Trái phiếu doanh nghiệp: Minh bạch thông tin là “nút thắt” niềm tin quan trọng
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa FiinRatings: Minh bạch thông tin về các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp là yếu tố then chốt để khôi phục niềm tin và từng bước khai thông kênh dẫn vốn quan trọng này.
Minh bạch thông tin – Gỡ “nút thắt” niềm tin trái phiếu
Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trải qua nhiều cú sốc, việc thanh khoản dòng tiền trả nợ trái phiếu của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, niềm tin nhà đầu tư dần sụt giảm.
Vì thế, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn trước mắt, giúp xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng minh bạch, an toàn và trở thành kênh huy động vốn trung hạn, dài hạn quan trọng của nền kinh tế. Theo đó, nghị định số 08 ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Theo giới chuyên gia, về bản chất, những quy định tại Nghị định 08 cũng đã được các doanh nghiệp phát hành triển khai từ lâu, khi khó khăn doanh nghiệp phải chủ động đàm phán với trái chủ. Tuy nhiên, Nghị định 08 cũng được hưởng ứng vì có hành lang pháp lý chính thức để doanh nghiệp phát hành thỏa thuận với nhà đầu tư.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ lo ngại khi chưa giải quyết được mấu chốt của các vấn đề thị trường trái phiếu: đó là xây dựng lại niềm tin của nhà đầu tư.
Và chắc chắn rằng, một trong những yếu tố then chốt để có thể nhận được niềm tin là việc minh bạch thông tin về các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Minh bạch thông tin không chỉ ở giai đoạn phát hành mà cả trong hoạt động phân phối và lưu hành trái phiếu sau đó, cũng như thông tin về hiệu quả kinh doanh, năng lực tài chính, khả năng tạo ra dòng tiền bền vững… sẽ là những thông tin giúp nhà đầu tư có đủ cơ sở để đánh giá năng lực trả nợ của tổ chức phát hành.
Kinh doanh hiệu quả - Điểm “Chốt hạ” của Nhà đầu tư
Khảo sát của FiinRatings qua các nền tảng giao dịch trái phiếu cũng cho thấy trái phiếu của doanh nghiệp niêm yết, có chất lượng tín dụng tốt có giao dịch khá sôi động, thu hút được dòng tiền của nhà đầu tư.
Các doanh nghiệp chất lượng kinh doanh hiệu quả, chủ động minh bạch hồ sơ tín dụng trên thị trường thường được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Tiêu biểu có thể kể đến Masan (MSN) trong lĩnh vực thực phẩm - tiêu dùng - bán lẻ, Thế giới di động (MWG) hay Digiworld (DGW) bán lẻ thiết bị điện tử, điện lạnh; FPT bán lẻ điện tử, thuốc; … Có thể thấy, trái phiếu của các nhà phát hành là doanh nghiệp niêm yết, thuộc nhóm ngành tiêu dùng - bán lẻ luôn nhận được sự chú ý, ưu tiên lựa chọn là kênh đầu tư lâu dài của các nhà đầu tư.
Bên cạnh việc Masan phát hành ra công chúng và đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán, những hoạt động đầu tư của doanh nghiệp này luôn được chú ý và đánh giá cao trên thị trường. Vừa qua, Masan công bố hoàn tất chuỗi sự kiện giới thiệu cơ hội đầu tư vào gói tín dụng hợp vốn lên đến 650 triệu USD (Khoản vay hợp vốn năm 2023), tương đương hơn 15,000 tỷ đồng. Gói tín dụng được bảo lãnh phát hành, thu hút sự tham gia của Các bên cho vay chính và Quản lý sổ đăng ký đầu tư (MLABs) bao gồm Ngân hàng BNP Paribas, Credit Suisse, HSBC, Standard Chartered và Ngân hàng United Overseas.
Cùng với khoản vay hợp vốn được đăng ký vượt mức trị giá 600 triệu USD vào Quý 4 năm 2022, Masan có khả năng huy động gói tín dụng xấp xỉ 1.25 tỷ USD chỉ trong 6 tháng qua. Các giao dịch đã khẳng định sự tin tưởng của các tổ chức tài chính vào nền tảng kinh doanh vững chắc và hồ sơ tín dụng của Masan.
Nguồn vốn mạnh và lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh được công ty sử dụng hiệu quả, tái đầu tư để mở rộng hệ thống, nghiên cứu phát triển sản phẩm cũng như đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực mang lại tăng trưởng. Năm 2022, The CrownX (công ty hợp nhất mảng tiêu dùng – bán lẻ của Masan) đạt doanh thu 56.221 tỷ đồng vào năm 2022, tăng 5.2% so với năm 2021 (so sánh trên cơ sở chuẩn hóa, loại bỏ tác động của dịch COVID-19). Trong bối cảnh nhiều chuỗi bán lẻ thu hẹp hoạt động, chuỗi WinMart+ của Masan đã đầu tư mở mới 730 siêu thị mini trong năm 2022. Việc mở rộng điểm bán hàng loạt cho thấy Masan đã xây dựng thành công mô hình bán lẻ có lợi nhuận, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng năm 2023.
Theo dự báo sơ bộ, trong năm tài chính 2023, doanh thu thuần hợp nhất của Masan ước tính sẽ từ 90,000 tỷ đồng-100,000 tỷ đồng, tăng trưởng 18%-31% so với mức 76,189 tỷ đồng trong năm 2022.
Có thể thấy, khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cùng với hoạt động kinh doanh hiệu quả, hồ sơ tín dụng mạnh, chủ động minh bạch thông tin trên thị trường sẽ luôn là những yếu tố tiên quyết giúp doanh nghiệp thu hút dòng tiền hiệu quả.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận