Trung bình mỗi ngày khoảng 4,4 tỷ đồng tài sản bị thiêu rụi
Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 héc-ta rừng...
Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 1 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 héc-ta rừng.
Đây là những con số được nêu tại báo cáo kết quả giám sát về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018".
Chiều 9/8 đoàn giám sát của Quốc hội về nội dung trên đã họp, cho ý kiến về báo cáo này.
Dẫn báo cáo của Chính phủ, đoàn giám sát cho biết, trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người; thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 héc-ta rừng.
Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 héc-ta rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra 9 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 01 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 héc-ta rừng.
Đáng chú ý, kết quả giám sát cho thấy, hiện nay cả nước vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, trong đó chủ yếu là các công trình được đưa vào sử dụng trước khi Luật phòng cháy chữa cháy (năm 2001) có hiệu lực.
Tính đến tháng 7/2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư tự ý điều chỉnh thiết kế, thi công sai so với thiết kế được duyệt, lựa chọn, lắp đặt các hệ thống, thiết bị phòng cháy chữa cháy không đồng bộ, kém chất lượng dẫn đến hệ thống không hoạt động theo chức năng nên chưa đủ điều kiện để được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.
Mặt khác do sức ép về thời hạn xây dựng công trình nên chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho người dân vào ở trong khi chưa hoàn thiện hệ thống kỹ thuật phòng cháy chữa cháy.
Theo báo cáo của Chính phủ, việc xử lý đối với các công trình này còn gặp nhiều khó khăn do liên quan đến mặt bằng kết cấu xây dựng và kinh phí đầu tư khắc phục, báo cáo giám sát nêu rõ.
Kết quả giám sát còn cho thấy, trong công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, rừng, các kho hóa chất... sự phối hợp còn chưa tốt. Hiện nay, cả nước mới chỉ có 250/811 đô thị có quy hoạch về cấp nước chữa cháy, còn nhiều khu công nghiệp, khu dân cư chưa được quy hoạch về giao thông, cấp nước chữa cháy.
Về tài chính, báo cáo giám sát cho biết, giai đoạn 2014 - 2018, ngân sách đầu tư cho công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khoảng 8.341 tỷ đồng. Trong đó kinh phí đầu tư trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khoảng 4.912 tỷ đồng; kinh phí xây dựng trụ sở, doanh trại 2.460 tỷ đồng; kinh phí đầu tư cho các hoạt động khác 969 tỷ đồng.
Qua giám sát cho thấy, hầu hết các cơ quan, đơn vị Đoàn đến làm việc đều cho rằng nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác phòng cháy chữa cháy không đáp ứng đủ yêu cầu thực tế, báo cáo giám sát nêu rõ.
Liên quan đến điều tra, xử lý vi phạm, báo cáo giám sát cho biết giai đoạn 2014 - 2018 đã khởi tố điều tra, truy tố, xét xử 66 vụ án, truy tố 43 bị can vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy.
Đoàn giám sát đánh giá, tình trạng vi phạm các quy định về điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy được phát hiện còn ít so với thực tế; việc xử lý đối với các hành vi vi phạm còn thiếu kiên quyết, đa số là dừng lại ở việc hướng dẫn, kiến nghị; nhiều vụ cháy không làm rõ được nguyên nhân do nhiều yếu tố khách quan.
Bên cạnh đó, qua giám sát, việc xử lý hình sự đối với các vụ việc vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy có nguyên nhân chủ quan là lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy chưa thật sự kiên quyết trong việc xử lý hình sự đối với những hành vi vi phạm được cấu thành tội phạm theo quy định tại Khoản 5 Điều 313 Bộ luật Hình sự.
Phần trách nhiệm, báo cáo giám sát chỉ rõ trách nhiệm của Chính phủ: tình trạng vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy còn xảy ra nhiều mà chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu; quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa có sự gắn kết chặt chẽ với quy hoạch hạ tầng phòng cháy chữa cháy; trang bị, phương tiện cho lực lượng phòng cháy chữa cháy chưa đáp ứng được yêu cầu.
Dự báo về tình hình cháy, nổ, Đoàn giám sát nhấn mạnh, trong thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá nhanh với các loại hình công trình xây dựng và cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng nhanh cả về số lượng và quy mô. Bên cạnh đó là tình trạng thời tiết đã và đang biến đổi khắc nghiệt, khó lường, nắng nóng khô hạn kéo dài, bão, lũ… Tình hình cháy, nổ sẽ có chiều hướng gia tăng và tiếp tục có diễn biến phức tạp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận