24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đinh Thị Ngân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Trung Quốc dần mạnh dạn đáp trả thương chiến với Mỹ

Trung Quốc ngày nay đang trở nên ít rụt rè hơn trong việc trả đũa kinh tế với Mỹ, theo Economist.

Năm 2019, khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nóng lên, tờ People’s Daily dự đoán rằng khả năng độc quyền của Trung Quốc đối với đất hiếm, khoáng chất quan trọng để sản xuất các sản phẩm phần cứng hiện đại, sẽ trở thành một công cụ để nước này chống lại áp lực của Mỹ.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), số lượng quy định kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc tăng 9 lần từ 2009 đến 2020. Tuy nhiên, các hạn chế này không có kế hoạch, không chính thức và nhắm vào các mục tiêu hẹp. Economist cho rằng chúng mang tính ngẫu nhiên hơn là một cuộc tấn công kinh tế có chiến lược.

Nhưng gần đây, khi Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, hành động đáp trả của Bắc Kinh đã nhanh và nhiều hơn. Sau khi Mỹ không cho các công ty chip phương Tây bán cho Trung Quốc chất bán dẫn tiên tiến và máy móc để sản xuất chúng, nước này không còn chỉ dọa bằng miệng như xưa.

Trung Quốc dần mạnh dạn đáp trả thương chiến với Mỹ
Tranh vẽ hình tượng về thương chiến Mỹ - Trung. Ảnh: Financial Times

Đầu tháng 7, Trung Quốc công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhất, tập trung vào một cặp kim loại được sử dụng trong chip và công nghệ tiên tiến. Một cựu quan chức của Bộ Thương mại Mỹ đánh giá các biện pháp này "chỉ là khởi đầu" cho sự trả đũa của Trung Quốc. Ngày 20/7, Tân Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tạ Phong nói rằng nước ông "không thể giữ im lặng" trong cuộc chiến leo thang về công nghệ. Ông ám chỉ sẽ còn có những phản ứng.

Lần này, động thái của Bắc Kinh dường như có chủ ý hơn nhiều, theo Economist. Để chống lại áp lực của Mỹ với lĩnh vực công nghệ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các cơ quan quản lý chống lại sự chèn ép của phương Tây bằng đấu tranh pháp lý quốc tế. Các nhà lập pháp nước này đang xây dựng một khuôn khổ cho phản ứng mạnh hơn của Trung Quốc đối với chiến tranh thương mại.

Khá nhiều chính sách ra đời gần đây. Năm 2020, Bắc Kinh phát hành danh sách "các thực thể không đáng tin cậy" để trừng phạt bất kỳ công ty nào làm suy yếu lợi ích của Trung Quốc. Luật kiểm soát xuất khẩu ra đời cùng năm tạo cơ sở pháp lý cho chế độ cấp phép xuất khẩu.

Năm 2021, luật chống trừng phạt cho phép trả đũa các tổ chức và cá nhân thực hiện các lệnh trừng phạt của các quốc gia khác. Đến năm nay, một đạo luật quan hệ đối ngoại sâu rộng được ban hành, cho phép các biện pháp đối phó với một loạt các mối đe dọa kinh tế và an ninh quốc gia mà đất nước phải đối mặt. Nó vừa có hiệu lực từ 1/7 vừa qua.

Cùng ngày đó, một đạo luật chống gián điệp cũng có hiệu lực, mở rộng phạm vi hoạt động của các cơ quan an ninh Trung Quốc. Trong khi đó, nước này cũng đã thắt chặt các quy tắc an ninh mạng và dữ liệu khác nhau.

Các chính sách mới được áp dụng thực tế ngay lập tức chứ không phải chỉ để trưng bày. Vào tháng 2, Lockheed Martin và một công ty con của Raytheon - hai nhà sản xuất vũ khí của Mỹ đã bị đưa vào danh sách các thực thể không đáng tin cậy sau khi vận chuyển vũ khí đến Đài Loan.

Các công ty này bị chặn đầu tư mới vào Trung Quốc lẫn thương mại, cùng với các hạn chế khác. Hôm tháng 4, Micron - nhà sản xuất chip của Mỹ, bị cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc điều tra dựa trên luật an ninh mạng mới. Sau khi Micron thất bại trong quá trình đánh giá bảo mật, các cơ quan quản lý đã cấm chip sử dụng của họ trong các cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này.

Cách diễn đạt mơ hồ của các luật khiến các công ty phương Tây khó đánh giá tác động tiềm tàng đối với hoạt động kinh doanh của họ ở Trung Quốc. Henry Gao của Đại học Quản lý Singapore lấy ví dụ như: trừng phạt bất kỳ ai hành động theo cách được coi là "có hại cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc trong quá trình tham gia vào các hoạt động trao đổi quốc tế".

Một số công ty luật nước ngoài tại Trung Quốc đã được các khách hàng phương Tây yêu cầu đánh giá rủi ro bị điều tra. Một luật sư lưu ý rằng các công ty công nghệ Mỹ chuyên sản xuất các linh kiện phần cứng như chip bộ nhớ nên đề phòng các cuộc điều tra đột xuất.

Hay như luật mới của Trung Quốc cho phép chính phủ hạn chế nhiều loại khoáng sản và linh kiện đang tạo ra sự không chắc chắn đối với hoạt động kinh doanh của những người mua nước ngoài. David Oxely, Trưởng bộ phận Kinh tế khí hậu của Capital Economics, lưu ý rằng một nhóm bị ảnh hưởng là các nhà sản xuất công nghệ năng lượng xanh của phương Tây. Đặc biệt, các nhà sản xuất pin phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Năm ngoái, bộ Thương mại Trung Quốc đề xuất cấm xuất khẩu công nghệ đúc phôi trong chế tạo các tấm pin mặt trời. Nếu được áp dụng, lệnh cấm này có thể kìm hãm sự phát triển của công nghệ năng lượng mặt trời ở phương Tây, trong khi làm tăng nhu cầu đối với các tấm pin mặt trời thành phẩm Trung Quốc.

Các hạn chế với 2 kim loại là gali và gecmani cũng có thể gây đau đầu cho Mỹ. Hiệu lực từ 1/8, các nhà xuất khẩu phải xin giấy phép bán 2 kim loại này cho khách hàng nước ngoài. Trung Quốc sản xuất 98% gali thô của thế giới, một thành phần quan trọng trong công nghệ quân sự tiên tiến, bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa và radar thế hệ tiếp theo của Mỹ.

Cú sốc đối với nguồn cung gali có thể gây ra những vấn đề dài hạn cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, theo CSIS - nhóm chuyên gia cố vấn tại Washington. Hơn nữa, một hợp chất dựa trên gali, gali nitrit, có thể làm nền tảng cho một thế hệ chất bán dẫn hiệu suất cao mới.

Nhưng Trung Quốc cũng được cho rằng cần bước đi cẩn thận với các hành động đáp trả. Peter Arkell, Chủ tịch Hiệp hội khai thác mỏ toàn cầu Trung Quốc lưu ý rằng quốc gia này tái nhập khẩu nhiều thành phẩm được sản xuất ở nước ngoài bằng đất hiếm, vì vậy các lệnh cấm có thể gây trở ngại ngược lại cho các công ty Trung Quốc.

Các lệnh cấm xuất khẩu hoàn toàn cũng sẽ thúc đẩy phương Tây xây dựng năng lực sản xuất phù hợp của riêng mình và tìm kiếm các sản phẩm thay thế, theo chiến lược gia hàng hóa Ewa Manthey tại ngân hàng ING (Hà Lan). Điều này về lâu dài sẽ làm suy yếu sức mạnh của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc dán nhãn thực thể không đáng tin cậy lên các công ty của phương Tây có hoạt động lớn cũng có thể gây nguy hiểm cho hàng nghìn việc làm của người Trung Quốc. Điều đó giải thích tại sao thay vì đưa toàn bộ Raytheon - công ty con của Pratt & Whitney có 2.000 nhân viên ở Trung Quốc vào danh sách đen, Bộ Thương mại nước này chỉ giới hạn lệnh cấm đối với mảng kinh doanh quốc phòng của công ty.

Cho đến nay, việc áp dụng các chính sách để đáp trả chỉ mới được Bộ Thương mại và Ngoại giao Trung Quốc triển khai. Theo ông Henry Gao, nỗi sợ của các doanh nghiệp phương Tây là các cơ quan cứng rắn hơn của Bắc Kinh sẽ ra tay. Theo đó, nếu cuộc chiến công nghệ leo thang hơn nữa, Ủy ban An ninh Quốc gia của Trung Quốc có thể cầm trịch hoạt động đáp trả kinh tế. Nếu điều đó xảy ra, những hậu quả lớn hơn là đáng nghĩ đến, chứ không chỉ dừng lại với các CEO người Mỹ lẫn Trung Quốc.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả