24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Triển vọng nào cho chứng khoán tháng 8?

Sau cú sốc cuối tháng 7 do việc dịch Covid-19 bùng phát trở lại, các chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán sẽ có diễn biến đi ngang trong tháng 8. Chỉ số sẽ khó quay lại vùng đỉnh cũ nhưng cũng sẽ khó rớt về cùng đáy cũ.

Thị trường đi ngang trong tháng 8

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích của CTCK Yuanta Việt Nam nhận định điểm sáng của thị trường tháng 8 là chỉ số đã lấy lại mốc 800 điểm trong các phiên đầu tháng và khối ngoại đã mua ròng trở lại. Theo đó, xu hướng ngắn hạn là khả quan.

Nhìn rộng ra trong trung hạn, xu hướng thị trường vẫn sẽ chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh và không tích cực như trong các tháng 4 – 5 – 6. Từ đó, thị trường sẽ đi ngang so với tháng 7 và phân hóa theo nhóm ngành. Dòng tiền cũng sẽ có sự phân hóa trong giai đoạn tới.

Theo ông Minh, điểm sáng của thị trường chung là giai đoạn khó nhất đã đi qua, kết quả kinh doanh quý 2 cũng đã dần được công bố cho thấy bức tranh chung hoạt động của doanh nghiệp không quá tệ. Kỳ vọng bức tranh trong quý 3 - 4 của năm nay sẽ khả quan hơn. Mặt khác, tác động của làn sóng thứ 2 tại Việt Nam sẽ không qua nặng nề. Nhìn chung, thị trường có xu hướng trung hạn trung tính dao động trong khoảng 800 - 875 điểm.

Còn theo ông Hoàng Công Tuấn – Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô của CTCK MB (MBS), dịch bệnh quay lại đã tạo ra cú sốc cho thị trường trong những tuần vừa qua nhưng nhờ biện pháp tích cực phòng chống dịch cũng như chưa khắt khe thực hiện giãn cách xã hội trên cả nước đã trấn an tâm lý thị trường dẫn tới những phiên tăng điểm đầu tháng 8. Thị trường thời gian tới sẽ có xu hướng tương đối thận trọng. Sau khi phục hồi từ các đợt bắt đáy, thị trường sẽ vào vùng đi ngang và tích lũy.

Triển vọng vĩ mô Việt Nam xấu đi so với việc dịch bệnh không quay trở lại, do đó, thị trường khó có thể quay lại đỉnh cũ. Tuy nhiên, thị trường cũng sẽ không rớt mạnh xuống dưới 780 điểm của VN-Index nếu không có thông tin xấu hơn về dịch bệnh.

Nói về các yếu tố rủi ro, ông Minh cho rằng rủi ro thị trường vẫn hiện hữu khi dịch Covid-19 đang vào giai đoạn phức tạp và bắt đầu có các ca tử vong nhiều khả năng dịch bệnh sẽ khó kết thúc sớm trong năm 2020, do đó rủi ro từ dịch bệnh vẫn sẽ còn.

Một yếu tố quyết định trong giai đoạn này là rủi ro thanh khoản của nền kinh tế. Hiện tại, tiềm lực tài chính cả hệ thống vẫn còn đủ để đảm bảo nhưng nếu dịch bệnh kéo dài hơn dẫn tới khả năng mất thanh khoản gây ra suy thoái kinh tế và rất khó để dự báo yếu tố này.

Bên cạnh đó, các ngành nghề bị ảnh hưởng kéo dài như du lịch, hàng không sẽ chưa thể phục hồi ngay cho tới tháng 6/2021.

Nên đầu tư thế nào trong làn sóng thứ 2 của Covid-19?

Ông Minh nhận định giai đoạn tới số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng và có thêm ca tử vong. Trước những thông tin như vậy, ông Minh khuyến nghị nhà đầu tư nên bình tĩnh và không qua lo lắng. Hiện dư nợ margin đang tập trung ở các cổ phiếu vốn hóa lớn và so với vốn hóa thị trường vẫn chưa quá lớn, tác động từ việc call margin sẽ không quá mạnh.

Nhà đầu tư nên có tỷ động cân bằng trong giai đoạn này, có thể phân bố một nửa tỷ trọng vào một số khoản đầu tư an toàn như trái phiếu và nửa còn lại vào cổ phiếu.

Để tìm ra cổ phiếu tốt, nhà đầu tư nên theo dõi các doanh nghiệp có kết quả tăng trưởng trong quý 1 – 2 thể hiện đây là những doanh nghiệp có sức khỏe tốt. Bên cạnh đó, các câu chuyện như thu hút vốn đầu tư FDI sẽ giúp cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp hưởng, việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ thúc đẩy các vật liệu xây dựng, xây dựng hạ tầng.

Các cổ phiếu liên quan tới nhu cầu thực phẩm, dụng cụ y tế vẫn còn nhưng không nhiều như trước. Trong ngắn hạn lợi nhuận sẽ không còn tốt nữa. Trung hạn tới cuối năm vẫn an toàn nhưng không còn nhiều cơ hội như trước. Do đó, ông Minh khuyến nghị không nên lướt sóng ngắn hạn với các cổ phiếu này.

Đối với kênh vàng, ông Minh dự báo tới cuối năm vàng sẽ vẫn còn tăng nhưng tỷ suất sinh lời không còn nhiều như giai đoạn trước.

Về phần mình, ông Tuấn đưa ra 2 cách tiếp cận cho nhà đầu tư. Thứ nhất, trong dài hạn, nhà đầu tư nên có cái nhìn sâu sắc hơn với tình hình thị trường. Thị trường sẽ hồi phục nhanh khi có các giải pháp chống dịch được đưa ra. Do đó, nhà đầu tư nên thực hiện đầu tư dài hạn bằng tiền nhàn rỗi và kiên nhẫn với các biến động trong thời gian này.

Trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên hành xử theo diễn biến thị trường, canh giải ngân ở vùng 810 điểm và chốt lời ở vùng 850 điểm. Lợi nhuận lướt sóng trong giai đoạn này sẽ không cao và nhà đầu tư phải hết sức kiên nhẫn để tránh bẫy tâm lý.

Tiêu chí chọn cổ phiếu là cổ phiếu của các doanh nghiệp sụt giảm lợi nhuận có triển vọng kinh doanh trong năm 2021 hoặc chống chịu tốt trong năm nay, nên chọn các mã tốt nhất trong nhóm ngành như các cổ phiếu vốn hóa lớn hay VN30.

Theo ông Tuấn, thu hút FDI của Việt Nam trong nửa đầu năm giảm những không quá nhiều cho thấy Việt Nam vẫn thu hút nguồn vốn nước ngoài. Giải ngân đầu tư công có sự tăng trưởng mạnh, 6 tháng cuối năm sẽ còn được đẩy mạnh và tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ đó sẽ tác động tích cực tới các nhóm như xây dựng hạ tầng hay doanh nghiệp bất động sản có dự án quanh vùng được đầu tư hạ tầng.

Tuy nhiên, để tận dụng được câu chuyện này thì nhà đầu tư phải tìm kiếm thật kỹ mới ra được các doanh nghiệp có yếu tố hưởng lợi chứ không phải chỉ cần đầu tư theo nhóm ngành.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả