Trung Quốc đẩy mạnh cho vay và chi tiêu vào bất động sản để vực dậy nền kinh tế
Tuần cuối tháng 01/2024, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra một loạt chính sách mới nhằm vực dậy thị trường tài chính đang suy yếu và vực dậy tăng trưởng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Sự sụp đổ của thị trường bất động sản là một trong những yếu tố chính cản trở sự phục hồi của đất nước tỷ dân sau những cú sốc của đại dịch COVID-19. Điều này đang đe dọa tới sự ổn định của các thị trường tài chính trên thế giới và những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Các động thái hỗ trợ cho vay và chi tiêu bằng hàng tỷ USD tiền mặt đang được đẩy mạnh khi ngân hàng trung ương Trung Quốc cắt giảm yêu cầu dự trữ bắt buộc và ban hành các quy định mới nhằm khuyến khích các ngân hàng cho các công ty bất động sản vay nhiều hơn trong vài tuần gần đây.
Kinh tế Trung Quốc đang hoạt động thế nào?
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ 5,2% hàng năm vào năm 2023, vượt mục tiêu của chính phủ và nhiều chỉ số bao gồm sản lượng sản xuất và doanh số bán lẻ có dấu hiệu cải thiện. Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế đều dự báo tốc độ tăng trưởng chậm lại trong năm 2024 và năm tới sẽ kéo tụt đà tăng trưởng toàn cầu.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã chao đảo kể từ cuối năm 2023, làm gia tăng khoản lỗ lên tới hàng nghìn tỷ USD trong nhiều năm qua. Suy thoái bất động sản, mất việc làm và các thử thách khác của đại dịch COVID-19 đã khiến người tiêu dùng thận trọng trong việc chi tiêu. Điều này có nguy cơ trở thành một vòng xoáy giảm phát khi giá nhà ở và các hàng hóa khác giảm, thiếu động lực cho đầu tư nhằm tạo việc làm và thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ hơn.
Tại sao khủng hoảng bất động sản vẫn là tâm điểm?
Hàng chục nhà phát triển bất động sản đã vỡ nợ sau khi chính phủ hạn chế việc vay mượn quá mức trong ngành này vài năm trước. Tập đoàn lớn nhất, China Evergrande, với khoản nợ hơn 300 tỷ USD vừa bị tòa án Hồng Kông ra quyết định thanh lý tài sản vào tuần qua.
Không rõ tác động của các chính sách mới đối với cuộc khủng hoảng chung đang diễn ra trên thị trường bất động sản sẽ ra sao. Bởi vì, việc bán đất từ lâu đã là nguồn thu lớn cho các chính quyền địa phương hiện cũng đang nợ nần chồng chất.
Đồng thời, việc xây dựng nhà mới bị đình trệ đã ảnh hưởng đến các nhà thầu và nhà cung cấp vật liệu xây dựng và nội thất gia đình. Điều này đã xóa sạch vô số việc làm và gây ra hiệu ứng domino lên khắp nền kinh tế.
Mặt khác, doanh số bán nhà mới và giá nhà đang giảm, khiến người tiêu dùng không muốn chi tiêu vì các gia đình Trung Quốc có xu hướng dồn phần lớn tài sản vào nhà đất. Toàn bộ ngành bất động sản chiếm hơn một phần tư hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc.
Tại sao Trung Quốc cần hành động ngay?
Nền kinh tế suy yếu, việc siết chặt hoạt động của các tập đoàn công nghệ, cùng với sự gián đoạn do đại dịch và căng thẳng thương mại với Mỹ đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại về triển vọng kinh doanh ở Trung Quốc.
Thủ tướng Trung Quốc Li Qiang đã chủ trì một cuộc họp nội các trong tuần qua, nhấn mạnh chính phủ cần phải làm nhiều việc hơn nữa để “ổn định thị trường và tăng cường niềm tin”. Tuần trước đó, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, ông đã phát biểu đầu tư vào Trung Quốc “không phải là rủi ro mà là cơ hội”.
Ưu tiên quan trọng của Trung Quốc là đảm bảo tốc độ tăng trưởng đủ nhanh để tạo ra nhiều việc làm cho lao động trẻ khi họ rời ghế nhà trường. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc tăng vọt vào năm 2023 lên mức kỷ lục trên 21%. Kể từ đó, tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 15% nhưng vẫn ở mức cao đáng lo ngại, càng làm tăng thêm tính cấp bách cần đưa tốc độ tăng trưởng trở lại đúng hướng.
Chính phủ Trung Quốc đang làm gì?
Ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ mà họ nắm giữ thay cho các ngân hàng xuống 0,5 điểm phần trăm kể từ ngày 5 tháng 2. Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Pan Gongsheng cho biết điều này sẽ giải phóng thêm 1.000 tỷ Nhân dân tệ (140 tỷ USD) trong các quỹ.
PBOC cũng giảm lãi suất liên ngân hàng và ban hành các quy định mới nhằm mở rộng khả năng tiếp cận các khoản vay ngân hàng thương mại cho các nhà phát triển bất động sản. Cho đến cuối năm, các công ty bất động sản sẽ được phép sử dụng các khoản vay ngân hàng cầm cố đối với các bất động sản thương mại như văn phòng và trung tâm mua sắm để trả các khoản vay và trái phiếu khác của họ.
Trước đó, các cơ quan quản lý đã cắt giảm lãi suất thế chấp và dỡ bỏ hạn chế mua bất động sản, trong khi các nhà đầu tư tổ chức có vốn nhà nước được lệnh mua vào cổ phiếu.
Các giải pháp đã hiệu quả chưa?
Khi sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc với tư cách là một siêu cường kinh tế mất đà, các nhà đầu tư nước ngoài và người tiêu dùng đang theo dõi các dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có kế hoạch rõ ràng để lèo lái nền kinh tế vượt qua thời kỳ tăng trưởng chậm hơn.
Nhiều nhà phân tích cho biết, các động thái bơm thêm tiền vào nền kinh tế và khuyến khích ngân hàng cho vay có thể chưa đi đủ xa. Việc cắt giảm dự trữ bắt buộc của ngân hàng sẽ giải phóng nhiều tín dụng hơn, nhưng “nó không giải quyết được vấn đề cốt lõi”.
Các nhà kinh tế có xu hướng đồng tình rằng những cải cách dài hạn hơn, chẳng hạn như tạo ra mạng lưới an toàn tốt hơn cho phép các gia đình chi tiêu thay vì gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, là cần thiết để duy trì tăng trưởng mạnh mẽ.
Hiện tại, quá nhiều tài sản của quốc gia này vẫn được dùng vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng như đường bộ và đường sắt, và sự không chắc chắn về chính sách đã cản trở việc đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân nhỏ vốn tạo ra nhiều việc làm nhất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận