Trong quá khứ, VN-Index thường biến động ra sao khi NHNN 'hút' tiền qua tín phiếu?
Hút tiền qua tín phiếu là 1 nghiệp vụ bình thường, cơ bản của NHNN nhằm điều tiết thanh khoản trên thị trường trong ngắn hạn để tác động đến tỷ giá. Về dài hạn, nhằm ổn định tỷ giá, lãi suất, thanh khoản,… để phục vụ cho mục tiêu dài hạn của chính sách tiền tệ.
Trong ngày 14/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục phát hành 15.000 tỷ đồng tín phiếu. Tính từ ngày 11-14/3, NHNN đã hút ròng 60.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2018-2023, NHNN thực hiện nghiệp vụ này đều đặn hàng năm. Trung bình phát hành tín phiếu 9,4 lần/năm với mỗi lần phát hành diễn ra trung bình trong 13,4 ngày, giá trị hút về trung bình là 47.647 tỷ đồng.
Chu kỳ hút lớn nhất vào giai đoạn 21/9-8/11/2023, trong 47 ngày, NHNN đã hút về 239.163 tỷ đồng.
Theo thống kê từ BSC Research, khi giá trị hút ròng nhỏ hơn 100.000 tỷ đồng, xác suất VN-Index giảm trong chu kỳ hút là 33,3%. Còn nếu giá trị hút ròng lớn hơn 100.000 tỷ đồng thì xác suất giảm của VN-Index là 66,7%.
Trong năm 2023, NHNH đã 2 lần hút ròng giá trị trên 100.000 tỷ đồng, cả 2 lần VN-Index đều giảm điểm. Nếu lấy dữ liệu từ ngày bắt đầu hút đến ngày kết thúc, giai đoạn tháng 2-3/2023, VN-Index giảm 3,67%; giai đoạn tháng 9-11/2023, VN-Index giảm 10,92%.
So sánh hiện tại với thời điểm cuối năm 2023, có sự tương đồng từ việc leo thang tỷ giá do: (1) Chênh lệch lãi suất giữa VND và USD; (2) Sự trái ngược chính sách tiền tệ giữa Mỹ (thắt chặt) và Việt Nam (nới lỏng).
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chỉ số sức mạnh đồng USD ở mức thấp, quanh 102,8 so với mức 107 ở thời điểm trước đó, đồng thời có kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất từ tháng 6/2024.
BSC Research dự báo, giai đoạn này NHNN có thể hút về 100.000-150.000 tỷ đồng với lãi suất phát hành trung bình 1-1,3%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận