Trái phiếu doanh nghiệp: Tránh rủi ro từ đâu?
Nhiều doanh nghiệp (DN) và ngân hàng đã huy động được lượng vốn lớn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Trong khi đó, các nhà đầu tư trái phiếu có thể gánh chịu rủi ro từ những đợt phát hành trái phiếu với lãi suất cao bất thường và thông tin về DN chưa đảm bảo tin cậy.
Tăng trưởng vượt kỳ vọng
Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng mức phát hành TPDN là 116.085 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, ngân hàng thương mại phát hành 36.700 tỷ đồng (chiếm 36%), DN bất động sản là 22.122 tỷ đồng (19%). Lãi suất TPDN bình quân là 9,5% - 11%/năm. Quy mô thị trường TPDN tới hết tháng 6/2019 có mức vốn hóa bằng 10,22% GDP, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2018, vượt mục tiêu đặt ra là 7% GDP vào năm 2020.
Ông Phạm Phú Khôi, Trưởng ban Đào tạo và Sự kiện thuộc Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) nhận xét: “Những năm gần đây, nhiều DN, trong đó có các ngân hàng, tìm cách huy động vốn từ việc phát hành trái phiếu khi các kênh huy động khác gặp khó khăn và phải đáp ứng các quy định khắt khe hơn về tài sản và các tỷ lệ tài chính khác. Các nhà phát hành đã từng thành công trong những đợt phát hành trước thì dễ dàng huy động được vốn ở những đợt sau nên khối lượng ngày càng cao. Từ phía các nhà đầu tư, trái phiếu cũng là kênh đầu tư có khả năng sinh lợi cao hơn”.
Dù khá thành công trên thị trường trái phiếu trong nước, nhưng rất ít DN Việt Nam huy động được nguồn vốn này từ thị trường nước ngoài. Theo ông Khôi, nhiều DN Việt Nam không thể chạm đến được thị trường trái phiếu quốc tế. Bởi lẽ, chi phí phát hành trên thị trường quốc tế khá lớn, yêu cầu cao hơn, chẳng hạn đòi hỏi phải có định mức tín nhiệm, trong khi phần lớn DN Việt Nam đều chưa xếp hạng tín nhiệm.
Kiểm soát từ chất lượng thông tin
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của thị trường TPDN, đã có những cảnh báo về rủi ro của kênh huy động vốn này. Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản gửi đến các ngân hàng thương mại trong nước yêu cầu kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư TPDN. Cơ quan này cho biết, đã có một số ngân hàng đầu tư trái phiếu với mục đích khác ở mức cao và biến động lớn, khó kiểm soát, trong đó có mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành trong năm 2019.
Số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng cho biết, một số đợt phát hành TPDN có lãi suất cao từ 13 - 14%, cá biệt có DN bất động sản phát hành với lãi suất 14 - 15%, cao hơn lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác.
Trong cuộc họp mới đây với Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ: “Các tổ chức phát hành TPDN hầu như chưa được xếp hạng tín nhiệm nên tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân không đủ thông tin phân tích rủi ro. 70% DN phát hành trái phiếu sử dụng tài sản và tài sản hình thành từ nguồn hình thành trái phiếu nhưng chưa được định giá bởi tổ chức định giá độc lập và khó xác minh các tranh chấp pháp lý. Vốn huy động có thể sử dụng chưa đúng mục đích do chưa có báo cáo sử dụng vốn có ý kiến của kiểm toán theo quy định của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP. 98% các đợt phát hành là riêng lẻ. Nếu không kiểm soát tốt việc phát hành TPDN sẽ có rủi ro, ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và cân đối vĩ mô”.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Chứng khoán. Đối với việc phát hành TPDN ra công chúng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính sửa đổi các quy định và yêu cầu bắt buộc gắn phát hành ra công chúng với xếp hạng tín nhiệm.
Liên quan đến việc xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức phát hành, ông Phạm Phú Khôi nhận xét: “Việc thành lập công ty định mức tín nhiệm là rất quan trọng cho thị trường trái phiếu Việt Nam hoạt động và phát triển một cách bền vững. Việt Nam đã có hành lang pháp lý cho điều này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có 1 DN được cấp phép nhưng DN này chưa đi vào hoạt động chính thức”.
Cũng theo ông Khôi, việc ra đời các công ty định mức tín nhiệm ở Việt Nam là không dễ dàng và chưa thể kỳ vọng các công ty đó đạt mức độ khách quan như các hãng định mức tín nhiệm lớn trên thế giới.
Còn theo ý kiến của luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, điều quan trọng nhất hiện nay là tăng cường chất lượng thông tin của các tổ chức phát hành, yêu cầu họ phải đáp ứng các chuẩn mực kiểm toán nhất định và có chế tài nặng với các DN phát hành có hành vi gian dối. “Đây là yếu tố cần thiết nhất để phòng tránh rủi ro cho nhà đầu tư, đồng thời góp phần xây dựng thị trường TPDN phát triển lành mạnh”, ông Đức nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận