TPS lần đầu báo lỗ kể từ khi lên sàn chứng khoán
Chứng khoán Tiên Phong báo lỗ sau thuế quý II gần 129 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 53,7 tỷ đồng.
CTCP Chứng khoán Tiền Phong (TPS - HoSE:ORS) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với tổng doanh thu hoạt động tăng 131,6% so với cùng kỳ, đạt mức 661,7 tỷ đồng. Lãi các tài sản tài chính (FVTPL) đạt 279,4 tỷ đồng, tăng 265,1%. Doanh thu từ lưu ký chứng khoán và tư vấn tài chính ghi nhận mức tăng lần lượt là 89,1% và 67,1%, lên 86,9 và 204,5 tỷ đồng. Lãi từ cho vay và phải thu tăng 385% lên 47,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu môi giới giảm 26,7% xuống 18,4 tỷ đồng.
Song chi phí hoạt động gấp hơn 4 lần lên mức gần 698 tỷ đồng. Riêng khoản lỗ các tài sản tài chính (FVTPL) ở mức gần 528 tỷ đồng, tăng 488,7% so với cùng kỳ bởi đơn vị cắt lỗ một loạt các cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi trong danh mục. Chi phí hoạt động tự doanh tăng từ 5 triệu đồng lên hơn 1,1 tỷ đồng do ảnh hưởng từ việc giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong quý II, TPS chốt lời cổ phiếu VHC của Vĩnh Hoàn (HoSE:VHC) và bán cắt lỗ cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI (HoSE:SSI). Tổng giá trị chốt lời cổ phiếu và trái phiếu là 172,8 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với tổng giá trị cắt lỗ là 367,3 tỷ đồng. Trong đó, TPS chịu lỗ hơn 280,2 tỷ đồng từ việc bán lượng lớn trái phiếu chưa niêm yết trong kỳ.
Kết quả, Chứng khoán Tiên Phong báo lỗ sau thuế gần 129 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 53,7 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu âm 645 đồng, cùng kỳ 537 đồng. Đây là lần đầu tiên TPS báo lợi nhuận âm kể từ khi niêm yết năm 2019.
Đơn vị: Tỷ đồng. |
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, TPS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 1.472,6 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế giảm 38,6% xuống 92,5 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu giảm từ 1.506 đồng xuống 462 đồng.
Năm 2022, doanh nghiệp lên kế hoạch doanh thu 1.981 tỷ đồng, tăng 46%; lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng, tăng 90% so với thực hiện 2021. Theo đó, sau 6 tháng đầu năm, TPS hoàn thành 74% kế hoạch doanh thu và thực hiện 23,1% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tại ngày 30/6, tổng tài sản của TPS là 6.058 tỷ đồng, tăng 27,2% so với đầu năm; trong đó 5,996,3 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn. Giá trị cho vay margin thời điểm cuối quý II đạt 1.478 tỷ đồng, giảm 286 tỷ đồng so với mức 1.764 tỷ đồng vào cuối quý I.
Tiền và các khoản tương đương tiền tăng từ 108,2 tỷ đồng lên 1.110,8 tỷ đồng do đơn vị gia tăng tiền gửi ngân hàng cho hoạt động công ty chứng khoán.
Từ đầu năm đến cuối quý II, các khoản FVTPL giảm gần 58% xuống 768,6 tỷ đồng, chủ yếu do TPS bán bớt trái phiếu chưa niêm yết. Bên cạnh đó, TPS cũng bán bớt cổ phiếu BCG của Bamboo Capital (HoSE:BCG), trong khi mua thêm hàng loạt cổ phiếu như VND của VNDirect (HoSE:VND), HCM của Chứng khoán TP HCM (HoSE:HCM), HNG của HAGL Agrico (HoSE:HNG), NLG của Đầu tư Nam Long (HoSE:NLG), PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (HoSE:PLX).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận