TP.HCM trở thành trung tâm tài chính: Ai làm?
Nếu giờ này mà nói các chuyên gia phải hiến kế như thế nào để biến TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, e rằng điều này chỉ mang tính biểu tượng và quảng bá là chính.
Muốn hình thành trung tâm tài chính khu vực quốc tế, TP.HCM cần có thị trường chứng khoán mạnh. Trong ảnh: theo dõi giao dịch chứng khoán tại một công ty chứng khoán ở TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH
Hơn 20 năm ấp ủ, hàng loạt hội thảo và thậm chí tổ chức cả Diễn đàn kinh tế TP.HCM lần 2 vô cùng hoành tráng, cùng với hàng loạt chuyến tham quan học tập kinh nghiệm quốc tế để biến TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, tất cả là quá đủ để TP chờ thêm các hiến kế mới.
“Trong bối cảnh Việt Nam còn có quá nhiều rào cản chính sách và Việt NamD vẫn chưa là một đồng tiền chuyển đổi được, giải pháp khả dĩ nhất nên là thành lập một khu vực tài chính đặc biệt", GS.TS Trần Ngọc Thơ nói.
Nhiều câu hỏi cần trả lời
Giờ là lúc TP phải trả lời thật rõ ràng và thuyết phục các câu hỏi đặt ra về sự cần thiết của trung tâm tài chính quốc tế và làm thế nào để đạt được. Diễn đàn kinh tế TP vừa được tổ chức có chủ đề "Phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế". Nhưng ai phát triển trung tâm tài chính quốc tế? Việt Nam có cần thiết có mô hình trung tâm tài chính quốc tế? Hay ngoài TP.HCM, còn có nơi nào khác vượt trội hơn?
Chính quyền TP xin cơ chế đặc thù hay đây là đề án tầm quốc gia? Phát biểu tại diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: "TP hướng đến trung tâm tài chính cũng cần được tập trung nguồn lực, các tỉnh và cả nước phải chung tay, cùng góp sức để mục tiêu này sớm thành hiện thực". Cả cách đặt vấn đề của TP và chỉ đạo của Phó thủ tướng dường như càng tạo thêm nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.
Nếu tiếp tục theo cách truyền thống là TP xin chủ trương và một vài bộ ngành nới lỏng dăm ba quy định, hoặc cách tiếp cận theo kiểu cả nước cùng hợp lực, thì triển vọng của trung tâm tài chính quốc tế có thể quay lại chu kỳ bắt đầu giống như 20 năm trước.
Lập khu tài chính đặc biệt
Thay cho cách tiếp cận ngập ngừng, cách tiếp cận trung tâm tài chính quốc tế phải đến từ tầm nhìn vượt thời gian cho các thế hệ sau hưởng thụ. Trong tuyên bố mới đây về tầm nhìn Việt Nam đến năm 2045, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng rồi đây "Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia phát triển; dân tộc chúng ta không hề thua kém bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới...".
Thử hỏi có một quốc gia phát triển nào mà không cần đến trung tâm tài chính quốc tế? Tuy nhiên, một trung tâm tài chính quốc tế cạnh tranh cao nhất đòi hỏi phải áp dụng các thông lệ quốc tế đẳng cấp cao nhất. Trong bối cảnh Việt Nam còn có quá nhiều rào cản chính sách và Việt NamD vẫn chưa là một đồng tiền chuyển đổi, giải pháp khả dĩ nhất nên là thành lập một khu vực tài chính đặc biệt.
Trong tâm thế của Chính phủ, năm rồi đã từng có đề án phát triển khu kinh tế đặc biệt ở một vài địa phương với các thử nghiệm dịch vụ tài chính đẳng cấp quốc tế cao nhất (để tạo điều kiện kéo cả nước cùng tăng tốc phát triển). Câu hỏi đặt ra, tại sao TP.HCM với tất cả những thiên thời địa lợi nhân hòa lại không thể trở thành một khu vực kinh tế đặc biệt như thế?
Đây không phải là câu chuyện mang tính khẩu hiệu. Giống như một số trung tâm tài chính quốc tế, TP.HCM cần thuê một tổ chức tài chính chuyên nghiệp viết đề án với các kế hoạch tỉ mỉ nhất và liên quan đến tất cả các bộ ngành có liên quan và kế hoạch phối hợp hành động. Chỉ có một kế hoạch chi tiết đến từng sợi tóc như thế mới có thể thuyết phục những người hoài nghi nhất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận