Triển vọng ngành ngân hàng 2020: Điều hành không quá chặt, tăng trưởng vẫn tích cực
Năm 2020, quy định của Ngân hàng Nhà nước về điều tiết ngành ngân hàng tiếp tục duy trì trạng thái hỗ trợ ngành, khả năng sinh lời trên tài sản và định giá các ngân hàng ở mức rất hấp dẫn...
MBKE đã nâng đánh giá từ trung lập lên tích cực đối với ngành ngân hàng trong năm 2020, dựa trên 3 yếu tố: Các quy định của Ngân hàng Nhà nước; Khả năng sinh lời trên tài sản và Định giá.
Nhờ các quy định ở mức vừa phải, không siết chặt quá mức nên các ngân hàng tiếp tục duy trì mức đòn bẩy tài sản trên vốn ở mức 10 -12 lần thay vì giảm xuống ở mức dưới 10 lần như các ngân hàng trong khu vực. Vì vậy, các ngân hàng đang ở chu kỳ khả năng sinh lợi tốt.
Cụ thể, nhờ bức tranh vĩ mô ổn định, nhờ tỷ lệ tín dụng/GDP hiện tại theo cách tính mới không quá mức căng thẳng (tỷ lệ tín dụng/GDP năm 2019 trên 130%, nhưng việc điều chỉnh cách tính GDP trong năm 2020 làm quy mô GDP tăng lên giúp tỷ lệ tín dụng/GDP giảm xuống dưới 130%) nên ngành ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì khả năng tăng trưởng tín dụng cả ngành ở mức 13% - 14%, những ngân hàng đầu ngành khoảng 15% - 16%.
Đặc biệt khả năng sinh lời của ngân hàng được cải thiện nhờ chi phí ngoài lãi đặc biệt là phí từ bán bảo hiểm tăng lên giúp ngân hàng cải thiện được ROA lên mức 1,8% - 2%. Nhờ đòn bẩy tài chính hợp lý ở mức 10 – 12 lần, khả năng sinh lời ROE ở mức rất tốt từ 18% - 20%.
Mặc dù khả năng sinh lời tốt nhưng định giá ngân hàng Việt Nam hiện tại vẫn đang ở mức rất là hấp dẫn chỉ ở mức 0,9 – 1 lần P/B đối với rất nhiều ngân hàng đầu ngành. Một yếu tố khiến cho định giá các ngân hàng Việt Nam chưa được cải thiện đó là do yếu tố về giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài. MBKE kỳ vọng những sáng kiến về quỹ chỉ số Financial hay quỹ chỉ số Diamond, tức là những chỉ số theo dõi các cổ phiếu full room và có định giá hấp dẫn sẽ là một cái yếu tố giúp định giá của các cổ phiếu đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng sẽ được cải thiện hơn trong năm 2020.
Khối phân tích của VDSC ước tính rằng các chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước sẽ có ảnh hưởng với mức độ khác nhau đến kết quả kinh doanh của từng nhóm ngân hàng. Trong đó, các ngân hàng quốc doanh nhiều khả năng sẽ gặp khó khăn hơn trong việc mở rộng biên lãi ròng; tác động lên các ngân hàng tư nhân là đa chiều và có mức độ ảnh hưởng nhẹ hơn.
Tuy vậy, VDSC cũng nhìn thấy cơ hội cho tất cả các ngân hàng khi tăng trưởng tín dụng được duy trì tích cực, bởi vì cho vay vẫn là nguồn thu nhập chính của các ngân hàng và mở rộng tín dụng sẽ cho phép các ngân hàng bán chéo phẩm của họ (thẻ, thanh toán, bảo hiểm, dịch vụ trái phiếu…), từ đó đẩy mạnh thu nhập dịch vụ.
"Sang năm 2020, tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức tương tự so với năm 2019, biên lãi ròng sẽ tiếp tục mở rộng một cách có chọn lọc và chi phí dự phòng sẽ được tiết giảm thêm ở một số ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng VDSC phân tích nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận lõi ít nhất 15% trong năm 2020. VDSC nhận thấy mức định giá thấp (PB dự phóng 2020 ở mức 0,9-1,2 lần) và khả năng sinh lời cao (ROE dự phóng 2020 từ 20-24%) là lợi thế của nhiều cổ phiếu ngân hàng", Báo cáo chiến lược đầu tư 2020 cho biết.
MBS đánh giá nhu cầu vốn năm 2020 sẽ thiếu hụt ở từng nhóm ngân hàng. Cụ thể, theo đánh giá của Fitch, chuẩn mực Basel II sẽ tăng các tài sản rủi ro 60% so với năm 2017, tổng cộng 463 nghìn tỷ đồng cho toàn hệ thống. Và hệ thống sẽ thiếu hụt vốn cấp 1, diễn ra chủ yếu tại các ngân hàng chưa niêm yết.
Dù vậy, MBS đánh giá thanh khoản thị trường ngân hàng tích cực nhờ: (1) dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh và (2) không có sự rút vốn đột ngột nhờ vào các yếu tố như dòng vốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc, Việt Nam đang là điểm đến hàng đầu….MBS dự phóng thanh khoản hệ thống tiếp tục dồi dào và không gây áp lực từ bên ngoài lên lãi suất.
Tuy nhiên, cũng như VDSC, MBS cho rằng tăng trưởng NIM của các ngân hàng dần chậm lại do mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng lên (các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước thay thế Thông tư 36 đặc biệt cho hạng mục tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn bị siết lại sẽ đẩy chi phí huy động lên cao hơn trong năm 2019 – 2020), cạnh tranh ngày càng khóc liệt hơn trong cho vay tiêu dùng, lãi suất trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm và các ngân hàng sẽ định hướng cho vay an toàn hơn (lãi suất thấp hơn) để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận