TP.HCM cho mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ
TP.HCM cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ từ hôm nay ngày 28/10, riêng quận 7 và TP. Thủ Đức được thí điểm bán rượu, bia.
Nội dung được đề cập trong công văn về việc mở lại dịch vụ ăn uống bán tại chỗ vừa được UBND TP.HCM ban hành. Đến nay, nhà hàng, quán ăn uống ở TP.HCM đã phải ngừng phục vụ tại chỗ khoảng 5 tháng.
Các quán được mở bán tại chỗ nếu đáp ứng bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống Covid-19 và đảm bảo điều kiện: đóng cửa trước 21h hàng ngày, công suất phục vụ tối đa 50% và không được bán đồ uống có cồn (trừ các nhà hàng tiệc cưới, nhà hàng tại cơ sở lưu trú, cơ sở phục vụ khách du lịch).
Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình kiểm soát dịch, TP.HCM cho phép quận 7 và TP. Thủ Đức được thí điểm bán đồ uống có cồn đến ngày 15/11. Địa bàn cụ thể do người đứng đầu chính quyền hai địa phương quyết định.
Trước đó TP.HCM đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống Covid-19 đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Bộ tiêu chí mới được tính theo từng chủ thể, như cơ sở kinh doanh, chủ hàng quán, người phục vụ và khách hàng phải đạt những yêu cầu đưa ra mới hoạt động.
Cụ thể, tiêu chí 1 là cơ sở phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; đảm bảo điều kiện về trang thiết bị, con người, bảo quản, vận chuyển, nguồn gốc nguyên liệu; khu vực giao nhận thực phẩm đảm bảo phòng dịch, trang bị đầy đủ nước rửa tay, sát khuẩn và thiết bị, dụng cụ làm khô tay; tự tổ chức xét nghiệm nCoV ngẫu nhiên, định kỳ cho nhân viên.
Cơ sở phải đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm gov.vn/ và tổ chức quét mã của người liên quan.
Tiêu chí 2, khách hàng đến quán phải thực hiện nghiêm 5K, quét mã QR và tuân thủ biện pháp phòng chống dịch.
Tiêu chí 3, nhân viên phục vụ, người giao, nhận hàng, người liên hệ cơ sở phải thực hiện 5K; quét mã QR; nhân viên phải tiêm ít nhất một mũi vaccine (đủ 14 ngày sau tiêm) hoặc người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; được xét nghiệm tầm soát, sàng lọc, định kỳ hoặc người làm việc sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất khứu giác và vị giác, khó thở...
Tiêu chí 4, chủ cơ sở phải có các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở; công khai số khách tối đa tại cơ sở cùng một thời điểm; báo cáo phương án tổ chức kinh doanh và biện pháp phòng chống, chống dịch tại cơ sở cho chính quyền địa phương để quản lý, giám sát.
Ngày 24/10, UBND TP.HCM đã công bố cấp độ dịch ở 22 quận, huyện trên địa bàn. Theo đó, có 9 quận huyện đạt cấp 1 (bình thường mới); 12 địa phương cấp 2 (nguy cơ trung bình) và Bình Tân là đơn vị duy nhất còn ở cấp 3 (nguy cơ cao).
Chính quyền thành phố đề nghị các sở ngành, địa phương căn cứ mức độ dịch được công bố để triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 trong lĩnh vực và trên địa bàn phụ trách.
Theo Sở Công thương TP.HCM, thành phố có khoảng 7.500 doanh nghiệp, hàng nghìn hộ kinh doanh ăn uống. Hình thức bán mang về và tại chỗ phải dừng nhiều tháng qua để phòng chống dịch khiến doanh thu của ngành ẩm thực giảm mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận