Tránh “tắc đường” trên HoSE, hàng trăm triệu cổ phiếu chuẩn bị “chuyển nhà” sang HNX
PAN và 7 công ty thành viên đang niêm yết tại HoSE gồm NSC, BBC, VFG, FMC, ABT, LAF, SSC cùng 2 công ty chứng khoán là VND, BSI đều đã “đánh tiếng” chuyển giao dịch cổ phiếu sang HNX.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã đồng loạt nhận được thông báo của CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (mã NSC), CTCP Bibica (mã BBC) và CTCP Khử trùng Việt Nam (mã VFG) về việc đề nghị chuyển giao dịch cổ phiếu từ HoSE sang HNX.
Các doanh nghiệp trên đều là thành viên của CTCP Tập đoàn Pan (mã PAN). Theo kế hoạch, PAN và 7 công ty thành viên đang niêm yết tại HoSE gồm NSC, BBC, VFG, FMC, ABT, LAF, SSC sẽ chuyển giao dịch cổ phiếu sang HNX nhằm giảm tải áp lực hệ thống của HoSE. Các cổ phiếu này sẽ quay về HoSE khi hệ thống “mượt mà” trở lại.
Như vậy, dự kiến HNX sắp tới sẽ tiếp nhận thêm khoảng 65 triệu cổ phiếu, bao gồm gần 18 triệu cổ phiếu NSC, hơn 15 triệu cổ phiếu BBC và 32 triệu cổ phiếu VFG. Tương ứng, hệ thống của HoSE cũng sẽ được giảm tải lượng giao dịch trên các cổ phiếu này.
Trước đó, 2 công ty chứng khoán là VNDirect (mã VND) và BSC (mã BSI) với tổng lượng cổ phiếu lưu hành gần 332 triệu đơn vị, đều đã có động thái muốn chuyển giao dịch cổ phiếu từ HoSE sang HNX.
Nếu toàn bộ các CTCK còn lại đang niêm yết trên HoSE (ngoài SSI đang nằm trong VN30 sẽ không chuyển sàn theo phương án) gồm HCM, VND, VCI, VIX, AGR, BSI, CTS, APG, VDS, FTS, TVB, TVS đều chuyển sàn sang HNX, hệ thống của HoSE có thể được giảm tải khoảng 700 tỷ đồng giá trị giao dịch mỗi phiên.
Thực tế, những con số trên còn rất khiêm tốn so với quy mô gần 103 tỷ cổ phiếu niêm yết cùng thanh khoản hàng chục tỷ đồng mỗi phiên trên HoSE. Tuy nhiên, đây vẫn là tín hiệu lạc quan và được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng tích cực đối với làn sóng “tạm chuyển nhà” sang HNX nhằm giảm tải cho hệ thống trên HoSE trong thời gian tới.
Theo thống kê, hệ thống trên HNX có thể tải được 20-30 triệu lệnh/ngày trong khi mới chỉ có 354 cổ phiếu niêm yết. Trong khi đó, số lượng cổ phiếu niêm yết trên HoSE là 403 nhưng lại giới hạn chỉ vỏn vẹn 900.000 lệnh/ngày.
NGHẼN LỆNH CÓ THỂ ĐƯỢC XỬ LÝ TRONG 3-4 THÁNG
Làn sóng nhà đầu tư mới gia nhập thị trường ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt từ cuối năm 2020 là yếu tố quan trọng tạo nên giai đoạn sôi động bậc nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua.
Giao dịch bùng nổ với thanh khoản tăng “nóng” trên/dưới 15.000 tỷ đồng mỗi phiên đã dẫn đến hiện tượng nghẽn lệnh thường xuyên xảy ra trên sàn HoSE. Điều này gây ra không ít bức xúc cho nhà đầu tư và ảnh hưởng đến niềm tin vào thị trường.
Nhằm xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã xây dựng đồng thời nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống. Trong đó, Bộ Tài chính và FPT cùng chung nhận định giải pháp áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HoSE là hoàn toàn khả thi, chỉ mất từ 3 - 4 tháng để triển khai và hoàn thiện để có thể xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh khi giao dịch chứng khoán.
Bên cạnh việc quyết tâm cao nhất để sớm hoàn thiện hệ thống giao dịch chứng khoán, Bộ trưởng cũng cho rằng, trước mắt không áp dụng đề xuất nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu lên 1.000 nhưng khuyến khích việc chuyển đổi giao dịch một số cổ phiếu từ HoSE sang HNX trên tinh thần tự nguyện nhằm giảm tải hệ thống giao dịch của HoSE, bảo đảm vận hành an toàn hệ thống giao dịch chứng khoán.
Nhằm tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp chuyển sàn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thông báo và hướng dẫn 2 Sở Giao dịch, Trung tâm Lưu ký về các vấn đề liên quan đến tiếp nhận, xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp đang giao dịch cổ phiếu ở HoSE sang giao dịch tại sàn HNX theo thủ tục đơn giản nhất.
Bên cạnh đó, HNX cũng đã bắt đầu thử nghiệm tạo bảng điện mới cho các chứng khoán của HoSE. Bảng điện này vẫn tuân thủ theo các quy định giao dịch của HoSE như kết cấu phiên, biên độ, loại lệnh, bước giá, hay lô giao dịch. Cách thức giao dịch tương đồng với HoSE, dù việc định danh số chứng khoán này sẽ thuộc sàn HNX. Việc kết nối, đặt lệnh, nhận kết quả, thanh toán sẽ được điều hướng từ các CTCK vào hệ thống của HNX.
Trong thời gian, Bộ Tài chính và các doanh nghiệp trong nước đang tìm cách giải quyết tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE, lựa chọn khả dĩ nhất với nhà đầu tư lúc này có lẽ vẫn là "sống chung với lũ".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận