Triển vọng phục hồi của ngành chế biến gỗ rất khả quan
Hiện tại các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ tại các tỉnh, thành phía Nam đang tăng tốc phục hồi trở lại để kịp tiến độ giao hàng cho đối tác. Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) đã trả lời phỏng vấn Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, đã gần 1 tháng kể từ khi các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận chuyển sang “bình thường mới”. Xin ông cho biết tới nay hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp gỗ như thế nào?
Theo thông tin chúng tôi nắm được, tới thời điểm hiện nay, trong số hơn 600 hội viên của HAWA tại TP.HCM thì đã có gần 80% bắt đầu tái sản xuất lại để kịp tiến độ giao hàng cho đối tác trong thời gian tới. Tôi cho rằng đến hết tháng 10/2021 thì sẽ có trên 90% doanh nghiệp làm việc bình thường trở lại.
Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn đang gặp một số khó khăn liên quan đến lực lượng lao động khi chỉ có khoảng 70% công nhân của các doanh nghiệp trở lại làm việc. Tuy nhiên trong những ngày gần đây việc đi lại giữa các tỉnh, thành phố tại khu vực miền Tây Nam bộ và Tây Nguyên đã dần thuận lợi hơn nên đã có nhiều công nhân từ các địa phương này quay lại Long An, Bình Dương… để làm việc. Trong số các tỉnh ở phía Nam thì Long An hiện thu hút đông đảo doanh nghiệp và công nhân làm việc nhất, do trong suốt thời gian dịch bệnh địa phương này có chính sách chống dịch khá nhất quán. Cụ thể như kế hoạch sản xuất 3 tại chỗ, kế hoạch tiêm chủng và kế hoạch cho doanh nghiệp sản xuất trở lại.
Do đó, chúng tôi kỳ vọng trong 3 tháng cuối năm 2021 này kim ngạch xuất khẩu gỗ sẽ quay trở lại như trước khi làn sóng dịch Covid-19 diễn ra.
Có nhiều thông tin rằng doanh nghiệp gỗ đã bị mất rất nhiều đơn hàng do giãn cách kéo dài, ông nhìn nhận về vấn đề này thế nào?
Nếu như vào thời điểm trước đợt dịch thứ 4 bình quân mỗi tháng ngành gỗ xuất khẩu từ 1-1,2 tỷ USD/tháng thì trong thời đại dịch chỉ còn 800 triệu USD/tháng, tức là ngành đã mất 40% giá trị đơn hàng (do giao không kịp). Điều này dẫn tới có một số khách hàng sẽ phải chọn đối tác khác để cung cấp sản phẩm thay thế cho họ. Tuy vậy, tôi nghĩ số lượng đơn hàng mất không nhiều mà là sự dịch chuyển từ chính các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sang thị trường khác. Cụ thể, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam họ đều có nhà máy ở 2-3 quốc gia khác nhau nên khi nhà máy tại Việt Nam không thể sản xuất kịp họ sẽ chọn quốc gia khác để tiếp tục đơn hàng. Thêm vào đó ngành gỗ khác với các mặt hàng khác là tính thời vụ không cao (ngoại trừ hàng ngoài trời) nên phần lớn các doanh nghiệp có sản xuất hàng dự trữ. Do đó tôi cho rằng đơn hàng của ngành gỗ không mất đi mà chỉ là quá trình thực hiện bị chậm lại.
Theo ông trong năm nay ngành gỗ có đạt mục tiêu xuất khẩu hay không và tới hiện tại việc tận dụng các Hiệp định thương mại (FTA) của ngành gỗ được thực hiện như thế nào?
Theo đánh giá của chúng tôi, FTA có tác động tích cực nhất cho ngành gỗ là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Lý do, với ngành gỗ thì Hiệp định này còn có thêm cam kết về Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (FLEGT-VPA). Cụ thể, do có nền tảng của FLEGT-VPA mà chúng ta đã giải trình được cáo buộc về nguồn gốc gỗ hợp pháp với phía Hoa Kỳ. Từ đó giúp các sản phẩm gỗ Việt Nam có lợi thế hơn ở thị trường Mỹ trước đối thủ Trung Quốc.
Ngoài EVFTA, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng có tác động nhất định giúp ngành gỗ tăng trưởng xuất khẩu ở thị trường Canada và Úc. Bên cạnh đó, tại Hàn Quốc, Nhật Bản cũng có độ tăng trưởng khá cao sau khi CPTPP có hiệu lực.
Chính nhờ lợi thế của các FTA kể trên cùng sự chủ động của doanh nghiệp trong việc đưa công suất hoạt động trong các tháng 10,11 và 12/2021 tăng thêm khoảng 20-30% so với thời điểm dịch, chúng tôi cho rằng trong năm nay xuất khẩu gỗ sẽ vượt mức 14,5 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với năm 2020.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận