menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đinh Thị Ngân

Trách nhiệm hay PR?

Mới đây, Công ty chứng khoán FPT (FPTS) đã ra tuyên bố hủy bỏ khuyến nghị trong những báo cáo phân tích được phát hành trong giai đoạn 20/4/2020 đến 27/7/2020 với lý do liên quan đến diễn biến của dịch Covid-19 tại Việt Nam.

FPTS đã dự phóng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trên cơ sở Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh và không xuất hiện những ca lây nhiễm mới kể từ 17/4/2020 đến 25/7/2020, vì vậy khi những ca bệnh mới xuất hiện công ty chứng khoán này cho rằng cơ sở đưa ra dự phóng đã bị phá bỏ.

Vô tiền khoáng hậu?!

Có thể nói động thái của FPTS là “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam. Thẳng thắn mà nói, việc công ty chứng khoán có dự báo không đúng cũng là chuyện rất đỗi bình thường, khi FPTS hủy khuyến nghị đã đặt ra những câu hỏi, ý kiến trái chiều.

Thoạt nhìn, có vẻ như động thái của FPTS là phù hợp, có trách nhiệm với bạn đọc báo cáo nói chung và khách hàng của mình nói riêng. Nhưng cũng nên biết rằng, bất cứ nhà đầu tư hay ai đó đọc báo cáo của công ty chứng khoán cũng đều hiểu và chấp nhận đây là một kênh tham khảo thông tin.

Lịch sử cũng chỉ ra rằng chưa có nhà đầu tư nào “bắt vạ” công ty chứng khoán vì dự báo sai và chính các công ty chứng khoán cũng thường nhấn mạnh, báo cáo của mình chỉ mang tính chất tham khảo, còn chuyện quyết định đầu tư sẽ phụ thuộc vào mỗi “độc giả” của mình.

Những năm gần đây, đã xuất hiện những tổng kết hoặc thống kê về dự báo của công ty chứng khoán vào cuối năm hoặc đầu năm. Chẳng hạn như tại một hội nghị của các chuyên gia phân tích, thường có thống kê về cổ phiếu nào được nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị mua vào, rồi chính một số công ty chứng khoán cũng tự thống kê về những dự báo của mình. Những động thái này là động lực để các công ty chứng khoán tăng cường năng lực nghiệp vụ dự báo, phân tích của mình sát với thực tế hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa với việc công ty chứng khoán phải chịu, hoặc tự tạo ra áp lực “phải dự báo đúng” cho mình.

Nhanh nhẩu đoảng?

Thông thường, khi chạy mô hình dự phóng, những chuyên gia phân tích cần căn cứ trên nhiều biến số để đưa ra kết quả cuối cùng và điều này cũng thường được công khai. Vì vậy, một nhà đầu tư có thâm niên đã đặt câu hỏi rằng việc FPTS hủy luôn khuyến nghị có phù hợp hay không? Đặt trong trường hợp, nếu giả định thay đổi, FPTS có thể thay đổi luôn các khuyến nghị của mình thì nhà đầu tư hay khách hàng cũng chấp nhận. Cũng nên biết rằng, những rủi ro như dịch bệnh được xem như trường hợp bất khả kháng, rất khó để dự báo. Trong khi đó, việc các công ty chứng khoán thay đổi khuyến nghị từ mua, thành giữ hay thậm chí bán cũng là rất bình thường vì mỗi giai đoạn thị trường hoặc DN sẽ có những biến động khác nhau. Vì vậy thoạt nhìn việc hủy khuyến nghị có vẻ “trách nhiệm”, nhưng nếu ở góc nhìn khác, phải chăng FPTS không muốn, hoặc “lười” điều chỉnh giả định cho sát với thực tế? Nên việc hủy khuyến nghị là cách làm “gọn” nhất?

Thậm chí có những ý kiến gay gắt hơn khi cho rằng đây là một chiêu trò PR của FPTS trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động và mức độ cạnh tranh ngày một gay gắt hơn. Nhưng thử đặt giả thiết đây là chiêu PR thì hiệu quả sẽ là đến đâu? Như đã nói ở trên, động thái của FPTS là vô tiền khoáng hậu, lạ, nhưng để tạo dấu ấn thì rất khó. Vốn dĩ đội ngũ nghiên cứu, phân tích của FPTS từ trước đến nay cũng không được xem là nổi trội trên thị trường như HSC, SSI, BSC…

Chẳng hạn, nói đến báo cáo phân tích của HSC, nhiều người dù thích hay không đều công nhận về những nhận định sắc sảo, chi tiết. Hay báo cáo của BSC nửa thập kỷ qua luôn có những cách thức dự báo rất sát với diễn biến, xu hướng của thị trường. Báo cáo của FPTS cũng có những điểm mạnh, ấn tượng nhất định trong một số thời điểm nhưng rõ ràng không thể nằm trong nhóm nổi trội của thị trường. Liệu vị “hủy khuyến nghị” có khả năng kéo được nhà đầu tư quan tâm tới báo cáo của FPTS thêm hay không? Khả năng này e rằng rất khó. Đó là còn chưa kể, việc dự báo diễn biến của dịch bệnh và lượng hóa những tác động vốn phải cân nhắc kỹ lưỡng, thì động thái của FPTS liệu có quá vội vã hay không?

Thậm chí nói như một chuyên gia, lỡ như những khuyến nghị thời gian qua của FPTS, để sau một thời gian nữa vẫn… đúng thì liệu đến khi đó công ty chứng khoán này có tiếc vì mình đã hủy khuyến nghị?

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả