Trung Quốc đẩy mạnh phòng dịch Covid-19, giá dầu nối dài đà giảm
Giá dầu Brent và WTI giảm lần lượt 3,4% và 3,28%.
Trong phiên giao dịch 1/9, giá dầu thô Brent tương lai tại thị trường London giảm 3,4%, còn 92,36 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tại New York giảm 3,28%, còn 86,61 USD/thùng.
Phiên này, giá dầu chịu áp lực giảm từ việc Trung Quốc siết chặt các biện pháp chống Covid ở một số địa phương, trong đó có thành phố Thẩm Quyến, vì số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng. Ngoài ra, giống như những phiên trước, giá dầu tiếp tục đối mặt với sức ép giảm từ nỗi lo suy giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng do lạm phát cao và khả năng suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
“Nhu cầu dầu của các nước phương Tây cũng như của Trung Quốc đang suy yếu, mà nguồn cung dầu đang tăng nhẹ, chủ yếu nhờ sự tăng trưởng của hoạt động khai thác dầu đá phiến ở Mỹ”, nhà phân tích Norbert Rucker của Julius Baer phát biểu.
Khả năng Iran và các cường quốc phương Tây đạt nhất trí nhằm khôi phục thoả thuận hạt nhân 2015 cũng đang tạo thêm áp lực giảm đối với giá dầu. Nếu thoả thuận được khôi phục, Iran sẽ hạn chế các hoạt động hạt nhân, đổi lại sẽ được dỡ các biện pháp trừng phạt kinh tế, trong đó có hạn chế đối với xuất khẩu dầu thô của nước này. Khi Iran tăng mạnh xuất khẩu dầu trở lại, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ được bổ sung.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói ông hy vọng một thoả thuận sẽ hoàn tất sau vài ngày nữa.
Trong một cuộc khảo sát của Reuters, sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) được dự báo đạt 29,6 triệu thùng/ngày trong tháng 8 vừa qua, còn sản lượng dầu của Mỹ tăng lên mức 11,82 triệu thùng/ngày trong tháng 6. Cả hai mức sản lượng này đều là cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Theo dự báo mới nhất của OPEC và các nước đối tác, tức OPEC+, thị trường dầu lửa toàn cầu dư cung khoảng 400.000 thùng/ngày trong năm nay, ít hơn con số dự báo trước đây. OPEC+ dự báo thế giới sẽ thiếu cung khoảng 300.000 thùng dầu/ngày trong năm 2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận