Trong sóng nâng hạng thị trường chứng khoán, nhịp chỉnh là cơ hội mua vào
Tại hội thảo “Chọn danh mục – Đón sóng lớn” diễn ra ngày 27/3, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS nhận định ý chí của Việt Nam trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán là rất lớn.
Chuyên gia VPBankS trình bày tại hội thảo. Ảnh: M.H
Việt Nam được vào danh sách xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi từ 2018, đến nay còn 2 rào cản lớn là tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) và ký quỹ trước giao dịch (pre-funding).
Đến hiện tại, Bộ Tài chính đang sửa đổi một số điều luật và dự kiến triển khai ngay trong 6 tháng đầu năm nay để gỡ nút thắt pre-funding. Giải pháp kỹ thuật đưa ra là trao quyền quyết định tỷ lệ ký quỹ cho CTCK. Một vài công ty chứng khoán lớn có nhiều khách hàng là tổ chức nước ngoài sẽ được áp dụng đầu tiên.
Về room ngoại, ông Sơn cho rằng khả năng cao Việt Nam sẽ áp dụng biện pháp giống Thái Lan là sử dụng chứng chỉ quỹ không có quyền biểu quyết.
Bên cạnh đó, hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX) được thử nghiệm trong tháng 3 và sẽ sớm áp dụng vào thực tế. Việc công bố thông tin bằng tiếng Anh cũng áp dụng ngay từ đầu 2025.
Với những giải pháp trên, chuyên gia VPBankS kỳ vọng FTSE sẽ công bố Việt Nam được nâng hạng lên mới nổi thứ cấp vào kỳ đánh giá tháng 3/2025, đến tháng 9/2025 chính thức được vào.
Lộ trình nâng hạng tại MSCI sẽ kéo dài hơn. Cụ thể, tại kỳ đánh giá tháng 6/2024, MSCI thu thập phản hồi của nhà đầu tư quốc tế và đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng. Đến kỳ đánh giá 6/2025, MSCI thông báo Việt Nam được nâng hạng và đến kỳ đánh giá tháng 9/2026 mới chính thức được vào chỉ số các thị trường mới nổi thứ cấp của MSCI.
Với lộ trình đó, trong 3 năm 2024 – 2026, ông Sơn dự báo thị trường chứng khoán có nhịp tăng tốt, VN-Index thậm chí có thể vượt qua vùng đỉnh đạt được giai đoạn 2021 – 2022 lên vùng 1.600 – 1.700 điểm.
Nguồn: VPBanks
“Thị trường chứng khoán đang đứng trước con sóng lớn thứ 4 mang tên nâng hạng. 3 đợt sóng trước gồm WTO (2007-2008), sóng thoái vốn (2017 – 2018), sóng Covid-19 (2021 – 2022). Trong khoảng 2 năm trước khi nâng hạng, các thị trường thường tăng 40 – 50%. Theo đó, Việt Nam có thể vượt qua vùng đỉnh giai đoạn 2021 – 2022 và đi lên hẳn đỉnh cao mới”, ông Sơn nhận định.
Do vậy, các nhịp chỉnh từ 7-10% chính là cơ hội mua tốt cho vị thế ngắn và trung hạn. Năm nay, thị trường chứng khoán sẽ kiểm nghiệm lại các ngưỡng kháng cự mạnh, ví như 1.300 – 1.350. Song, về tổng thể, thị trường chứng khoán sẽ đi lên trong 2024 – 2025 với trạng thái sóng gối sóng.
Dòng vốn thụ động tối thiểu chảy vào Việt Nam có thể đạt khoảng 882 triệu USD khi được nâng hạng tại FTSE, dòng vốn chủ động gấp 10 lần con số này. Ông Sơn chỉ ra 9 cổ phiếu được hưởng lợi trong sóng nâng hạng, được các tổ chức nước ngoài mua nhiều gồm VCB, VNM, HPG, VIC, VNM, MSN, VRE, VJC, SSI.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận