Trái cây chịu nghịch cảnh sau tết
Đến nay, gần 80% tiểu thương tại các chợ đã khởi động kinh doanh trở lại sau tết Nguyên đán. Trong nhóm thực phẩm tươi sống, mặt hàng rau xanh, trái cây hiện được tiêu thụ nhiều nhất, nhưng sau tết nguồn cung giảm (nhà vườn đã tập trung thu hoạch trước tế
Theo ông Nguyễn Nhu, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, lượng rau quả trái cây về chợ trong tuần này vẫn chưa vượt quá 70% so với ngày bình thường trong năm (khoảng 2.000 – 3.000 tấn rau, quả/ngày), do nhiều tiểu thương còn nghỉ bán đến qua ngày Rằm tháng Giêng. Tuy nhiên, với số lượng hàng này cùng với 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền (trung bình 1.800 tấn đến 2.000 tấn/ngày) thì lượng rau quả tươi sống cung cấp cho thị trường thành phố không thiếu. Giá bán sỉ rau quả từ đầu tuần đã bắt đầu ổn định trở lại, những loại rau tăng giá cao trong tết như khổ qua (lên đến 50.000 đồng/kg) cũng đã giảm giá còn 25.000 đồng/kg. Riêng mặt hàng trái cây vẫn giữ mức giá bán cao như trong tết, do sau tết nhà vườn chưa thu hoạch đợt mới. Thậm chí trước ngày rằm tháng Giêng này, giá trái cây còn cao hơn ngày bình thường đến 50%.
Ghi nhận tại một số chợ như Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), Tân Định, Tôn Thất Đạm (quận 1)…, một số loại trái cây như cam Canh có giá 70.000 đồng/kg, bưởi da xanh 75.000 đồng/kg, xoài Cát Chu 55.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc 120.000 đồng/kg, quýt đường 100.000 đồng/kg…. Mặt hàng thanh long, dù đang trong mùa dịch bệnh, không xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc, tại nhà vườn rớt giá chỉ còn 7.000 đồng đồng/kg, nhưng tại TP. Hồ Chí Minh, giá bán thấp nhất cũng là 35.000 đồng/kg, riêng thanh long loại 1 (3 trái/2 kg) giá đến 65.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Thu Hoa, tiểu thương chợ Hoàng Hoa Thám cho biết, phải đến hết tháng Giêng âm lịch thì giá bán trái cây (chợ lẻ) mới có thể ổn định lại mức bình thường. Không biết giá bán từ nhà vườn ra sao, riêng tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, trước, trong và sau tết luôn là thời điểm trái cây có giá bán rất cao, người bán lẻ cũng chịu sức ép lớn, bởi giá cao sẽ khó bán được hàng. Điểm khác biệt của thị trường sau tết tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay so với các năm trước là sự phong phú của trái cây ngoại nhập. Theo ông Nguyễn Nhu, lượng rau quả về chợ Thủ Đức hiện có đến 75% - 80% là hàng Việt Nam, còn lại là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Thái Lan… Tuy thế, giá bán giữa trái cây ngoại và nội hiện tương đương nhau.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đã khiến một số loại trái của Việt Nam (như thanh long, xoài cát chu, nhãn, dưa hấu…) đang vào mùa thu hoạch, bị tồn đọng, không xuất khẩu được khiến giá bán giảm thấp (chỉ còn 3.000 đồng/kg thanh long, hay 6.000 đồng/kg nhãn…). Thậm chí, tại địa phương trồng nhiều thanh long nhất nước là Bình Thuận hiện còn tồn đến trên 100 nghìn tấn thanh long đã thu hoạch. Giá bán thanh long tại vườn chỉ còn 3.000 đồng/kg, hiện doanh nghiệp thu mua trữ lạnh đang tìm hướng tiêu thụ nội địa.
Tuy nhiên, kế hoạch tiêu thụ nội địa ít khả thi bởi thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa doanh nghiệp thu mua, nhà phân phối và người bán lẻ. Điều này dẫn đến việc mạnh ai nấy bán, giá cả chất lượng không thống nhất, hàng đến tay người tiêu dùng hoặc là giá bán quá cao, hoặc chất lượng quá thấp, không tăng được số lượng tiêu thụ.
Theo dự báo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, phải trên 3 tháng nữa tình hình xuất khẩu trái cây mới có thể khôi phục. Chính vì thế, khả năng xuất khẩu rau quả cả năm 2020 này sẽ khó đạt kết quả tốt như năm trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận