Tranh chấp Vinaconex - Samoocm trở lại vạch xuất phát
Ngày 18/7/2019, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã ra quyết định hủy phán quyết trọng tài vụ án tranh chấp giữa Tổng công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và nhà thầu phụ là Công ty Samoocm Architects & Engineers (Samoocm).
Theo nội dung vụ việc, năm 2011, Vinaconex và Samoocm ký hợp đồng dịch vụ tư vấn thiết kế và quản lý thiết kế dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh giai đoạn 2. Giá trị hợp đồng là 2,4 triệu USD.
Ðến năm 2017, Samoocm đã gửi các thư yêu cầu Vinaconex thanh toán. Vinaconex nêu lý do công việc chưa hoàn thành, chưa đáp ứng yêu cầu nên không đồng ý thanh toán. Do hợp đồng phát sinh tranh chấp, Samoocm đã nộp đơn khởi kiện ra Hội đồng trọng tài đề nghị giải quyết.
Ngày 23/2/2019, Hội đồng trọng tài ban hành phán quyết, chấp thuận một phần nội dung khởi kiện của Samoocm và buộc Vinaconex phải thanh toán số tiền hơn 951.663 USD, đồng thời bác yêu cầu lãi chậm trả.
Vinaconex không đồng tình với phán quyết trên, kháng cáo đến Tòa án nhân dân TP. Hà Nội, yêu cầu hủy phán quyết trọng tài vì vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, vi phạm tố tụng trọng tài.
Ðại diện Vinaconex chứng minh, Hội đồng trọng tài đã triệu tập thêm người làm chứng nhưng không thông báo cho bị đơn và điều này “giống như một cuộc thi mà một người biết đề, người thì không và dẫn đến sự đối xử không công bằng với các bên”. Mặt khác, Vinaconex cho rằng, trọng tài đã ưu ái và chấp nhận 4 lần gia hạn đơn khởi kiện của nguyên đơn là “tùy tiện”.
“Samoocm liên tục đưa ra các tài liệu, lập luận mới. Nếu họ cung cấp tài liệu sớm hơn, chúng tôi sẽ có thời gian chuẩn bị”, đại diện của Vinaconex nhấn mạnh.
Tranh chấp liên quan đến hợp đồng dịch vụ tư vấn thiết kế và quản lý thiết kế dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh giai đoạn 2
Tại phiên tòa, Samoocm mang đến 4 thùng tài liệu liên quan đến vụ việc và đề nghị Hội đồng thẩm phán xem xét. Tuy nhiên, thẩm phán cho rằng, các tài liệu này thuộc nội dung của vụ tranh chấp nên tòa án không xem xét.
Về trình tự, thủ tục trọng tài, Hội đồng thẩm phán thấy rằng, ngày 1/6/2018, Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC) gửi cho bị đơn thông báo kèm đơn khởi kiện của Samoocm. Ngày 17/8/2018, Vinaconex gửi bản tự bảo vệ. Ngày 30/8/2018, nguyên đơn xin gia hạn nộp đơn khởi kiện sửa đổi đến ngày 8/10/2018 hoặc trước ngày 30/10/2018.
Ngày 28/11/2018, Hội đồng trọng tài triệu tập phiên họp nhưng bị đơn có đơn xin hoãn phiên họp. Ngày 3/12/2018, nguyên đơn tiếp tục gửi đơn khởi kiện sửa đổi. Ngày 25/12/2018, Hội đồng trọng tài thông báo triệu tập phiên họp.
Ngày 19/1/2019, nguyên đơn có đơn khởi kiện sửa đổi, bổ sung thêm lời khai nhân chứng. Phiên họp ngày 25/1/2019, Vinaconex không nhận được thông báo về việc Hội đồng trọng tài đã chấp nhận triệu tập thêm nhân chứng. Ðiều này ảnh hưởng đến quyền lợi của bị đơn, vi phạm Ðiều 12, Luật Trọng tài thương mại, tạo ra sự phân biệt, đối xử không công bằng với các bên.
Ngoài ra, trong phán quyết thể hiện ngày 25/1/2019 là phiên họp cuối cùng, nhưng ngày 30/1/2019, VIAC lại nhận được thông báo về việc nguyên đơn đệ trình các tài liệu liên quan đến phí, chi phí kèm các biên lai.
Theo Khoản 4, Ðiều 25, Quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC, sau khi phiên họp cuối cùng kết thúc thì Hội đồng trọng tài không có nghĩa vụ xem xét tài liệu, chứng cứ bổ sung nào, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.
Hội đồng trọng tài nhận tài liệu của nguyên đơn là vi phạm Ðiểm đ, Khoản 2, Ðiều 68, Luật Trọng tài thương mại. Do phán quyết trọng tài vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam nên tòa án đã tuyên hủy phán quyết trên.
Theo quy định, một phán quyết trọng tài bị hủy trong các trường hợp: không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu; thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật; vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị huỷ; chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài; phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Khi tòa án ra quyết định hủy phán quyết trọng tài thì đó là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành, các bên không có quyền kháng cáo, kháng nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận