TP HCM muốn tiếp tục giữ lại 21% nguồn thu ngân sách
Từ sau năm 2025 thành phố muốn được giữ tỷ lệ điều tiết ngân sách ít nhất 21% để có nguồn lực bổ sung cho nhiệm vụ chiến lược, đầu tư hạ tầng, nâng cao đời sống người dân.
Nội dung nêu trong báo cáo tổng kết đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết cho TP HCM giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn sau đó 5 năm. Việc được giữ lại ít nhất 21% nguồn thu ngân sách theo chính quyền thành phố là phù hợp với Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TP HCM.
Cụ thể, trong phần chính sách vượt trội, Nghị quyết 31 nêu "Giữ tỷ lệ điều tiết ngân sách thành phố theo mức hiện nay đến hết năm 2025 và tiếp tục giữ ở mức không thấp hơn trong các năm tiếp theo".
Theo UBND TP HCM, "mức hiện nay" mà Nghị quyết 31 đề cập là 21%, được quy định tại Nghị quyết 70 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 của Quốc hội. Tỷ lệ điều tiết này được thực hiện trong giai đoạn 2023-2025.
Theo Nghị quyết 70, có 18/63 tỉnh thành có điều tiết ngân sách về trung ương, tức được giữ lại một phần thu được. Trong đó TP HCM là địa phương có tỷ lệ giữ lại thấp nhất với 21%, trước đó giai đoạn 2017-2021, tỷ lệ điều tiết ngân sách các khoản thu phân chia giữa TP HCM với Trung ương chỉ 18%.
Chính quyền TP HCM đánh giá thời gian qua, năng suất lao động của thành phố luôn cao hơn bình quân cả nước trên 2,8 lần; có tỷ trọng đóng góp cao vào tăng trưởng kinh tế cả nước khoảng 23% GDP quốc gia. Thành phố là trung tâm dịch vụ và công nghiệp lớn nhất cả nước; địa phương đi đầu trong sản xuất và dịch vụ công nghệ cao, xây dựng đô thị thông minh...
Bên cạnh các kết quả đạt được, TP HCM đang đối diện với nhiều thách thức mới và ngày càng gia tăng, làm suy giảm vị thế đầu tàu của thành phố, đặc biệt các bất cập về hạ tầng giao thông trở thành cản trở lớn cho thành phố phát triển nhanh, bền vững.
Do đó, việc duy trì tỷ lệ điều tiết ngân sách được cho sẽ tạo điều kiện để thành phố có nguồn lực bổ sung cho các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược, đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm và nâng cao phúc lợi của người dân, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Điều này đúng tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị.
Trước đó, trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025, TP HCM cũng từng đề xuất giai đoạn 2023-2026, Quốc hội xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách với hai phương án giữ nguyên 21% hoặc lên 23-25%.
Nhiều năm qua, TP HCM luôn là dẫn đầu về số thu ngân sách, bình quân mỗi năm đóng góp 27% thu ngân sách cả nước, là địa phương có đóng góp cao nhất cả nước. Thành phố cũng nhiều năm có số thu vượt ngân sách được giao. Ví dụ năm 2021, TP HCM được giao thu gần 364.900 tỷ đồng nhưng thu đạt hơn 381.530 tỷ đồng, vượt gần 17.000 tỷ đồng. Năm 2022, thành phố thu được hơn 471.560 tỷ đồng, đạt 121,99% dự toán. Năm nay, dự toán thu ngân sách trên địa bàn là hơn 482.850 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm, thành phố thu được 371.307 tỷ đồng.
Mới đây, thành phố cũng xin được giữ lại toàn bộ số thu ngân sách vượt dự toán đối với phần thu chia sẻ giữa Trung ương và địa phương giai đoạn 2026-2030 để làm đường sắt đô thị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận