Tranh phần miếng bánh 52 tỷ USD: Ông lớn toàn cầu đổ đến Việt Nam
Trong chiến dịch đưa vải thiều lên sàn thương mại điện tử vừa qua, chỉ trong thời gian ngắn đã có 300.000-400.000 lượt người mua, 4,6 triệu lượt truy cập tìm hiểu về sản phẩm trên sàn của Postmart và Vỏ Sò. Mỗi ngày, hai sàn này có thể chốt 36.000-37.000 đơn.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: "Từ 100.000 người vào ra sàn thương mại điện tử trong 6 năm tăng lên 6 triệu người trong vòng một tháng, tức là tăng 100 lần, trong khi công nghệ, hạ tầng đã có mà không cần nâng cấp, chi phí bỏ ra không lớn, chỉ vài tỷ đồng, đó là sự đầu tư vô cùng hiệu quả".
Những con số trên cho thấy tiềm năng của thương mại điện tử tại Việt Nam là rất lớn, một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế.
Sản lượng tiêu thụ vải trong 10 ngày lên sàn thương mại điện tử
Cú huých đại dịch
Bất chấp những tác động của đại dịch, trong khi các ngành khác chịu ảnh hưởng nặng nề, ngành thương mại điện tử năm 2020 vẫn chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2020 đã ghi nhận trên 113 triệu lượt xem và tương tác của người tiêu dùng trên các nền tảng trực tuyến của Online Friday, thị trường ghi nhận 3,7 triệu đơn hàng được giao dịch trong 60 giờ, tăng 267% so với cùng kỳ.
Covid-19 là cú huých, nhiều DN đã khai thác tốt các nền tảng trực tuyến và đẩy mạnh thương mại điện tử là một trong các giải pháp để đối phó với đại dịch. Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2021 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử giai đoạn 2016-2019 khoảng 30%.
(Nguồn: Báo cáo chỉ số thương mại điện tử)
Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4 tỷ USD năm 2015, lên khoảng 11,5 tỷ USD năm 2019. Báo cáo dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và đạt quy mô 15 tỷ USD.
VECOM cũng dẫn báo cáo thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain&Company, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD.
Trong đó lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%, riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%.
Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước tai đặt 52 tỷ USD.
Dự báo của GlobalData’s E-Commerce Analytics cho thấy, với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 18% hiện nay, dự kiến vào năm 2024 quy mô thị trường có thể đạt 26,1 tỉ USD.
Cuộc đua của ông lớn
Cuộc chơi trên thị trường thương mại điện tử, thực tế, giờ chỉ gói gọn trong bốn cái tên là Shopee, Sendo, Tiki và Lazada. Theo báo cáo của Iprice, Shopee Việt Nam đạt hơn 68,5 triệu lượt truy cập trung bình trong ba tháng cuối năm 2020. Shopee trở thành sàn có số lượng truy cập cao nhất, tăng hơn 30,6 triệu so với cùng kỳ năm ngoái.
Bám đuổi sít sao với Shopee Việt Nam là hai “ông lớn” Tiki và Lazada Việt Nam. Lượt truy cập vào website của Tiki và Lazada Việt Nam trung bình ba tháng cuối năm chênh lệch nhau khoảng 1,4 triệu, số liệu lần lượt là 22,2 và 20,8 triệu lượt trong quý IV. Trong khi đó, Sendo duy trì top 10 toàn quốc trong Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam ở vị trí thứ 6 với mức 11,2 triệu lượt truy cập.
Điểm sáng trong bản đồ thương mại điện tử Việt Nam gọi tên Thế giới di động với vị trí thứ hai từ đầu năm, trở thành doanh nghiệp nội địa có lượt truy cập trung bình cao nhất toàn quốc quý IV là 31,4 triệu lượt.
Đáng chú ý, chuỗi bán lẻ Điện máy Xanh cũng giành vị trí thứ 5 với 16,3 triệu lượt truy cập. Xu hướng tăng nhu cầu mua sắm sản phẩm điện máy, đổi điện thoại vào dịp cuối năm là thời cơ tốt để Thế giới di động bứt phá hơn trong dịp cận Tết.
Sự ra đi của nhiều tên tuổi trong lĩnh vực này như Leflair, Vuivui.vn (MWG), Lotte.vn, Adayroi.com (Vingroup), Robins.vn (Central Group) cho thấy cuộc chơi không hề dễ dàng.
Không giống với giai đoạn trước, vấn đề đốt tiền giờ đây không còn tập trung chủ yếu vào việc khuyến mãi. Thay vào đó, khi cuộc chơi đang dần được thu hẹp chỉ còn vài cái tên, những nền tảng này đang nỗ lực gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu bằng những "bản sắc" riêng, tạo ra sự khác biệt.
Lạc quan về thị trường, ông Mohit Agrawal, Giám đốc bộ phận Thấu hiểu hành vi người tiêu dùng (Nielsen Việt Nam) đánh giá, người Việt Nam đang dành nhiều thời gian hơn trên mạng và mua sắm trực tuyến. Việc này tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đẩy mạnh chiến lược truyền thông kỹ thuật số và tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ hơn trên thị trường trực tuyến.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận