Tranh cãi việc 'băm nát' quy hoạch đường Lê Văn Lương
Bộ Xây dựng chỉ ra hàng loạt vi phạm tại các dự án hai bên đường Lê Văn Lương, tuy nhiên Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho rằng phải "trao đổi làm rõ thêm".
Theo kết luận thanh tra tại khu vực hai bên đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra nhiều vi phạm dẫn tới tăng diện tích xây dựng, số tầng và dân số.
Nhiều dự án điều chỉnh quy hoạch theo hướng nâng tầng
Kết luận thanh tra nêu rõ UBND TP Hà Nội và cơ quan chuyên môn nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kỹ thuật cho từng dự án theo xu hướng chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn, có dự án tăng từ 5 thành 30 tầng. Việc điều chỉnh sai quy định dẫn đến gia tăng dân số, chỉ tiêu quy hoạch không đảm bảo quy chuẩn xây dựng, thiếu đất dành cho giáo dục, trường học, cây xanh...
Cơ quan thanh tra dẫn chứng dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An Tower trên đường Lê Văn Lương. Theo đó, UBND TP Hà Nội đã điều chỉnh quy hoạch ba lần, Sở Quy hoạch Kiến trúc một lần chấp thuận phương án tổng mặt bằng. Bốn lần điều chỉnh đã làm thay đổi từ đất cơ quan cải tạo chỉnh trang (năm 2002, 2006) thành cơ quan văn phòng cao 25 tầng (năm 2008), thành văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán (năm 2010). Việc điều chỉnh quy hoạch dự án làm tăng diện tích, mật độ xây dựng, tăng số tầng từ 5 thành 30 tầng, tăng quy mô dân số từ 500 lên trên 1.300.
Cũng trên tuyến đường Lê Văn Lương còn có nhiều dự án được điều chỉnh quy hoạch như trụ sở Công ty HUD kết hợp văn phòng cho thuê. UBND thành phố cùng Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã hai lần điều chỉnh quy hoạch, từ đất ở thành văn phòng, khách sạn, thương mại, rồi thành tòa nhà văn phòng HUD Tower, làm tăng gấp ba lần hệ số sử dụng đất, từ 16 thành 32 tầng.
Dự án khu hỗn hợp văn phòng cho thuê tại ô đất 3.10-NO do liên danh Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội và Công ty TNHH MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội làm chủ đầu tư đã điều chỉnh ba lần, nâng tầng cao từ 6,5 lên 25 tầng khối văn phòng và 27 tầng khối nhà ở. Trung tâm thương mại dịch vụ công cộng, nhà trẻ và nhà ở để bán tại ô đất 3.7-CC do Công ty Xây dựng số 2 Hà Nội làm chủ đầu tư, được điều chỉnh từ 15 tầng lên 32 tầng...
Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra nhiều chỉ tiêu hạ tầng xã hội, cây xanh của khu vực không đạt, như không bố trí trạm y tế, sân luyện tập, chợ, trường học, đất công trình giáo dục không đạt 2,7 m2/người. Diện tích đất trường mầm non thiếu hơn 12.000 m2; diện tích đất cây xanh công cộng thiếu gần 35.000 m2...
Các đơn vị Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Xây dựng, UBND các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông cung cấp thông tin chưa kịp thời và đầy đủ dẫn đến khó khăn cho công tác thanh tra, vi phạm Luật Thanh tra.
"Trục Lê Văn Lương luôn được xác định là xây dựng cao tầng"
Trong văn bản gửi Bộ Xây dựng ngày 15/7, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội xin rút kinh nghiệm một số thiếu sót được nêu ở kết luận thanh tra như: Chậm công bố quy hoạch, chấp thuận tầng hầm vượt chỉ giới xây dựng và chưa báo cáo rõ với UBND thành phố, chưa thể hiện rõ diện tích cây xanh trên bản vẽ tổng mặt bằng... Tuy nhiên, Sở cho rằng để nội dung kết luận toàn diện, khách quan, cần được xem xét, trao đổi để bổ sung làm rõ định hướng quy hoạch của khu vực, của trục đường cũng như quá trình tổ chức thực hiện của TP Hà Nội.
Ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy. Ảnh: Ngọc Thành
Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc, các văn bản về chủ trương của UBND thành phố, trả lời liên thông của Sở, chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc, điều chỉnh cơ cấu căn hộ.... được hiểu là các lần điều chỉnh là "chưa phù hợp quy định" của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị, cần trao đổi thống nhất lại.
Sở dẫn ví dụ, dự án tổ hợp Văn phòng Dịch vụ Thương mại và nhà ở Thành An Tower theo kết luận là điều chỉnh quy hoạch 4 lần. Tuy nhiên, thực tế UBND TP Hà Nội chỉ điều chỉnh quy hoạch một lần, các văn bản sau đó "là bước rà soát quy hoạch đô thị, định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan cho cả tuyến đường".
Qua các thời kỳ từ năm 2002 đến nay, trục Lê Văn Lương (trước hợp nhất) và Lê Văn Lương kéo dài (sau hợp nhất) "luôn được xác định là xây dựng trục cao tầng", văn bản của Sở Quy hoạch và Kiến trúc nêu. Để chỉnh trang các tuyến phố dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, phù hợp với định hướng mới, UBND thành phố đã báo cáo và được Bộ Xây dựng thống nhất điều chỉnh chiều cao theo hướng nâng thêm tầng các công trình tại đây. Nội dung định hướng cao tầng này đã được cập nhật và xác định rõ tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1259/2011.
Liên quan đến việc chậm cung cấp hồ sơ, tài liệu cho đoàn thanh tra, Sở Quy hoạch và Kiến trúc lý giải, do số lượng hồ sơ nhiều, thời gian giải quyết trải dài qua nhiều giai đoạn, trụ sở cơ quan và kho lưu trữ phải di chuyển nhiều trong thời gian này, đặc biệt là yêu cầu giãn cách do dịch bệnh Covid-19... nên việc cung cấp hồ sơ còn chưa đúng tiến độ theo yêu cầu của đoàn Thanh tra.
Đầu tháng 7, trả lời báo chí về kết luận thanh tra, ông Phạm Quốc Tuyến, Phó giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, cho biết kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng có khoảng 15 dự án điều chỉnh nhiều lần, nhưng Sở không đồng tình.
Về ý kiến cho rằng việc điều chỉnh tăng số tầng làm tăng dân số dẫn đến ùn tắc giao thông, ông Tuyến cho hay khi quy hoạch sẽ căn cứ theo quy định, dựa trên dữ liệu đầu vào là hướng phát triển kinh tế - xã hội, tính toán dân số để nghiên cứu đề xuất phương án quy hoạch. Với trục Lê Văn Lương, "nếu chúng ta xác định theo quy hoạch giao thông là 100% thì hiện mới xây dựng được 42%".
Trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình (màu đỏ). Ảnh: Gmap
Đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình thuộc tuyến đường chính đô thị hướng tâm Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu - Nguyễn Thanh Bình đến Vành đai 4, tổng chiều dài trục đường khoảng 11 km, mặt cắt ngang 40 m, quy mô 6 làn xe, trong đó 2 làn dành cho tuyến BRT và 4 làn hỗn hợp cho xe cơ giới và xe thô sơ. Tuyến đường đi qua các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông, thuộc các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H2-2, GS và S4 được UBND thành phố phê duyệt.
Hiện phần lớn các ô đất đã, đang đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng. Trên đoạn tuyến này có 60 dự án, trong đó 49 dự án được Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận thuộc đoạn tuyến nêu trên và khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận