24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Việt Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tranh cãi về giấy phép môi trường

Quy định về Giấy phép môi trường tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo hướng sử dụng một loại giấy phép môi trường, thay thế 7 loại giấy tờ thủ tục hành chính hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau.

Sàng lọc dự án gây ô nhiễm môi trường

Sáng nay (24/10), theo chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội XIV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Ông Phan Xuân Dũng cho biết, về chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường, Dự thảo Luật đã có quy định các hoạt động đầu tư kinh doanh về bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ như tại Điều 142 nhằm khuyến khích dự án đầu tư thuộc ngành nghề thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải; thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, kinh doanh dịch vụ, sản phẩm thân thiện môi trường.

Để chủ động kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các dự án đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội bền vững, Dự thảo Luật đã bổ sung 02 nội dung chính sách về sàng lọc dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí về môi trường; lồng ghép và thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án như tại khoản 10 và khoản 11 Điều 5.

Để thực hiện các biện pháp ứng phó với tình trạng ô nhiễm tại các đô thị lớn, Dự thảo Luật đã có quy định nhằm bảo đảm tính đồng bộ, liên kết giữa kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt, chất lượng môi trường không khí với quy hoạch bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, Dự thảo đã quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; đánh giá, theo dõi chất lượng môi trường không khí và công khai thông tin; cảnh báo cho cộng đồng và triển khai các biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm; tổ chức thực hiện biện pháp khi chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng như tại các Điều 9, 13 và 14.

Báo cáo trước Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng cũng cho biết, Dự thảo cũng xác định lộ trình di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch. Cụ thể, Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết nguyên tắc, tiêu chí xác định vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải phù hợp với mục tiêu quản lý chất lượng môi trường; định hướng đầu tư phát triển trong các vùng này; quy định lộ trình di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh không phù hợp với mục tiêu quản lý chất lượng môi trường tại Điều 25 để bảo đảm sự linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương và yêu cầu bảo vệ môi trường trong từng thời kỳ phát triển.

Tranh cãi về giấy phép môi trường
Nhiều dự án gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Hai phương án về giấy phép môi trường

Tại dự thảo Luật xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội ở Kỳ họp thứ 10, Ban soạn thảo đã trình 2 phương án về giấy phép môi trường.

Phương án 1, chỉ dùng 01 loại giấy phép môi trường trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định của Luật BVMT năm 2014, Luật Thủy lợi và Luật Tài nguyên nước.

Về việc dùng một loại giấy phép, trong đó có cả Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, được Chính phủ báo cáo, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đều có nội dung cơ bản giống nhau cho 01 đối tượng xả nước thải. Do đó, theo giấy phép mới sẽ giải quyết được tình trạng một đối tượng là nước thải xả thải ra môi trường phải chịu sự quản lý của hai loại giấy tờ thủ tục hành chính do các cơ quan về quản lý khác nhau thực hiện; bảo đảm nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; giảm đầu mối trong quản lý.

Tuy nhiên, theo Chính phủ thực hiện phương án 1 phải sửa đổi, bổ sung 02 khoản của Điều 44 (điểm d khoản 1 và khoản 2 Điều 44) và bãi bỏ Điều 58 của Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14 như tại Điều 173; đồng thời có quy định chuyển tiếp về giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi như tại Điều 174 của Dự thảo Luật và phải phân định rõ trách nhiệm của cơ quan cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (thuộc ngành tài nguyên và môi trường) và cơ quan quản lý vận hành và chịu trách nhiệm về chất lượng nước của công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt (thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Phương án 2, vẫn có giấy phép "xả nước thải vào công trình thủy lợi" theo quy định của Luật Thủy lợi được Quốc hội thông qua năm 2017 và đang được triển khai thực hiện một cách thuận lợi. Theo phương án 2 thì việc có Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi sẽ phân định rõ trách nhiệm của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo chất lượng nguồn nước thủy lợi.

Cơ quan quản lý nhà nước về công trình thủy lợi sẽ bảo đảm việc kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi, bảo vệ chất lượng nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Theo phương án này, một số ý kiến cho rằng nếu theo phương án 1 thì phải sửa tới 13 điều của Luật Thủy lợi và có làm quản lý thủy lợi tốt hơn không thì vẫn là vấn đề ở phía trước.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đa số các đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị quy định theo phương án 1.

Phương án này sẽ giải quyết được phần lớn các vướng mắc, bất cập trong thực tế thời gian qua, đáp ứng được yêu cầu của cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm các đầu mối quản lý trong lĩnh vực môi trường.

Nhưng thực hiện phương án này sẽ phải rà soát, quy định chuyển tiếp về giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi.

Một số đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị thực hiện theo phương án 2 với lập luận cho rằng, việc có giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi là cần thiết để phân định rõ trách nhiệm của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc đảm bảo chất lượng nguồn nước phục vụ cho tưới tiêu trong nông nghiệp theo quy định của Luật Thủy lợi.

Cũng có ý kiến đề nghị chọn giữa phương án 1 và 2. Theo đó, chỉ tích hợp 7 loại giấy phép môi trường đối với các công trình thủy lợi có tính chất mở, liên thông, còn các công trình thủy lợi được xây dựng khép kín thì thực hiện theo quy định của Luật Thủy lợi.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả