Trốn thuế khi mua bán nhà có khả năng bị xử lý hình sự
Cơ quan công an cho biết có nhiều cách để điều tra hành vi trốn thuế. Thực tế, đã có trường hợp bị xử lý hình sự về hành vi trốn thuế khi khai giá chuyển nhượng nhà đất thấp.
Thông tin từ Cơ quan điều tra Công an Q.10 (TP.HCM) cho hay cơ quan này mới tiếp nhận các kiến nghị kèm hồ sơ của Chi cục Thuế Q.10 để xác minh, xử lý hành vi có dấu hiệu trốn thuế của một số cá nhân chuyển nhượng (lần 2) căn hộ Hado Centrosa Garden (Q.10) nhưng giá khai trong hợp đồng công chứng quá thấp.
Hồ sơ gồm có chứng từ thể hiện nhà đầu tư thanh toán mua căn hộ từ chủ đầu tư (gần 5 tỉ đồng) và hợp đồng công chứng bán lại căn hộ ghi giá chỉ 1 tỉ đồng. Hiện Cơ quan điều tra Công an quận đang tiến hành các bước xử lý.
Một cán bộ Cơ quan điều tra Công an TP.HCM cho hay từ trước đến nay hành vi khai giá chuyển nhượng nhà đất thấp đi trong hợp đồng công chứng để giảm tiền thuế phải đóng là phổ biến trong giao dịch.
Thông tin nghi vấn trốn thuế từ các tổ chức công chứng và cơ quan thuế qua các giao dịch thì cơ quan điều tra cũng nắm được. Tuy nhiên để xử lý hình sự không dễ.
Để chứng minh hành vi chuyển nhượng có dấu hiệu trốn thuế, cơ quan điều tra đánh giá về giá chuyển nhượng qua các lần đối với nhà đất đó. Nếu giá bán lần đầu với lần 2 (hoặc lần trước với lần sau) quá chênh lệch thì đó là một dấu hiệu.
Tiếp theo, cơ quan điều tra cần xem xét, chứng minh mục đích trốn thuế giữa bên mua và bên bán.
Thông thường thỏa thuận ghi giá bán thấp để trốn thuế được sự đồng ý của cả hai bên.
Vì vậy nếu các bên thỏa thuận với nhau bằng một giá khác thể hiện trên các văn bản thực tế thỏa thuận (phụ lục hợp đồng, hợp đồng tay...) hoặc thể hiện qua việc chuyển tiền các bên (theo thỏa thuận thực) nhưng sau đó các bên lại ghi trong hợp đồng công chứng (là hợp đồng để tính thuế) giá thấp hơn rất nhiều, rõ ràng đây chính là hợp đồng "giả tạo" nhằm che giấu giao dịch thực với mục đích trốn thuế. Đây là căn cứ mà cơ quan điều tra có thể củng cố hồ sơ để xử lý hành vi trốn thuế.
Tất nhiên, cơ quan điều tra sẽ phân biệt trường hợp giá trị giao dịch thực tế thấp do cần tiền gấp bán hạ giá, nhà bị "xui" giảm giá, thị trường bị chững lại...
Thực tế, theo vị cán bộ điều tra, hành vi khai thấp giá chuyển nhượng qua các lần giao dịch đối với căn hộ chung cư, nhà ở dự án (nhất là các chung cư, dự án ở vị trí tốt) có thể sẽ dễ bị xử lý.
Bởi lẽ giá bán các căn hộ, nhà ở dự án (kể cả nhà hình thành trong tương lai) được niêm yết rõ ràng và giá chuyển nhượng cũng được ghi nhận đầy đủ thông qua hợp đồng công chứng.
Thực tế, đã có trường hợp bị xử lý hình sự về hành vi trốn thuế khi khai giá chuyển nhượng nhà đất thấp.
Vì vậy, để tránh bị xử lý hình sự về hành vi trốn thuế thì các bên nên mua bán, thanh toán đúng giá trị thực của giao dịch.
Luật sư Nguyễn Huy Việt (Đoàn luật sư TP.HCM):
Mức phạt không nhẹ
Theo quy định điều 200 Bộ luật hình sự 2015 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự thì cá nhân có các hành vi (9 hành vi theo quy định khoản 1) nhằm trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc từng bị kết án về tội này... thì bị phạt tiền từ 100 triệu - 500 triệu đồng hoặc bị kết án từ 3 tháng đến 1 năm tù.
Cá nhân trốn thuế mức cao nhất có thể bị phạt tiền đến 4,5 tỉ đồng hoặc phạt tù đến 7 năm.
Nếu cá nhân vi phạm trốn thuế lần đầu với số tiền chưa đến 100 triệu đồng thì bị xử phạt hành chính.
THÁI AN
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận