Tp.HCM: Nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo gia tăng
Trong quý 2/2023, tại Tp.HCM có 851/3.795 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó nhu cầu tuyển lao động qua đào tạo là lớn nhất.
Báo Lao Động dẫn thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tp.HCM cho biết, năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn là hơn 4,6 triệu người; trong đó, hơn 4,4 triệu người đang làm việc trong các ngành kinh tế.
Số lao động được hưởng chính sách trợ cấp thất nghiệp năm 2022 là 146.285 người. Trong 2 tháng đầu năm 2023, 17.153 người hưởng trợ cấp thất nghiệp.
UBND Tp.HCM đánh giá, đa số người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm, tuy nhiên xu hướng người lao động mong muốn được nhận đủ số tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp và sẵn sàng chuyển sang khu vực phi chính thức làm việc để không tham gia bảo hiểm xã hội cũng như được hưởng đủ số tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Tác động của tình hình chính trị tại một số nước và kinh tế thế giới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp có các đối tác, khách hàng ở nước ngoài. Do vậy, tình hình lao động trong nước cũng gặp nhiều khó khăn trong thời điểm này.
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát 3.795 doanh nghiệp trong tháng 3 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tp.HCM, tình hình đảm bảo việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp đang ở mức độ cần chú ý nhưng chưa đến mức bi quan.
Theo đó, về dự kiến tăng, giảm lao động trong quý 2, kết quả khảo sát cho thấy gần 72% doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như cũ, 20,95% đơn vị dự kiến tăng. Có 7,27% dự kiến giảm với nguyên nhân là thiếu đơn hàng...
Về nhu cầu tuyển dụng trong thời gian tới, có 851/3.795 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển hơn 13.000 lao động ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo là 8.229 lao động, lao động chưa qua đào tạo là 5.441 lao động.
Còn lại, có hơn 1.400 doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng và 1.500 doanh nghiệp chờ xem xét tình hình kinh doanh của đơn vị rồi mới tuyển hay không.
Khảo sát triển vọng sản xuất kinh doanh trong 6 tháng cuối năm, đa phần các doanh nghiệp có nhận định lạc quan với 62,31% doanh nghiệp cho rằng sẽ "hoạt động bình thường", 16,54% "tăng trưởng so với 6 tháng đầu năm" và 9,3% "tiếp tục thiếu hụt đơn hàng" và 11,75% các nhận định khác.
Theo báo Đầu tư, trước thực trạng này, UBND Tp.HCM đã có chỉ đạo tiếp tục nắm bắt tình hình lao động, tăng cường tuyên truyền vận động các doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách pháp luật lao động trong công tác chăm lo đời sống cho người lao động, hướng dẫn, Giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, không để xảy ra tranh chấp lao động tập thể dẫn đến cùng việc, đình công trên địa bàn.
Đồng thời tổ chức các sàn giao dịch việc làm để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động bằng hình thức trực tiếp và online để kịp thời tư vấn cho người lao động có nhu cầu tìm việc và chuyển gửi các doanh nghiệp để phỏng vấn làm việc trực tiếp.
Bên cạnh đó Thành phố cũng triển khai chương trình liên kết hợp tác với các tỉnh để trao đổi thông tin, kết nối cung cầu lao động đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, kịp thời có sự phối hợp triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động từ các tỉnh đến Tp.HCM làm việc trong một số trường hợp bất khả kháng.
Mặt khác, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp và tư vấn học nghề cho người lao động có nhu cầu học nghề thì sẽ có những chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí theo các chế độ quy định.
Nhiều ngành nghề tăng lao động trong quý 2
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong quý 1/2023 thị trường lao động có sự phục hồi khi xu hướng tuyển dụng, tìm kiếm việc làm đều có sự khởi sắc nhất định.
Thông qua phân tích dữ liệu đăng tuyển của các doanh nghiệp và người lao động tìm kiếm việc làm từ internet trong quý 1/2023, đã có 16.730 lượt doanh nghiệp đăng tuyển dụng 75.285 lao động, 72.458 lao động tìm việc.
Dự báo trong quý 2 sẽ có khoảng 51,25 triệu người có việc làm (tăng 150.000 người so với quý trước). Các ngành sản xuất sản phẩm điện tử máy tính, quang học dự kiến tăng 28.200 việc làm; chế biến thực phẩm tăng 18.600 người; sản xuất đồ uống tăng 4.700 lao động.
Bên cạnh một số ngành tăng tuyển dụng cũng sẽ có những nhóm tiếp tục sụt giảm việc làm như: ngành may trang phục (giảm 38.100 việc làm); sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (giảm 38.000 lao động); in, sao chép bản ghi các loại (giảm 37.800 người)…
Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù thị trường lao động quý 1 tiếp tục duy trì đà phục hồi khi lực lượng lao động, số người có việc làm tăng, song vẫn còn tồn tại thực trạng nhiều doanh nghiệp ở một số ngành thâm dụng lao động như dệt may - da giày; điện - điện tử... buộc phải cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tình hình lao động việc làm trong nước trong thời gian tới.
Theo nhận định của các đơn vị kết nối cung cầu, nhà tuyển dụng, việc một số ngành nghề vẫn tăng tuyển dụng, trong khi số khác lại cắt giảm lao động, ngoài các yếu tố tác động do tình hình chung cũng là những xu hướng đan xen bình thường của thị trường lao động.
Trao đổi với báo Lao Động, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp có được nguồn lao động phục hồi sản xuất kinh doanh, đơn vị này thường xuyên kết hợp với các địa phương phía Bắc để tăng cường kết nối cung cầu thị trường lao động thông qua việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến.
Theo ông Thành, nhìn chung xu hướng tìm kiếm việc làm của người lao động, yêu cầu tuyển dụng từ phía doanh nghiệp không có nhiều thay đổi, song sự kì vọng của cả hai bên ngày càng cao hơn.
Vì thế, bản thân người lao động cần tiếp tục nâng cao trình độ, kĩ năng, sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Còn phía doanh nghiệp cần cải thiện hơn nữa về chế độ phúc lợi, môi trường làm việc để giữ chân người lao động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận