Tranh cãi 10 năm tiền thanh toán tòa nhà HD Building
Chủ đầu tư tòa nhà HD Building miệt mài đòi lại khoản tiền thanh toán cho nhà thầu trong gần 10 năm do cơ quan tố tụng có quan điểm khác nhau về khoản tiền này.
Đơn phương chấm dứt hợp đồng
CTCP Hiền Đức là chủ đầu tư Trung tâm thương mại - Khách sạn 4 sao (nay là tòa nhà HD Building tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Năm 2008, Công ty Hiền Đức ký hợp đồng tư vấn thiết kế dự án với Công ty TNHH Thiết kế và xây dựng Pacific Links. Tổng giá trị hợp đồng là 1,7 triệu USD.
Hợp đồng chia làm các giai đoạn gồm thiết kế xây dựng - thiết kế nội thất/cảnh quan và giám sát tác giả. Phí thiết kế xây dựng là 1,25 triệu USD, gồm phí thiết kế (A) 1,19 triệu USD và phí giám sát tác giả (AA) 62.728 USD, được thanh toán trong 12 lần. Các bên cũng thỏa thuận, nếu chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng thì phải bồi thường 1% giá trị hợp đồng.
Thực hiện hợp đồng trên, Pacific Links đã nộp chứng thư bảo lãnh ngân hàng, mua bảo hiểm cho chủ đầu tư, hồ sơ thiết kế kiến trúc tổng thể mặt bằng. Công ty hỗ trợ chủ đầu tư lập hồ sơ xin Sở Quy hoạch kiến trúc phê duyệt.
Mâu thuẫn phát sinh khi Công ty Hiền Đức thay đổi quy mô dự án. Ngày 3/9/2008, Công ty Hiền Đức đã thông báo cho Công ty Pacific tạm ngừng in bản vẽ và yêu cầu báo giá mới.
Quá trình thương lượng, các bên không thỏa thuận về thiết kế mới nên ngày 1/12/2008, Công ty Hiền Đức đề nghị thanh lý hợp đồng. Đầu năm 2009, chủ đầu tư tuyên bố đơn phương chấm dứt hợp đồng, nhưng hai bên không thống nhất về giá trịthanh toán.
Năm 2010, chủ đầu tư khởi kiện ra tòa, yêu cầu Pacific Links phải hoàn trả số tiền 278.841,8 USD do thanh toán thừa. Công ty chỉ chấp nhận thanh toán khoản tiền phạt hợp đồng tổng cộng là 117.909,5 USD.
Tranh cãi tiền tạm ứng hay thanh toán
Theo hồ sơ vụ việc, Công ty Hiền Đức đã 2 lần tạm ứng cho Pacific Links số tiền là 6,3 tỷ đồng (tương đương 30% giá trị hợp đồng theo giai đoạn 1, 2 của hợp đồng).
Pacific Links cho rằng, đây là tiền thanh toán không hoàn lại vì không có điều khoản hợp đồng đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp vấn đề tạm ứng và cơ chế thu hồi tạm ứng.
Pacific còn phản tố, yêu cầu chủ đầu tư phải thanh toán đợt 3 (10% giá trị thiết kế xây dựng) số tiền 125.455 USD và khoản tiền phạt hợp đồng là 17.545 USD, tổng cộng là 143.000 USD.
Vụ án đã được đưa ra xét xử gần 10 năm nay. Các quyết định năm 2010 và 2011, tòa án đều tuyên buộc Pacific Links phải hoàn trả số tiền 5,6 tỷ đồng cho chủ đầu tư (sau khi trừ đi khối lượng công việc đã làm - PV). Tòa án không chấp nhận yêu cầu phản tố của Pacific Links.
Năm 2015, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có quyết định Giám đốc thẩm, hủy bản án trên.
Tòa tối cao nhận định, hợp đồng chỉ quy định về tiến trình, tiến độ thanh toán ứng với mỗi giai đoạn, không phải quy định về giá trị khối lượng công việc tại mỗi lần thanh toán.
Năm 2019, Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm mở lại phiên tòa sơ thẩm (lần 2), quyết định không chấp nhận yêu cầu của Công ty Hiền Đức.
Trái lại, Công ty Hiền Đức còn phải thanh toán cho nhà thầu tiền thanh toán lần 3, phạt hợp đồng và lãi chậm trả, tổng cộng là 4 tỷ đồng. Không đồng tình, Công ty Hiền Đức kháng cáo bản án trên.
Mới đây, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm (lần 2) cũng xác định, hợp đồng quy định “các bên sẽ thỏa thuận về việc thanh toán cho tư vấn… trên cơ sở các phần dịch vụ đã thực hiện đạt yêu cầu và được chủ đầu tư chấp thuận trước ngày chấm dứt hợp đồng có hiệu lực”.
Mặt khác các hóa đơn do nhà thầu phát hành đều ghi là “phí thiết kế”, không phải là tiền tạm ứng.
Như vậy, tòa án xác định đây là tiền thanh toán nên Công ty Hiền Đức không được đòi lại. Ngoài ra, từ 31/7/2008 - 3/9/2018, nhà thầu thực hiện phần công việc của giai đoạn 3 được 62 ngày. Do nhận được hồ sơ thiết kế, nên chủ đầu tư đã có công văn số 99 yêu cầu dừng in tiếp bản vẽ.
Tòa án nhận định: “Mặc dù sản phẩm này không được sử dụng do thay đổi quy hoạch tổng thể, nhưng chủ đầu tư phải thanh toán là đúng và tòa sơ thẩm buộc Công ty Hiền Đức phải trả 1/2 giá trị 10% đợt 3 là có lý, có tình”. Từ đó, tòa án không chấp nhận yêu cầu kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Theo TS. Đặng Xuân Hợp, tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu thường liên quan đến gia hạn tiến độ và chi phí phát sinh, hạng mục công việc bổ sung, tiền phạt chậm tiến độ. Do đó, các bên nên xác định trách nhiệm rõ ràng, tuân thủ đúng quy trình, hợp đồng, kịp thời thông báo khiếu nại, chi phí và tuân thủ quy trình tham vấn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận