàn vệ sinh của các quốc gia trên thế giới đối với nông sản, để đưa đến nông dân những thay đổi đó, đáp ứng yêu cầu của nước bạn và giải quyết được những vấn đề trên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận