Triển vọng doanh nghiệp 'xông đất' sàn HoSE năm 2024
Đây là một doanh nghiệp thuỷ điện với cơ cấu cổ đông khá cô đặc, hoạt động trong lĩnh vực thủy điện nên doanh thu và lợi nhuận phụ thuộc rất nhiều vào tình hình khí hậu.
Vào ngày 12/1 tới, CTCP Thủy điện Hủa Na sẽ là doanh nghiệp đầu tiên niêm yết mới trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) trong năm 2024. Công ty thủy điện có mã chứng khoán HNA thuộc diện chuyển giao dịch từ sàn UPCoM sang HoSE.
Khối lượng đăng ký niêm yết là hơn 235 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ hơn 2.352 tỷ đồng. Giá tham chiếu trong ngày chào sàn ở mức 18.350 đồng/cp, tương đương mức định giá hơn 4.300 tỷ đồng. Giá cổ phiếu sẽ biến động 20% trong ngày giao dịch đầu tiên. HNA kết phiên cuối năm trên UPCoM ở mức giá 18.500 đồng/cp.
Thủy điện Hủa Na đăng ký kinh doanh lần đầu năm 2007, được thành lập bởi 2 cổ đông sáng lập là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), với số vốn điều lệ là 1.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên theo chia sẻ của ban lãnh đạo công ty tại hội nghị nhà đầu tư ngày 28/12 vừa qua, cơ cấu cổ đông của Thủy điện Hủa Na hiện đã có sự thay đổi khá lớn, bao gồm Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, mã POW) sở hữu 80,72% vốn điều lệ; Ngân hàng TMCP Bắc Á sở hữu 4,91% vốn điều lệ; Ngân hàng TMCP Quân Đội sở hữu 4,46% vốn điều lệ; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam sở hữu 3,71% vốn điều lệ; còn lại 6,2% vốn điều lệ thuộc về cổ đông khác.
HNA hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh điện năng. Công ty quản lý, vận hành Nhà máy thủy điện Hủa Na thuộc địa phận xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.
Nhà máy chính thức hoàn thành và sử dụng từ năm 2013 tới nay, có công suất thiết kế 180 MW, bao gồm 2 tổ máy với tổng mức đầu tư khoảng 7.092 tỷ đồng, sản lượng điện trung bình năm là 712,7 triệu kwh.
Theo bản cáo bạch niêm yết, doanh thu thuần của Thuỷ điện Hủa Na chỉ đến từ hoạt động duy nhất là sản xuất và bán điện cho EVN. Mặt khác, do hoạt động trong lĩnh vực thủy điện nên doanh thu và lợi nhuận của công ty phụ thuộc rất nhiều vào tình hình khí hậu, thời tiết và thủy văn của từng năm.
Doanh thu bán điện của công ty năm 2021 đạt hơn 600 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận gộp bán điện trên doanh thu thuần đạt mức cao là 38,34%. Đến năm 2022, điều kiện thủy văn trên lưu vực hồ thủy điện Hủa Na thuận lợi, lưu lượng nước về hồ cao, doanh thu đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2021; tỷ suất lợi nhuận gộp ở mức rất cao là 60,23%, tăng gần gấp đôi so với năm 2021. Nhờ đó, năm 2022 đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc của HNA cả về doanh thu và lợi nhuận.
Tuy nhiên sang năm 2023, tình hình thuỷ văn không thuận lợi lại ảnh hưởng ngay đến kết quả kinh doanh của công ty. Doanh thu bán điện 9 tháng đầu năm đạt gần 460 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 198 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận gộp bán điện trên doanh thu thuần đạt mức 37,92%. Lợi nhuận sau thuế đạt 152 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng tài sản của Thuỷ điện Hủa Na tại thời điểm cuối tháng 9/2023 đạt 3.574 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản cố định. Nợ phải trả ở mức 314 tỷ đồng, trong đó vay nợ hơn 230 tỷ đồng.
Tại hội nghị nhà đầu tư, ban lãnh đạo Thuỷ điện Hủa Na chia sẻ, công ty đang có kế hoạch tìm kiếm, nghiên cứu các dự án thủy điện quy mô vừa và nhỏ tại Nghệ An, Thanh Hóa, Tây Nguyên trong năm 2024.
Hiện công ty đang tập trung đánh giá tiềm năng kinh doanh của Nhà máy thủy điện Nậm Nơn 20MW tại Nghệ An và Dự án Nhà máy thủy điện Sơn Trà 1D 12MW ở Quảng Ngãi. Ngoài ra, công ty cũng nghiên cứu thực hiện dự án điện mặt trời ở lòng hồ thủy điện Hủa Na
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận