24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Đình Đạt
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Triển vọng kinh tế Mỹ năm 2023

Sau một năm tăng trưởng cao (5,7%), kinh tế Mỹ bắt đầu suy giảm vào năm 2022 với tốc độ tăng GDP trong hai quý đầu năm liên tiếp ở mức âm và tỷ lệ lạm phát thường xuyên ở mức trên 8%. Từ tháng 3 đến tháng 11 năm 2022, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 6 lầ

Nhìn lại kinh tế Mỹ năm 2022

Giữa năm 2021 và năm 2022, tăng trưởng kinh tế Mỹ có sự thay đổi rất lớn. Năm 2021, tăng trưởng kinh tế của Mỹ đạt mức cao nhất kể từ năm 1984, tuy nhiên sau đó, GDP của Mỹ đã giảm 1,6% trong quý I/2022, và giảm 0,6% trong quý II/2022. Như vậy, nền kinh tế Mỹ đã có 2 quý liên tiếp tăng trưởng âm, dấu hiệu để nhận biết sự suy thoái của nền kinh tế. Theo Moody's, sự biến động lớn trong tích lũy hàng tồn kho và thương mại cũng như sự suy giảm đầu tư và chi tiêu đã khiến tăng trưởng kinh tế không ổn định năm 2022. Thâm hụt thương mại có xu hướng tăng trong quý I nhưng đã giảm trong quý II. Xuất khẩu ròng lần đầu tiên có đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP trong hai năm trở lại đây.

Tốc độ tăng trưởng đã cải thiện ở quý III với mức tăng 2,6% và có dấu hiệu phục hồi sau khi suy giảm trong nửa đầu năm. Đóng góp tích cực nhất đến từ thương mại ròng và đầu tư phi dân cư tăng 3,7%, chi tiêu của người tiêu dùng tăng do nhu cầu cao hơn cho các dịch vụ.

Lạm phát ở Mỹ bắt đầu tăng mạnh từ tháng 4/2021 và thiết lập nhiều kỷ lục mới trong vòng 40 năm qua. Tỷ lệ lạm phát (CPI) đã tăng từ 4,2% (4/2021) lên 7,5% (1/2022) và 7,9% (2/2022) so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát đang lan rộng tới tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế, trong đó giá ô tô đã qua sử dụng tăng tới 40%, giá thực phẩm tăng hơn 7,0%, giá năng lượng tăng 27,0% trong tháng 1/2022. Chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 1/2022 tăng 1,0% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá nhập khẩu tăng 2,0% trong tháng 1/2022 so với tháng trước và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân gây ra lạm phát được cho là do sự kết hợp nhiều yếu tố liên quan đến đại dịch Covid-19 bao gồm: sự thiếu hụt chuỗi cung ứng toàn cầu, các gói kích thích tài khóa quy mô lớn và tình trạng thiếu lao động, sự gia tăng chi phí tiền lương, và sự tăng vọt của giá dầu. Chỉ trong vòng hơn 3 tháng, giá dầu thô từ hơn 65 USD/1 thùng vào đầu tháng 12/2021 đã tăng lên mức đỉnh điểm gần 124 USD/1 thùng vào ngày 8/3/2022 trước khi giảm xuống thấp hơn.

Bên cạnh đó, xung đột Nga – Ukraine và các diễn biến địa chính trị khác khiến cho giá năng lượng và nông sản đồng thời tăng cao. Trong tháng 5/2022, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đã tăng vọt lên 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Giá năng lượng tăng 3,9%, giá thực phẩm tăng 1,2% tương ứng với mức tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là lần đầu chỉ số này vướt mức 10% kể từ tháng 3 năm 1981. Trong tháng 6, lạm phát tiếp tục tăng lên 9,1%, mức cao nhất kể từ năm 1981. Trong đó giá năng lượng tăng 41,6%. Trong những tháng tiếp theo, tỷ lệ lạm phát CPI giảm xuống, phần lớn do sự sụt giảm giá xăng dầu. Vào tháng 10/2022, chỉ số giá tiêu dùng đạt mức 7,7%. Điều này cho thấy áp lực về giá đang bắt đầu giảm bớt, mặc dù quá trình giảm lạm phát sẽ diễn ra rất chậm.

Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát lõi (không kể thực phẩm và xăng dầu) vẫn tăng liên tục trong các tháng từ tháng 7 đến tháng 9/2022, chỉ giảm nhẹ trong tháng 10/2022. Mặc dù tỷ lệ lạm phát (CPI) và tỷ lệ lạm phát lõi đã có chiều hướng giảm song vẫn ở mức tương đối cao so với năm 2021.

Trái ngược nguy cơ ''đình lạm'', tình hình việc làm và thất nghiệp năm 2022 tương đối ổn định. Trong tháng 1/2022, tỷ lệ thất nghiệp 4%. Các gói hỗ trợ của chính phủ Mỹ thời gian qua đã mang lại lợi ích đáng kể cho người lao động ở Mỹ. Từ tháng 2/2022, tỷ lệ thất nghiệp đã trở lại mức toàn dụng là 3,8% và số lượng người thất nghiệp giảm xuống 6,3 triệu người. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đã bắt đầu tăng lên, số đơn trợ cấp thất nghiệp giảm xuống. Từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2022, tỉ lệ thấp nghiệp duy trì ở mức 3,6%. Số lượng việc làm được tạo ra dưới thời Tổng thống Joe Biden nhiều hơn so với bất cứ Tổng thống nào trong lịch sử, với 6,7 triệu việc làm mới đã được tạo ra vào năm 2021 và 2,4 triệu việc làm từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2022. Tháng 5/2022 đánh dấu tháng thứ 17 liên tiếp số lượng việc làm tăng. Về cơ bản, trong năm 2022, Mỹ có nhu cầu về việc làm cao, số lượng việc làm tăng và tỷ lệ thất nghiệp luôn duy trì ở mức từ 3,5% - 3,7% trong suốt 8 tháng từ tháng 3/2022 đến tháng 10/2022. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nguy cơ suy thoái đang đe dọa, nhu cầu về việc làm trong nước thực tế đã bắt đầu giảm, trong những tháng tới, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ sẽ có thể tăng.

Các động thái chính sách kinh tế chủ yếu

Các động thái chính sách kinh tế của Mỹ trong năm 2022 đáng chú ý là những điều chỉnh về chính sách tiền tệ và tài khóa.

Đầu năm, Fed khá thận trọng điều hành lãi suất. Mặc dù tỷ lệ lạm phát trong tháng 1/2022 đã ở mức cao song tại phiên họp của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), Fed vẫn quyết định duy trì lãi suất cơ bản ở biên độ 0 - 0,25%. Theo Chủ tịch chi nhánh Fed tại New York, ông John Williams, việc tăng lãi suất giữa lúc lạm phát leo thang là điều cần thiết, song động thái đó không nên quá vội vàng và mạnh mẽ. Đến giữa tháng 3/2022, FOMC đã quyết định nâng lãi suất với 25 điểm cơ bản. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của Fed trong vòng 3 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. FOMC cho rằng tỷ lệ lạm phát leo thang và thị trường việc làm được củng cố là cơ sở để Fed tăng lãi suất.

Vào tháng 5/2022, lần thứ hai trong năm Fed đã quyết định tăng lãi suất với mức tăng 0,5 điểm phần trăm lên biên độ mới từ 0,75% - 1,00%, đạt mức cao nhất trong vòng hai thập niên trở lại đây. Trong tháng 6, lãi suất quỹ liên bang tăng tới mức 0,75 điểm phần trăm. Fed đã có sự thay đổi quan điểm khi đưa ra lập trường chính sách quyết đoán hơn liên quan đến cam kết đưa lạm phát xuống mức mục tiêu 2%. Tuy nhiên, lập trường chính sách mới của Fed có thể làm tăng khả năng xảy ra suy thoái vào năm 2023.

Bên cạnh đó, FOMC cho biết các quan chức Fed đã thống nhất về việc bắt đầu giảm qui mô bảng cân đối kế toán vào tháng 5/2022. Fed dự kiến trong vòng 1 năm sẽ cắt giảm khỏi bảng cân đối kế toán khoảng 1 nghìn tỷ USD nhằm đối phó với mức lạm phát. Fed bắt đầu tăng chi phí vay nợ nhằm làm giảm bớt nhu cầu tiêu dùng trong bối cảnh nguồn cung thực phẩm và dầu mỏ khan hiếm.

Trong tháng 7/2022, Fed đã đưa ra quyết định nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ hai liên tiếp; lãi suất cho vay qua đêm tăng từ 2,25% lên 2,5%, đây là mức cao nhất kể từ tháng 12/2018. Các quan chức Fed thể hiện quan điểm tiếp tục ủng hộ việc tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm vào tháng 11 và 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12 năm 2022.

Động thái tăng lãi suất là sự tiếp tục của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt nhất của Fed kể từ đầu thập niên 1980. Chỉ trong vòng 8 tháng, lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate) đã tăng thêm 3,75 điểm phần trăm, lên mức 3,75 - 4%, cao nhất kể từ tháng 1/2008. Như vậy, trong năm 2022, Fed đã có tổng cộng 6 lần tăng lãi suất cơ bản vào tháng 3, tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11. Đến hết tháng 10/2022, tỷ lệ lạm phát (CPI) đã giảm xuống 7,7% và tỷ lệ lạm phát lõi đã giảm xuống 6,3%, gần bằng các số liệu từ đầu năm.

Về chính sách thuế, tháng 3 năm 2022, Bộ Tài chính Mỹ đề xuất cơ chế mới cho kế hoạch ngân sách 2023 về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu với mức thuế suất 15% đối với các công ty toàn cầu. Mức thuế tối thiểu toàn cầu này có thể ngăn các công ty tránh thuế thông qua các khoản thu nhập từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có cơ chế thuế thuận lợi hơn so với Mỹ và bắt buộc các công ty toàn cầu phải nộp thuế tối thiểu với thuế suất 15%. Bên cạnh đó, chính quyền của Tổng thống Biden cũng đề xuất tăng thuế suất thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28% và tăng mức thuế tối thiểu hải ngoại từ mức 10,5% lên mức 20%, đồng thời đánh thuế thu nhập cao hơn đối với giới siêu giàu nhằm tăng thu ngân sách và giảm thâm hụt tài khóa.

Các khoản chi cho năm tài khóa 2022 (từ 30/9/2021 đến 30/9/2022) đã giảm ở mức kỷ lục với 550 tỷ USD, xuống còn 6,272 nghìn tỷ USD. Vào ngày 21/10/2022, chính phủ Mỹ báo cáo mức thâm hụt ngân sách trong năm tài khóa 2022 đã giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2021, xuống chỉ còn 1,375 nghìn tỷ USD khi chi tiêu hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 giảm và doanh thu của các doanh nghiệp tăng khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau đại dịch.

Triển vọng kinh tế Mỹ năm 2023

Thời điểm đầu năm, nhiều dự báo đã cho rằng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào trạng thái ''đình – lạm'' và kinh tế Mỹ sẽ thực sự rơi vào suy thoái từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Theo Conference Board (9/11/2022), tăng trưởng GDP năm 2022 được dự báo sẽ đạt 1,8% so với cùng kỳ năm trước và sẽ xuống 0% năm 2023. Còn theo Wells Fargo (10/11/2022), GDP của Mỹ sẽ tăng 1,9% năm 2022 và 0,1% năm 2023 và chỉ tăng trưởng âm vào năm 2024. Như vậy, dự báo của hai tổ chức khác nhau đã đưa ra xu hướng khá sát nhau. Nhìn chung kinh tế Mỹ sẽ vẫn khó khăn trong năm 2023.

Nhờ các động thái mạnh của Fed, tăng trưởng kinh tế quý III năm 2022 đã tốt hơn so với dự kiến, theo đó Conference Board (9/11/2022) đã nâng dự báo cho quý IV năm 2022 từ -0,8% lên -0,5%. Trong khi đó, hướng dẫn gần đây của Cục Dự trữ Liên bang về quỹ đạo lãi suất cho đến năm 2023 đã khiến dự báo kinh tế cho năm 2023 giảm xuống. Suy thoái sẽ kéo dài sang Quý II năm 2023 và sự phục hồi trong nửa cuối năm 2023 khó có thể xảy ra.

Sự suy giảm kinh tế Mỹ trong năm nay và năm tới sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam. Hiện nay, Mỹ là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, khi kinh tế Mỹ yếu, hoạt động thương mại và đầu tư Mỹ - Việt sẽ bị ảnh hưởng. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có nhiều thách thức suy giảm do nhu cầu thị trường Mỹ giảm. Các doanh nghiệp của Việt Nam cần chú ý để đa dạng hóa thị trường và tìm kiếm các nhu cầu mới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả