Trung Quốc: Lạm phát tiêu dùng ghi nhận chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2009
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc giảm 3 tháng liên tiếp. Đây là tín hiệu cho thấy nhu cầu nội địa đang vô cùng yếu ớt và thôi thúc các chuyên gia kinh tế kêu gọi tung ra thêm gói kích thích.
Chỉ số CPI Trung Quốc giảm 0.3%, giảm 3 tháng liên tiếp và là chuỗi dài nhất kể từ tháng 10/2009, theo thông báo từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc trong ngày 12/01. Trước đó, các chuyên gia kinh tế dự báo giảm 0.4%.
Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc giảm 2.7% so với cùng kỳ, mạnh hơn dự báo giảm 2.6% từ các chuyên gia kinh tế.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang nỗ lực chống giảm phát, một phần vì khủng hoảng bất động sản, niềm tin tiêu dùng thấp và xuất khẩu yếu ớt.
Đây là một nỗi lo cho nền kinh tế vì giá ngày càng thấp sẽ kéo giảm doanh thu của các doanh nghiệp, từ đó tác động tới tiền lương và lợi nhuận. Giảm phát (deflation) cũng làm tăng gánh nặng nợ và khuyến khích người tiêu dùng trì hoãn mua hàng.
Cho cả năm 2023, CPI tăng 0.2% so với mục tiêu 3% của Trung Quốc.
“Trung Quốc cần hành động táo bạo hơn để phá chuỗi giảm phát, nếu không mọi thứ sẽ rơi vào vòng xoáy suy giảm”, Raymond Yeung, Chuyên gia kinh tế vè Trung Quốc tại Australia & New Zealand Banking Group, cho hay. “Áp lực giảm phát vẫn còn cao tại Trung Quốc. Chúng tôi nhận thấy các công ty đang giảm giá bán. Người lao động di cư cũng giảm mức tiền lương mong muốn”.
Ông nói thêm Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) có thể sớm nới lỏng chính sách, có thể cắt giảm lãi suất và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Đồng Nhân dân tệ gần như đi ngang ở mức 7.17 đổi 1 USD. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm duy trì ở mức 2.5%, sau khi giảm xuống mức thấp nhất gần 4 năm hồi đầu tuần này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận