TP.HCM có thể ngưng học trực tiếp nếu trẻ mắc Covid-19 cần hỗ trợ hơn 100 ca/ngày
Sở Y tế TP.HCM cho biết, đang theo dõi sát diễn tiến của dịch để kịp thời tham mưu cho UBND TP.HCM xem xét ngưng việc học trực tiếp khi số trẻ mắc COVID-19 có triệu chứng nặng cần hỗ trợ hô hấp nhiều hơn 100 ca/ngày.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ ngày 14/2 đến nay, số ca mắc COVID-19 ở trẻ em tăng cao hơn gấp 3 lần so với tuần trước (từ 7/2 đến 13/2). Cụ thể, trong tuần qua ghi nhận 7.505 ca trong trường học bao gồm 706 giáo viên và 6.799 học sinh. Trong số học sinh là F0 thì cao nhất là cấp tiểu học với 2.786 em, trung học cơ sở là 1.875, trung học phổ thông – giáo dục thường xuyên là 1.744 và cấp mầm non là 394 em.
Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tại 3 bệnh viện nhi của TP (đang điều trị 100 ca) thì có 84% trẻ mắc COVID-19 có triệu chứng sốt, 77% có triệu chứng đường hô hấp (ho, sổ mũi, đau họng) và 11% trẻ cần phải hỗ trợ hô hấp, 89% có triệu chứng trung bình hoặc nhẹ. Về độ tuổi thì trẻ dưới 12 tuổi (chưa tiêm vaccine) chiếm 93% ca bệnh,
Về cơ sở hạ tầng thu dung trẻ em, hiện 3 bệnh viện nhi của thành phố có 450 giường ở Khoa điều trị COVID-19, mỗi bệnh viện có 150 giường, trong đó có 50 giường hồi sức (tổng 150 giường hồi sức). Ngành y tế cũng phân tầng điều trị trẻ em và tiến tới hướng dẫn chăm sóc trẻ em tại nhà.
Bác sỹ Tăng Chí Thượng cũng cho biết, các chuyên gia y tế đã xây dựng kịch bản khi số trẻ em mắc COVID-19 gia tăng, trong đó ưu tiên điều trị tại các bệnh viện nhi thành phố. Nếu tình hình diễn tiến xấu số nhập viện nhiều thì sẽ cho cấp cứu và nhập viện tại các bệnh viện quận, huyện có khoa nhi. Đặc biệt, khi tổng số trẻ đang điều trị cần hỗ trợ trên 100 ca/ngày, Sở Y tế sẽ tham mưu cho UBND thành phố xem xét ngưng việc học trực tiếp. Hiện nay mỗi ngày tại thành phố có 5 trẻ em cần hỗ trợ hô hấp.
Ngoài ra, ông Tăng Chí Thượng cho biết, ngành y tế đang tập huấn cho các trạm y tế, trung tâm y tế về chăm sóc trẻ em tại nhà. Sở cũng phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo để sớm triển khai tập huấn các giáo viên để sớm phát hiện khi có dấu hiệu nghi ngờ.
Các bệnh viện nhi cũng sẵn sàng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi. Sở cũng cập nhật lại định nghĩa F0, điều chỉnh thời gian cách ly tại nhà, thời gian cách ly F1, bỏ khái niệm “phong toả theo mức độ nguy cơ” để tránh hiểu nhầm. Các chuyên gia, bệnh viện nhi cũng cung cấp số điện thoại để mở rộng kênh tư vấn từ xa cho phụ huynh, thầy cô giáo.
Sở cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn truy vết Omicron. UBND thành phố chỉ đạo các quận, huyện xác định lại số liệu dân cư để đánh giá cấp độ dịch phù hợp…kiến nghị các quận huyện không ban hành quyết định phong toả mà khoanh vùng để kiểm soát nguy cơ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận