24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quyền Nguyễn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Trái phiếu doanh nghiệp: Quả ngọt hay trái đắng?

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động kinh doanh khó khăn, tiếp cận tín dụng hạn chế… là những nguyên nhân khiến trái phiếu DN (TPDN) trở thành “cây đũa thần” để nhiều DN huy động vốn. Tuy nhiên, một khối lượng lớn trái phiếu không tài sản đảm bảo hay đảm bảo bằng cổ phiếu… của những DN “thiếu niên”, “nhi đồng” với bức tranh tài chính không mấy khả quan đang đặt nhà đầu tư trước rất nhiều rủi ro.

Mật ngọt chết ruồi?

Thời gian qua, thị trường TPDN vẫn tiếp đà sôi động khi hàng loạt DN lớn nhỏ ồ ạt ra hàng. Đáng chú ý, hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Bởi vậy, dù mức lãi suất hấp dẫn nhưng việc nắm các loại trái phiếu này như nắm Điều này đặt nhà đầu tư sở hữu TPDN trước rất nhiều rủi ro.

Mới đây, HĐQT Công ty CP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) vừa phê duyệt phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp đợt 1 năm 2021 theo hình thức phát hành riêng lẻ. Khối lượng phát hành dự kiến 700 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ ngày 6/9 - 16/9. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm. Tài sản đảm bảo là cổ phần công ty, tối thiểu tương đương 160% tổng khoản gốc trái phiếu phát hành. Số tiền thu được từ đợt phát hành nhằm thực hiện các dự án đầu tư và tăng quy mô vốn hoạt động. Lãi suất danh nghĩa 11,5% mỗi năm; kỳ trả lãi 3 tháng/lần. Trái phiếu có thể được mua lại sau 1 năm kể từ ngày phát hành.

Sở hữu chuỗi nhà hàng với những thương hiệu khá nổi tiếng như GoGi, Kichi - Kichi, iSushi, Vuvuzela, Ashima…, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành lớn buộc phải kéo dài thời gian giãn cách, hiện thực và tương lai của Golden Gate chắc chắn không phải là một bức tranh tươi sáng.

Trước đó, năm 2020, ảnh hưởng của Covid-19 đã khiến Golden đã đứt mạch tăng trưởng doanh thu sau nhiều năm, ghi nhận 4.559 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm còn 65 tỷ đồng, so với 321 tỷ đồng năm 2019. Các hệ số thanh toán nợ hiện hành và thanh toán lãi vay của công ty giảm mạnh. Hệ số nợ trên vốn chủ xấp xỉ 1. Biên lợi nhuận ròng cũng từ 6,7% xuống còn 1,4%. Và câu chuyện mở chuỗi cửa hàng trải rộng trên khắp 40 tỉnh thành cũng là bài toán khó, ngốn tiền khủng của DN này.

Theo báo cáo của Công ty CP Chứng khoán SSI, việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi sự kiện vi phạm xảy ra, DN mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo (thường là của tổ chức phát hành hoặc liên quan đến tổ chức phát hành) cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Trái phiếu doanh nghiệp: Quả ngọt hay trái đắng?
​Liên tục mở mới các phòng giao dịch nhưng bức tranh tài chính của F88 cũng không mấy khả quan khi năm 2020, DN này chỉ hoàn thành 12% kế hoạch lợi nhuận cả năm

TPDN cũng là “cây đũa thần” mà chuỗi cầm đồ F88 sử dụng liên tục phát hành để huy động vốn thời gian qua. Cụ thể, công ty quản lý hệ thống cầm đồ F88 phát hành 100 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 12 tháng có lãi suất 11,5%/năm và 300 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 18 tháng có lãi suất 12%/năm. Cuối tháng 6, F88 phát hành thành công 100 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 18 tháng với lãi suất danh nghĩa cố định 12,5%/năm, trái phiếu được trả lãi sau, định kỳ 3 tháng một lần. Mục đích vốn huy động phát hành trái phiếu sử dụng cho hoạt động kinh doanh, cho vay cầm cố và mở rộng hệ thống cửa hàng, sử dụng chi trả lương, thưởng cho cán bộ nhân viên.

Các loại trái phiếu đều không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.

Ngoài phát triển theo bề rộng với chuỗi cửa hàng trải dài trên nhiều tỉnh thành và ngốn tiền khủng thì kết quả kinh doanh của F88 cũng không mấy khả quan. Năm 2020, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của F88 tăng lên 2,31 lần từ mức 1,41 lần năm 2019, chủ yếu do tăng dư nợ trái phiếu. Năm 2020, DN này báo lãi sau thuế chỉ đạt 44,8 tỷ đồng, hoàn thành được 12% kế hoạch cả năm.

Có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia

Theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, TPDN đã trở thành một kênh huy động vốn lớn và quan trọng trên thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực đối với các DN, việc phát hành TPDN riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường TPDN, đầu tháng 9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký công văn số 10059/BTC-VP gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước; Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam yêu cầu, các cơ quan nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát thị trường TPDN. Trong đó, tập trung xây dựng các biện pháp thanh tra, giám sát, thắt chặt việc phát hành TPDN riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo và uy tín của doanh nghiệp phát hành thấp nhằm hướng tới thị trường minh bạch, an toàn và hạn chế rủi ro.

UBCKNN chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng… tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về TPDN riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các DN nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất; Tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các DN có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành TPDN. Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.

Thị trường TPDN dự báo tiếp tục sôi động trong quý 3/2021 từ cả phía cung và phía cầu do việc tiếp cận vốn tín dụng vẫn hạn chế và mức lãi suất hấp dẫn của TPDN vẫn được duy trì. “Tuy vậy, rủi ro thị trường sẽ gia tăng vì hầu hết các doanh nghiệp đều tổn thương do dịch bệnh dai dẳng, nhà đầu tư cần thận trọng hơn”- báo cáo của SSI cảnh báo.

Cũng theo các chuyên gia SSI, rủi ro TPDN đang tăng lên. Môi trường lãi suất thấp giúp dòng tiền đầu tư cũng tìm đến kênh bất động sản nhiều hơn và các DN bất động sản tăng mạnh huy động vốn trái phiếu để triển khai các dự án, là nhóm phát hành nhiều nhất từ 2019 đến nay.

Tuy nhiên, dịch bệnh dai dẳng đang khiến cho môi trường kinh doanh của nhóm này bớt thuận lợi. Cụ thể, thanh khoản của thị trường bất động sản có xu hướng giảm cho thấy sức hấp thụ đang suy yếu dần; các hoạt động triển khai dự án, sự kiện mở bán bị gián đoạn do dịch bệnh; hoạt động đầu tư công các dự án cơ sở hạ tầng đang chậm hơn dự kiến. Các yếu tố này làm tăng chi phí vốn do ứ đọng, ảnh hưởng đến kế hoạch dòng tiền trả nợ gốc lãi trái phiếu của DN.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả