TP HCM nói về thu phí hạ tầng cảng biển
Báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ của UBND TP HCM về việc thu phí hạ tầng cảng biển là câu trả lời cho những băn khoăn của các doanh nghiệp, hiệp hội... thời gian qua
Vừa qua, các doanh nghiệp (DN), hiệp hội, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã có văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét dừng việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TP HCM vì việc thu phí tạo ra các tác động tiêu cực đến hoạt động của DN sau dịch Covid-19.
Thu đúng đối tượng, mức phí hợp lý
Có 3 nhóm kiến nghị từ các hiệp hội, DN, Ban IV đến Thủ tướng Chính phủ. Thứ nhất, các DN, hiệp hội cho rằng mức thu phí hạ tầng cảng biển tại TP HCM là cao, thời điểm thu không phù hợp làm tăng thêm gánh nặng, giảm tính cạnh tranh và khả năng phục hồi của DN sau đại dịch.
Thứ hai, việc thu phí không đúng với vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa và hàng trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập tái xuất đã làm cản trở sự phát triển vận tải đường thủy nội địa và không đúng quy định tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thứ ba, có sự chênh lệch về mức thu trong việc mở tờ khai thông quan tại TP HCM và mở tờ khai tại các tỉnh lân cận vì DN có xu hướng đổ dồn về TP HCM để mở tờ khai, gây ách tắc trong khâu thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng của TP HCM.
Trên cơ sở đó, Ban IV cùng các hiệp hội và DN kiến nghị dừng việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TP HCM để tạo điều kiện cho DN và nền kinh tế phục hồi, phát triển. Trường hợp khi dịch Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn, DN cơ bản phục hồi, việc thu phí phải được tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Phí, lệ phí và Luật Hải quan.
Sau khi tiếp nhận kiến nghị này, Văn phòng Chính phủ đề nghị UBND TP HCM báo cáo về cơ sở pháp lý, đối tượng, mức thu, kiến nghị của hiệp hội, DN về chênh lệch mức thu…
Ngày 28-5, UBND TP HCM đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ làm rõ các nội dung trên. Theo đó, thành phố khẳng định đối tượng thu phí áp dụng hiện nay là phù hợp quy định "tất cả các đối tượng sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển đều phải nộp phí theo Nghị quyết 10/2020/NQ-HĐND". Ngoài ra, mức thu phí được xác định bảo đảm bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân, phù hợp Luật Phí và Lệ phí.
Khi xây dựng mức thu phí, TP HCM không chọn phương pháp chi phí để tính mức phí vì tính theo phương pháp này, mức thu sẽ vượt quá khả năng đóng phí của DN. Do đó, thành phố sử dụng kết hợp phương pháp so sánh mức thu của Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn… để áp dụng cho TP HCM.
Hàng hóa quá cảnh: Vẫn nộp thuế
Về kiến nghị không thu phí cảng biển đối với hàng hóa quá cảnh, hàng chuyển khẩu được vận chuyển bằng phương tiện tàu thủy, UBND TP HCM cho rằng thành phố không xây dựng mức phí theo phương tiện vận chuyển mà theo tải trọng hàng hóa. Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu bằng phương tiện thủy nếu sử dụng công trình dịch vụ tại khu vực cảng biển phải có nghĩa vụ nộp phí như tất cả các đối tượng khác. Việc miễn, giảm dẫn đến sự không công bằng đối với đối tượng khác, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình vận tải.
Liên quan đến nội dung các DN cho rằng việc thu phí không đúng quy định với hàng quá cảnh tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, UBND TP HCM khẳng định việc thu phí không trái với nội dung hiệp định giữa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải đường thủy, không trái thỏa thuận hàng hóa quả cảnh (Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa 2 nước). TP HCM thu phí các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh... trong khi đối tượng được miễn thu phí của hiệp định là hoạt động vận chuyển hàng hóa và hành khách.
Được biết, liên quan tới thu phí hạ tầng cảng biển, Bộ Tài chính từng đề nghị UBND TP đề xuất HĐND TP điều chỉnh mức thu bằng nhau đối với hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai trong và ngoài TP HCM. Lãnh đạo TP HCM cho rằng Nghị quyết 10/2020/NQ-HĐND mới triển khai từ ngày 1-4-2022 nên cần có thời gian đánh giá đầy đủ hiệu quả, tác động đối với nhóm liên quan.
UBND TP HCM ghi nhận ý kiến của các bộ, ngành, hiệp hội, DN… và chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện việc thu phí, trình HĐND thành phố xem xét, điều chỉnh nghị quyết cho phù hợp thực tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận