Trung Quốc "mở cửa bầu trời", kế hoạch bay của các hãng hàng không Việt Nam ra sao?
(NLĐO)- Cục Hàng không Việt Nam đã họp với đại diện các hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines) về kế hoạch khai thác đến Trung Quốc
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Cục Hàng không) Đinh Việt Sơn ngày 6-1 cho biết Cục đã nhận được thư của Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) thông báo về việc Trung Quốc sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với các chuyến bay quốc tế thường lệ đến Trung Quốc; công văn của Cục Lãnh sự-Bộ Ngoại giao thông báo các điều chỉnh của Trung Quốc liên quan đến kiểm dịch y tế, xuất nhập cảnh áp dụng từ ngày 8-1-2023.
Trên cơ sở nêu trên, Phó Cục trưởng Đinh Việt Sơn đã chủ trì cuộc họp của Cục với đại diện các hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines) về kế hoạch khai thác đến Trung Quốc.
Theo ông Sơn, trong giai đoạn đầu khôi phục hoàn toàn các đường bay tới Trung Quốc, cụ thể là Lịch bay Mùa Hè 2023 (26-3-3023 đến 28-10-2023) thì việc duy trì hoạt động khai thác với tần suất như giai đoạn trước dịch, đặc biệt là đến các điểm như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, để giữ được slot lịch sử cho Mùa Hè 2024 là bài toán khó đối với các hãng hàng không Việt Nam.
Hơn nữa, CAAC có nêu việc sử dụng slot để duy trì slot lịch sử sẽ dựa trên cơ sở có đi có lại, nhưng chưa nêu nguyên tắc cụ thể. Vì vậy, các hãng hàng không Việt Nam kiến nghị Cục Hàng không tiếp tục làm việc với CAAC để có chính sách nới lỏng các quy định về sử dụng slot cho Lịch bay mùa Hè 2023 trên cơ sở có đi có lại, áp dụng cho các hãng hàng không cả hai nước.
Ngoài ra, nguồn khách giữa Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu là khách du lịch, do đó chính sách visa của hai nước đối với xuất nhập cảnh với mục đích du lịch là rất quan trọng.
Do vậy, để tạo điều kiện cho việc phục hồi và phát triển thị trường hàng không-du lịch giữa hai nước, các hãng hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có ý kiến với các Bộ, ngành liên quan đề nghị có chính sách visa phù hợp đối với khách du lịch Trung Quốc.
Hiện tại, với các hãng hàng không Việt Nam, thị trường vận tải hàng không quốc tế đang ở giai đoạn phục hồi từ từ. Các thị trường hành khách trọng điểm của Vietnam Airlines là Hàn Quốc và Nhật Bản mới chỉ phục hồi được khoảng 60%. Thị trường Trung Quốc cũng không ngoại lệ do các khó khăn nội tại (tâm lý e ngại dịch bệnh quay lại, kinh tế khó khăn, khoản cắt giảm chi phí đi lại, du lịch sẽ là khoản cắt giảm đầu tiên đối với đa số người dân).
Cục Hàng không nhận định nhu cầu đi lại chủ yếu trong giai đoạn tới vẫn sẽ là khách công vụ, thương nhân, thăm thân và du học sinh. Do vậy, trong giai đoạn ngắn hạn, thị trường hàng không Việt Nam-Trung Quốc chưa thể phục hồi như thời điểm trước dịch. Bên cạnh đó, việc cấp visa du lịch của Trung Quốc và Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế, chưa thực sự hỗ trợ cho khách du lịch của cả hai bên.
Cục Hàng không cũng lưu ý khả năng cung cấp dịch vụ tại các sân bay của Trung Quốc có thể không được cung cấp đầy đủ các dịch vụ theo yêu cầu. Do đó khuyến cáo các hãng cần làm việc trước với các sân bay để đảm bảo tính ổn định và thông suốt cho các hoạt động khôi phục lại các chuyến bay chở khách quốc tế của mình.
Được biết, hiện tại, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục khai thác các đường bay (Hà Nội-Nam Kinh/ Thượng Hải; TP HCM -Thâm Quyến/ Hàng Châu / Thượng Hải/Tứ Xuyên/ Quảng Châu) với tổng số 6 chuyến bay tuần. Bắt đầu từ tháng 3-2023, hãng này sẽ bắt đầu tăng dần tần suất khai thác từ 3 chuyến/tuần lên 5 chuyến/tuần đến các điểm Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu, ưu tiên các đường bay thường lệ.
Phía Vietjet hiện đang khai thác các đường bay TP HCM-Thâm Quyến/ Hàng Châu/Thượng Hải/Tứ Xuyên/ Vũ Hán với tổng 6 chuyến bay/tuần.
Từ 23-1-2023, hãng này sẽ bắt đầu khai thác thêm các đường bay từ Cam Ranh đến Tràng Sa, Thành Đô, Hạ Phì. Dự kiến hè 2023, Vietjet sẽ khai thác 85 đường bay, trong đó có 60 đường bay đã có slot.
Với Pacific Airlines, hiện tại, hãng đang khai thác các đường bay Hà Nội-Hàng Châu/Nam Ninh với tần suất 2 chuyến/tuần. Sắp tới, hãng sẽ khai thác thêm Quảng Châu và Phúc Châu từ hè 2023.
Còn Bamboo Airways, đầu tháng 12-2022, Bamboo Airways đã triển khai các chuyến bay thẳng kết nối Hà Nội với Thiên Tân - 1 trong 4 thành phố trực thuộc trung ương Trung Quốc - với tần suất 1 chuyến/tuần.
Đại diện Bamboo Airways cho biết sẵn sàng tham gia trị trường ngay khi được Chính phủ hai nước cho phép. Thời gian qua, Bamboo Airways đã tăng cường phối hợp với các đối tác chiến lược, mở rộng tìm kiếm hợp tác, gia tăng mức độ thâm nhập tại thị trường Trung Quốc. Hãng cũng chủ động tham gia các diễn đàn du lịch, hàng không Trung Quốc để chia sẻ ý tưởng khai thác đường bay ngay khi Chính phủ gỡ bỏ các biện pháp hạn chế bay quốc tế; đồng thời cập nhật thông tin thị trường cũng như giới thiệu hình ảnh Bamboo Airways đến nhà chức trách, tổ chức du lịch, lữ hành và các hãng hàng không Trung Quốc khác.
Trong dài hạn, hãng đặt kế hoạch khai thác 20-30 đường bay thường lệ, thuê chuyến đến Trung Quốc. Bên cạnh các sân bay cửa ngõ chính như Hà Nội, TP HCM, Bamboo Airways cũng lên kế hoạch mở rộng điểm bay từ Việt Nam như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quy Nhơn, Vân Đồn, Đà Lạt…
Trong khi đó, Vietravel Airlines hiện chưa khai thác đường bay nào tới Trung Quốc. Hãng cũng chỉ dự kiến bước đầu sẽ khai thác các chuyến bay thuê chuyến từ Cam Ranh và Đà Nẵng đi Hàng Châu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận