TP.HCM lo mất vai trò 'đầu tàu'
Nếu không có giải pháp đột phá, xuất khẩu của TP.HCM sẽ khó tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng trong thời gian tới, vai trò đầu tàu kinh tế của TP.HCM đối với nền kinh tế cả nước cũng đối mặt với thách thức rất lớn.
Công nhân sơ chế cá diêu hồng tại Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT), quận Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP.HCM - đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị "Tình hình đầu tư và xuất khẩu trên địa bàn thành phố", do UBND TP tổ chức ngày 17-10.
Theo ông Phong, đầu tư xã hội cho sản xuất hàng xuất khẩu, kết cấu hạ tầng quan trọng phục vụ hoạt động xuất khẩu như cảng biển, sân bay, đường giao thông, kho ngoại quan... chưa tương xứng đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng gia tăng quy mô sản xuất, xuất khẩu.
Xuất khẩu mất dần lợi thế cạnh tranh
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định xuất khẩu là lĩnh vực hoạt động kinh tế quan trọng, đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế của TP trong 20 năm qua. Tuy nhiên, số liệu thống kê gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên địa bàn có dấu hiệu khựng lại, chỉ đạt tốc độ dưới 10% trong gần 10 năm trở lại đây. Điều này khiến tỉ trọng xuất khẩu của TP trong tổng xuất khẩu của cả nước cũng giảm dần.
Cụ thể, trong năm 2005, xuất khẩu của TP chiếm tỉ trọng 47% tổng xuất khẩu cả nước nhưng đến năm 2010, tỉ lệ này là 31,2%, năm 2015 giảm xuống 18,1% và đến năm 2018 tỉ trọng này chỉ còn 15,6%.
"Cần làm rõ thực trạng hoạt động xuất khẩu - đầu tư của TP đang chững lại liệu có phải do thiếu cơ chế chính sách, hay do những yếu kém nội tại của kinh tế TP, để từ đó tìm hướng phát triển phù hợp cho giai đoạn mới", ông Phong yêu cầu.
TS Đinh Công Khải, viện trưởng Viện Chính sách công (IPP), cũng khuyến cáo rằng hoạt động xuất khẩu của TP đang mất dần lợi thế cạnh tranh, khả năng đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường ngày càng thấp. Trong khoảng 1.000 sản phẩm mà TP xuất khẩu, có 186 sản phẩm chiếm tới 90% kim ngạch xuất khẩu của TP, có lợi thế so sánh bộc lộ (RCA). Tuy nhiên hiện nay, 108 trong 186 sản phẩm này có RCA giảm.
Cũng theo ông Khải, một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực trên địa bàn như điện tử, màn hình và đèn chiếu, thiết bị xử lý dữ liệu tự động, cà phê, gạo, hạt, dệt may và da giày... dù giữ vị trí xuất khẩu quan trọng, nhưng đã đến ngưỡng tăng trưởng bão hòa và đang mất dần lợi thế vì chi phí lao động, mặt bằng sản xuất kinh doanh ngày càng tăng, mức độ tinh vi và cơ hội đa dạng hóa thấp.
Bà Đặng Minh Phương, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics VN (VLA), cho rằng chỉ khi cải thiện được điểm nghẽn hạ tầng trong lĩnh vực logistics, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và tăng trưởng xuất khẩu của TP mới được cải thiện.
"Năm 2018, chi phí logistics tại TP.HCM khoảng 10,2 tỉ USD, tương đương 18% GDP của TP. Đây là con số rất có ý nghĩa để TP thấy được nhu cầu, tiềm năng hàng hóa đang thông qua hệ thống cảng biển hiện tại", bà Minh Phương nói.
Nguồn: Sở Công thương TP.HCM - Đồ họa: t.đạt
Nâng cấp hạ tầng, cải thiện năng lực logistics
Để giải quyết các điểm nghẽn đang dần bộc lộ rõ trong hoạt động xuất khẩu của TP, ông Nguyễn Ngọc Hòa, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, đề xuất định hướng phát triển xuất khẩu của TP tới đây cần dựa vào việc duy trì và hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực, tiêu biểu có kim ngạch và tốc độ tăng trưởng cao, tạo nhiều việc làm, đóng góp ngân sách lớn. Đồng thời nâng cấp công nghiệp và gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các ngành xuất khẩu này.
"Chiến lược xuất khẩu của TP là lấy chất lượng tăng trưởng làm nền tảng, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và xuất khẩu dịch vụ, hàng hóa vô hình (phần mềm, sản phẩm nội dung số). Đẩy mạnh liên kết vùng, phối hợp sản xuất hàng xuất khẩu chuyển dịch đến các công đoạn tạo ra giá trị tăng cao hơn trong chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế so sánh giữa TP với các tỉnh/thành phía Nam", ông Hòa đề xuất.
Theo ông Phạm Thiết Hòa, giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), xúc tiến xuất khẩu gắn kết sản phẩm với thị trường và tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế là điều đô thị đặc biệt như TP.HCM cần làm.
"Hạn chế cơ bản của gần 97,8% doanh nghiệp vừa và nhỏ ở TP.HCM là thiếu vốn, công nghệ và thông tin thị trường. Do đó, rất cần Nhà nước và các đơn vị xúc tiến thương mại hỗ trợ, từ cung cấp thông tin ngành hàng, thị trường đến việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia khảo sát thị trường", ông Thiết Hòa nói.
Trong khi đó, ông Phan Văn Chinh, cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho rằng TP.HCM tập trung vào hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cải thiện hạ tầng và năng lực cung ứng logistics cũng như công nghiệp chế biến chế tạo là hướng đi đúng. Tuy nhiên, TP cần có chính sách cụ thể đối với từng ngành, mặt hàng với sự kết nối hỗ trợ từ chính quyền.
Trên cơ sở đó, tổ chức lại hoạt động xuất khẩu với cơ chế chính sách được tháo gỡ hoàn toàn thông thoáng cho doanh nghiệp. Và nếu muốn xuất khẩu thật sự "cất cánh" trong bối cảnh các vấn đề còn tồn đọng rất lớn của lĩnh vực logistics, theo ông Chinh, "cần sự kết nối rốt ráo từ các bộ ngành liên quan, cùng với sự nỗ lực của TP" và "phải tập trung tháo gỡ mạnh mẽ".
Sẽ có nhiều chuyển đổi trong xuất khẩu, thu hút đầu tư
Cũng tại hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến, phó chủ tịch UBND TP, cho biết để tăng trưởng xuất khẩu theo đúng tiềm năng đầu tàu kinh tế của cả nước, phải có sự cộng hưởng trách nhiệm giữa DN xuất khẩu, nhà nghiên cứu và Nhà nước, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang chi phối toàn bộ nền kinh tế.
Theo ông Tuyến, DN cần nhận thức rõ là không phải cứ cắt giảm chi phí thì chọn cách giảm tiền lương của người lao động, mà phải tính đến chuyện ứng dụng công nghệ nhằm bù đắp vào việc thâm dụng lao động ở một số ngành nghề. Cũng không thể giữ quan điểm TP.HCM phải cạnh tranh với các địa phương. Thay vào đó, phải nghĩ đến xu hướng phát huy kinh tế vùng của TP trong xuất khẩu là TP cần đảm nhiệm vai trò dịch vụ nguồn, thông qua việc tập trung hàng hóa các tỉnh tập kết tại TP xuất khẩu đi các nơi, giúp các địa phương phát triển.
"Điều này không chỉ là nhận thức, mà còn là sự phát triển sống còn của một trung tâm giữ vị trí, vai trò trọng tâm lớn nhất của cả nước", ông Tuyến nói, đồng thời cho rằng TP sẽ phải thay đổi từ thị trường, mặt hàng cho đến tư duy xuất khẩu bởi "hiệu quả của xuất khẩu chính là giá trị xuất khẩu". Ngoài ra, cần đẩy nhanh tốc độ hợp tác giữa các địa phương vì TP đã được Chính phủ giao nhiệm vụ phải là chỗ dựa để kinh tế vùng phát triển.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận