TP Hồ Chí Minh: "Cháy hàng" trứng gà dù giá tăng cao
Sau rau củ và thịt, cá… giá trứng gà tại nhiều chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong ngày 14/7 tăng cao, từ 25.000 đồng/chục lên 45.000 đồng/chục.
Xếp hàng hơn 3 giờ đồng hồ, nhưng khi vào được siêu thị thì không còn gì để mua, chị Nguyễn Thị Trâm Anh (Phạm Văn Chí, quận 6, TP Hồ Chí Minh) buộc phải ghé vào một cửa hàng tạp hóa gần chợ Bình Tiên mua 30 quả trứng gà về chuẩn bị bữa cơm tối cho gia đình.
“Hôm 9/7, giá trứng gà chỉ ở mức 25.000/chục, nhưng hôm nay đã tăng lên 45.000 đồng/chục. Dù biết bị đẩy giá, nhưng đâu còn cách nào khác, vẫn phải mua” - chị Trâm Anh nói.
Cũng trong tình cảnh tương tự, chị Lê Thị Ngọc (Hồng Bàng, quận 5, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, trưa 14/7, chị mua ở một chợ tự phát gần nhà 50 quả trứng gà và rau xanh với giá đắt đỏ.
“Tất cả mặt hàng đều tăng giá, trứng gà 45.000 đồng/chục, trứng vịt 55.000 đồng/chục, trong khi đó rau cải các loại 50.000 đồng/kg, ngò, hành lá lên mức 100.000 đồng/kg” - chị Ngọc cho hay.
Cũng theo chị Lê Thị Ngọc, giá cao là vậy, nhưng không phải chỗ nào cũng có hàng để bán. Vì vậy, trong những ngày giãn cách xã hội, mua được thực phẩm đã là quá tốt và may mắn.
“Trứng gà dễ ăn, dễ nấu, nên hầu như nhà nào cũng sẽ tích trữ một ít. Bây giờ đi chợ hầu như không ai dám kì kèo, vì thực phẩm thì ít mà nhu cầu lại quá nhiều” - chị Ngọc nói thêm.
Theo ghi nhận, hiện tại, trên nhiều trang bán hàng online, giá trứng gà cũng đang được rao bán với mức 40.000 - 50.000 đồng/chục, trứng vịt cũng tương tự với mức giá 45.000 - 55.000 đồng/chục.
Cho rằng có tình trạng tiểu thương lợi dụng dịch bệnh để đẩy giá trứng gà lên cao, bà Hồ Thị Bích Vân (Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) cho biết, trái ngược với giá bán tại các chợ và điểm bán tự phát, giá trứng gà đang bán tại nhiều siêu thị và cửa hàng tiện lợi chỉ ở mức 26.000 - 27.000 đồng/chục và 31.000 - 39.000 đồng/chục trứng vịt. Tương tự, rau cải ngọt ở mức 29.000 - 34.000 đồng/kg, bắp cải 16.000 - 20.000 đồng/kg, rau muống 18.000 - 21.000 đồng/kg...
“Giá rẻ hơn rất nhiều, nhưng thực tế các kệ hàng bên trong siêu thị thường xuyên bị trống trơn. Nhà nhà, người người tích trữ nên hàng hóa luôn bị thiếu, cung không đủ cầu” - bà Vân nói.
Bất ngờ vì trứng gà, trứng vịt bị đẩy giá lên quá cao, ông Phan Thanh Hùng - Phó Giám đốc Công ty CP Ba Huân, doanh nghiệp chuyên cung cấp trứng chủ yếu cho các siêu thị TP Hồ Chí Minh cho biết, lượng hàng cung cấp của công ty cho siêu thị vẫn ổn định, khoảng 1 triệu quả trứng/ngày.
“Hiện giá bán trứng ở các siêu thị vẫn ổn định, không hề có chuyện tăng giá. Việc giá bị đẩy lên cao ở tại chợ, điểm bán tự phát có thể là do tiểu thương lợi dụng kéo giá lên” - ông Phan Thanh Hùng khẳng định.
Cũng cung cấp trung bình mỗi ngày 800.000 đến 1 triệu quả trứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh, ông Trương Chí Thiện - Tổng Giám đốc Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cam kết, giá trứng bán ra tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm vẫn ổn định.
Liên quan đến vấn đề cung cấp thực phẩm cho người dân TP Hồ Chí Minh trong những ngày giãn cách xã hội, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, trước đây lượng hàng về các chợ đầu mối khoảng 7.000 - 7.500 tấn mỗi ngày. Nhưng khi dịch bùng phát, sản lượng chỉ còn 4.500 - 5.000 tấn và thậm chí chỉ còn 2.000 tấn khi cả 3 chợ đầu mối dừng. Vì vậy, dù kênh phân phối hàng qua siêu thị đã tăng gấp 1,5 lần so với ngày thường, tình trạng thiếu hụt cục bộ có thể xảy ra.
Hiện, TP Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng các siêu thị, doanh nghiệp phân phối... mở thêm nhiều điểm bán lưu động với giá bình ổn, đưa hàng về tận các khu dân cư, nhất là vùng bị phong toả. Từ 13/7, 34 điểm bán tại hệ thống bưu cục của Viettel Post, khoảng 200 điểm bán lưu động tại bưu cục của Bưu điện Việt Nam (VNPost) và các điểm bán của siêu thị Aeon, MM Mega Market tại một số quận, huyện đã mở để giảm "áp lực".
Ngoài ra, việc kiểm soát giá cả hàng hóa, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã cử lực lượng túc trực để theo dõi, bám sát tình hình giá cả thị trường và cung ứng hàng hóa, kịp thời xử lý mọi tình huống phát sinh.
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường nhắc nhở những trường hợp mua tích trữ nhiều, có dấu hiệu gom hàng và xử phạt với các trường hợp vi phạm.
Công bố đường dây nóng phản ánh hành vi tăng giá mùa dịch Covid-19 Ngày 14/7, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản 1499/QLTT-NVTH thông tin đường dây nóng của Cục và Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Theo đó, đường dây nóng phản ánh hành vi thu lợi bất chính trong dịch bệnh: Cục Quản lý thị trường TP: 028.39321014 và Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP: 028.39322491 sẽ tiếp nhận phản ánh của người dân về hành vi thu lời bất chính trong dịch bệnh 24/24. Số điện thoại cũng sẽ được niêm yết tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống và một số điểm công cộng... Sau khi được tiếp nhận, các phản ánh của người dân sẽ lập tức được chuyển tới các đội trưởng đội quản lý thị trường nơi phát sinh vụ việc để xử lý. Theo Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, trong những ngày qua tình hình thị trường có phát sinh tình trạng một số cá nhân mua lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi... sau đó bán với giá cao làm ảnh hưởng đến tình hình thị trường, giá cả trên địa bàn TP. Điều này khiến một số mặt hàng lương thực, thực phẩm đang có dấu hiệu tăng giá, gây bức xức cho người dân. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận