24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Anh Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

TPHCM tham vọng phát triển các tập đoàn kinh tế mạnh

TPHCM cần lập hội đồng phát triển doanh nghiệp ở từng lĩnh vực để đến năm 2025 có được các tập đoàn kinh tế mạnh, trong đó việc chọn lựa các doanh nghiệp đủ lớn, mạnh trong từng lĩnh vực, để tiếp cận được ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại sẽ được chú trọng.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM đã chia sẻ thông tin trên tại hội thảo "Các ngành công nghiệp thành phố - Vai trò và tiềm năng phát triển" do UBND TPHCM tổ chức vào ngày 6-12 với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, giới phân tích, và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, dù quy mô sản xuất công nghiệp trên địa bàn ngày càng mở rộng, nhiều sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, nhưng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của TPHCM tăng trưởng hàng năm 8,6%/năm nhưng trong tổng giá trị xuất khẩu đóng góp chủ yếu là kinh tế có vốn nước ngoài (chiếm 55,7%), còn lại là kinh tế nhà nước (chiếm 11,3%), kinh tế ngoài nhà nước chỉ chiếm 33%.

Ông Phong chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là quy mô của doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm đa số. Cụ thể hiện toàn thành phố có gần 380.000 doanh nghiệp, nhưng chỉ có khoảng 700 doanh nghiệp có số vốn đăng ký lớn từ 1.000 tỉ đồng trở lên. Đáng chú ý số doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm đến 88% tổng lượng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và số còn lại là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính điều này, theo ông Phong làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế của thành phố.

Một thông tin dẫn chứng đáng buồn khác nữa được ông Phong đưa ra đó là kết quả bình chọn của tạp chí Forbes hàng năm lựa chọn ra 40 thương hiệu lớn của Việt Nam, nhưng TPHCM chỉ chiếm một tỷ lệ thấp trong danh sách này. Do đó, theo ông Phong cần phải phân tích từng lĩnh vực, ngành nghề với số 700 doanh nghiệp nói trên và 2% số doanh nghiệp có vốn 100 tỉ đồng.

Để làm điều này, theo ông Phong, thành phố nên thành lập một hội đồng doanh nghiệp phát triển ở từng lĩnh vực có sự tham gia của nhà nước và các cơ quan nghiên cứu, trường đại học gắn liền thực tiễn doanh nghiệp và tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp vào mỗi quý, để làm sao đến năm 2025, thành phố sẽ có được các tập đoàn kinh tế mạnh ở từng lĩnh vực. Trong từng lĩnh vực sẽ chọn ra những doanh nghiệp lớn đủ mạnh, sẵn sàng đầu tư, áp dụng công nghệ cao. Đáng chú ý là cần có sự liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau.

Muốn như vậy, theo Chủ tịch UBND TPHCM, môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh phải trở thành yếu tố tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Bởi, nếu cơ quan quản lý chậm trễ trong việc giải quyết vấn đề có thể khiến doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh.

Thiếu quỹ đất để thu hút đầu tư sản xuất

Nhìn một cách tổng thể, lãnh đạo TPHCM thẳng thắn nhìn nhận rằng, ngành công nghiệp thành phố vẫn còn một số điểm hạn chế cần khắc phục. Đáng chú ý, bốn ngành công nghiệp trọng điểm của TPHCM gồm cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, cao su nhựa, và lương thực-– thực phẩm dù tăng trưởng đều đặn hằng năm và có đóng góp đáng kể cho kinh tế thành phố nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức.

Cụ thể, bốn ngành nói trên hiện giữ vai trò vô cùng quan trọng trong GDP của thành phố, chiếm 9,8% GDP thành phố, có tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân 9,22%/năm, cao hơn mức tăng trưởng kinh tế thành phố (8,3%/năm). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giai đoạn 2016 - 2020 ước tăng bình quân 7,86%/năm, trong đó chỉ số sản xuất của 4 ngành ước tăng 8,56%/năm, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Phong, quỹ đất dành cho công nghiệp trên địa bàn thành phố chưa đáp ứng về nhu cầu sử dụng cũng như về giá thuê đất. Sự cạnh tranh của các địa phương, tỉnh thành trong cả nước về công tác thu hút đầu tư ngày càng cao, đặc biệt trong vấn đề cung cấp đất sạch cho nhà đầu tư. "Thành phố hiện đang thiếu quỹ đất thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp lớn trong nước, nước ngoài thuê", ông chia sẻ, và cho biết giá thuê đất, mặt bằng sản xuất ở thành phố còn cao so với các khu chế xuất - khu công nghiệp ở các khu vực lân cận, khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô nhà xưởng, tăng công suất sản xuất và có xu hướng chuyển đầu tư ra khu vực tỉnh, thành lân cận.

Việc thu hút đầu tư của thành phố đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố. Hay việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất của các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa theo kịp xu hướng phát triển của thế giới, nhất là trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

Các chính sách hỗ trợ của thành phố cho mảng công nghiệp dù được quan tâm nhưng chưa thật sự mạnh mẽ, chưa khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, trong khi nhiều khó khăn, vướng mắc từ các cơ chế, quy định pháp luật về đầu tư sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm chưa được giải quyết căn cơ.

Quyết liệt về cơ chế, chính sách

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, ưu tiên tới đây của thành phố là sẽ xây dựng chính sách mời gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến chế tạo một cách quyết liệt hơn.

Trong khi đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, cho rằng cơ cấu quản lý công nghiệp chưa tối ưu nên công nghiệp lõi của thành phố chưa phát triển như tiềm năng đang có. Sự liên kết giữa các cơ quan quản lý ngành dọc đối với lĩnh vực công nghiệp chưa thông suốt, nên còn thiếu những thông tin, dữ liệu liên quan đến từng lĩnh vực, loại hình doanh nghiệp mà thành phố quan tâm…

Tại sự kiện, Bí thư Thành ủy đề nghị các sở, ngành cần tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp và tăng cường đối thoại với đơn vị sản xuất, kinh doanh để xây dựng cơ chế chính sách phát triển ngành công nghiệp thành phố trong giai đoạn tới. Đáng chú ý, Sở Công Thương nâng cao vai trò kết nối với các bên liên quan, nhất là khu công nghiệp - khu chế xuất, khu công nghệ cao... sớm rà soát lại những cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và điều chỉnh bất cập còn tồn tại để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các nhóm ngành công nghiệp phát triển.

Các chuyên gia kinh tế, giáo sư thông qua các bài tham luận tại hội thảo cũng khuyến nghị thành phố cần thay đổi hướng tiếp cận trong việc khuyến khích phát triển công nghiệp, như nên ưu tiên phương thức sản xuất theo hướng sản xuất thông minh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sản phẩm công nghiệp thay cho việc lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển. Đồng thời, cần dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số, gắn với kinh tế vùng...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả