24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyen Duc Hao.
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Triết lý của George Soros: Đầu cơ là một trò chơi đầy rủi ro; Trong đầu tư, hãy cứ im lặng mà làm!

Nhắc đến trường phái đầu cơ trong thị trường tài chính, khó có ai có thể bước qua George Soros – người được ví như “kẻ phá hủy ngân hàng Anh”.

Dù đã cho đi một phần lớn tài sản cho các hoạt động từ thiện, tính đến cuối tháng 11/2022, giá trị tài sản ròng của George Soros vẫn ở mức đáng nể, khoảng 8,5 tỉ USD.

Sinh năm 1930, tại Hungary, tuổi thơ của George Soros là những ngày tháng trốn chạy khi Đức Quốc xã lùng bắt và tàn sát người Do Thái trong Thế chiến II.

Gia đình Do Thái của ông đã sống sót bằng cách sử dụng giấy tờ tùy thân giả, che giấu lý lịch và giúp đỡ những người khác làm điều tương tự.

Soros rời Budapest vào năm 1947 để đến London, làm việc bán thời gian với công việc khuân vác ở ga tàu và bồi bàn câu lạc bộ đêm để có thu nhập chi trả cho việc học của mình tại Trường Kinh tế London. Năm 1956, ông di cư sang Mỹ, bước vào thế giới tài chính và đầu tư, nơi giúp ông kiếm bộn tiền.

George Soros đã từng làm việc với FM Mayer trong tư cách là một nhà kinh doanh chênh lệch giá, và với Wertheim & Co. trong tư cách là một nhà phân tích.

Soros bắt đầu khởi nghiệp với 5.000 USD, nhờ sự am hiểu về thị trường Châu Âu và những quyết đoán táo bạo mà thương vụ đầu tiên của ông thuận lợi thành công.

Năm 1973, ông thành lập Soros Funds Management với số vốn ban đầu 17 triệu USD. 6 năm sau đó, ông đã gia tăng giá trị quỹ lên 100 triệu USD.

Thành công bước đầu này của Soros là nhờ sự kết hợp giữa khả năng phân tích sắc sảo thị trường tài chính thế giới và sự can đảm trong đầu tư.

Nhiều thập kỷ sau, Soros Funds Management sẽ được mô tả là một trong những quỹ đầu cơ sinh lời cao nhất trong lịch sử, với tỷ lệ hoàn vốn trung bình hàng năm là 20% cho các nhà đầu tư của ông trong hơn bốn thập kỷ.

'Kẻ phá hủy ngân hàng Anh'

Đỉnh cao trong sự nghiệp của George Soros là thương vụ bán khống số lượng rất lớn đồng Bảng Anh, khi ông cho rằng Vương Quốc Anh có vị trí vô cùng bất lợi trong cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu.

Lúc bấy giờ, các nước châu Âu đang tích cực neo tỷ giá hối đoái với nhau để ổn định kinh tế. Và khi nước Anh tham gia vào cuộc chiến, Soros về cơ bản đã bán khống đồng bảng Anh.

Điều đó được thực hiện bằng cách vay tiền của Anh và chuyển đổi nó sang tiền tệ của Đức với đặt cược rằng đồng bảng Anh sẽ mất giá. Canh bạc này đã thành công.

Thực tế diễn ra đúng như dự đoán của Soros. Đồng bảng Anh rớt giá thảm hại đến mức bị loại khỏi rổ tiền tệ châu Âu. Trong khi đó, Soros trả nợ bằng tiền Bảng Anh đã mất giá và thu lợi tới 1 tỉ USD chỉ trong vòng một ngày.

Vào thời điểm kết thúc canh bạc, ông đã thu được gần 2 tỉ USD. Tuy nhiên, việc đầu tư này chắc chắn là một hành động gây tranh cãi bởi Soros đã kiếm lợi bằng cách đẩy đất nước rơi vào tình trạng khó khăn.

Thương vụ này đã khiến giới tài chính thế giới gọi ông bằng cái tên “The man who broke the bank of England” (tạm dịch: kẻ phá hủy ngân hàng Anh).

Phong cách đầu tư Soros

George Soros là người hiếm hoi trong số các nhà đầu tư thành công từng thừa nhận rằng bản năng đóng một vai trò quan trọng trong các quyết định đầu tư.

Tuy nhiên, ông nổi tiếng là người nắm rõ các xu hướng kinh tế ở cấp độ khu vực và toàn cầu và được biết đến là người sử dụng kiến ​​thức này để khai thác sự kém hiệu quả của thị trường với các vụ cá cược lớn, có đòn bẩy cao.

Soros có cả vốn và khả năng chấp nhận rủi ro để vượt qua những vụ cá cược này lâu hơn khả năng của hầu hết các nhà quản lý quỹ phòng hộ. Trên thực tế, Soros đã khiến một số chính phủ quốc gia lo ngại về các vấn đề tiền tệ bằng sự kiên trì và túi tiền rủng rỉnh của mình.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á , Soros đã thêm vào danh sách biệt danh ngày càng tăng của mình và trở thành "người đàn ông đã phá hủy Ngân hàng Thái Lan" khi ông đặt cược gần 1 tỷ USD vào đồng tiền Thái Lan, đồng baht.

Bất chấp kiến ​​thức sâu rộng của Soros về thị trường toàn cầu và các nguồn thông tin tuyệt vời, quyết định “đặt cược” được cho là một quyết định táo bạo hơn là phản ứng với tín hiệu thị trường.

Soros không tuân theo bất kỳ quy tắc điển hình nào của đa dạng hóa, giá trị và thời gian dài hạn. Ông là một nhà đầu cơ.

Ông tận dụng những xu hướng của thị trường tài chính, những xu thế kinh tế có ảnh hưởng sâu rộng để tiến hành những thương vụ mua bán trái phiếu, tiền tệ với tâm lý là một người thích “đánh cược vào sự hỗn loạn” để nhận lại những khoản lợi nhuận khổng lồ.

"Bạn đúng hay sai, điều đó không quan trọng. Cái chính là bạn kiếm được bao nhiêu khi đúng và mất bao nhiêu khi sai", Soros chia sẻ.

Đầu cơ là một trò chơi đầy rủi ro

Mặc dù ít khi gặp thất bại, nhưng Soros cũng đã có một số tổn thất nhất định. Năm 1987, ông mất 300 triệu USD do đánh giá sai rằng thị trường sẽ tiếp tục đi lên. Trong tất cả các khoản thua lỗ của ông, điều tồi tệ nhất có lẽ là “bong bóng dotcom” năm 1999. Ông đã mất hàng tỷ USD cho canh bạc đầy rủi ro này.

Thực tế cho thấy rằng George Soros luôn có số trận thắng nhiều hơn thua. Tuy nhiên, có một bài học cần ghi nhớ ở đây. Nếu định thực hiện những “vụ đặt cược rủi ro lớn”, bạn phải có đủ khả năng để xử lý những “cú thất bại lớn”.

Những kiểu giao dịch mà Soros đã làm không dành cho những nhà đầu tư “yếu bóng vía” và thích sự an toàn.

Trong đầu tư, hãy cứ im lặng mà làm

Vốn là người kín đáo, Soros muốn thông tin về hoạt động của quỹ Quantum càng ít xuất hiện trên công chúng càng ít càng tốt. Luôn giữ kín các ý tưởng đầu tư của mình là một trong những bí quyết đầu cơ của Soros.

Ông nghiêm cấm nhân viên của Quỹ Quantum tiết lộ bất kì một thông tin gì nếu chưa được cho phép. Bởi vì, ông muốn giữ kín kế hoạch và dự định đầu cơ của mình trong tương lai.

Theo quan điểm của Soros, nếu phát hiện ra những gì ông định làm, các nhà đầu tư khác sẽ đổ xô vào thị trường. Giá cả có thể sẽ thay đổi và tình hình sẽ trở nên hỗn loạn. Đó sẽ là một kết cục tồi tệ.

Vì thế, đối với một trader tầm cỡ như Soros với những thương vụ “khủng”, việc thông tin và kế hoạch đầu cơ của mình bị tiết lộ sẽ mang lại hậu quả vô cùng nặng nề./.

Nguồn tham khảo: Investopedia, Yahoo
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả