TP.HCM: 228 tỉ đồng kết dư Quỹ BHYT, không biết tiêu thế nào?
Cuối tháng 8/2019, UBND TP.HCM buộc phải có công văn khẩn gửi Bộ Tài chính, giải trình xung quanh việc “găm giữ” hơn 228 tỉ đồng trích lại từ kết dư Quỹ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2015. Hiện tiền thì đã cầm trong tay, nhưng tiêu món tiền trên như thế nào, TP.HCM vẫn đang lúng túng.
Loay hoay tìm cách tiêu 228 tỉ đồng
Theo UBND TP.HCM, ngày 29/12/2016, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã thông báo 20% số kinh phí kết dư BHYT, dành cho khám chữa bệnh chưa sử dụng hết năm 2015 của TP.HCM là hơn 228 tỉ đồng.
Theo Luật BHYT, trong 12 tháng, sau khi BHXH thẩm định quyết toán và kể từ ngày ghi trong thông báo của BHXH, phần kinh phí chưa sử dụng hoặc không sử dụng hết phải thu hồi và chuyển về BHXH để nộp về quỹ dự phòng.
Như vậy, thời hạn sử dụng quỹ kết dư BHYT năm 2015 của TP.HCM là đến hết ngày 29/12/2017. Nhưng dù đã quá hạn, TP.HCM vẫn “găm giữ” số tiền trên và loay hoay tìm cách tiêu số tiền sao cho hợp lý...
Tháng 7/2019, tại phiên họp để xem xét tờ trình của Chính phủ về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám chữa bệnh BHYT năm 2015, TP.HCM cũng là 1/11 địa phương bị UBTV Quốc hội phê bình vì vi phạm thủ tục thanh tóan khoản tiền này.
Biết rất rõ, nếu hết thời hạn cho phép mà chưa tiêu hết tiền kết dư từ quỹ, thì phải nộp trả về BHXH. Nên tháng 7/2017, TP.HCM đã có quyết định trích hơn 51,7 tỉ đồng vào Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo.
Trong đó TP.HCM thanh toán cho hỗ trợ 30% mức đóng mua thẻ BHYT cho các thành viên thuộc hộ nghèo nhóm 3a, hộ cận nghèo TP năm 2017 là hơn 27 tỉ đồng. Số tiền chưa sử dụng hết cho khoản này là hơn 24 tỉ đồng TP đã nộp vào quỹ dự phòng của BHXH.
Còn lại trên 176,3 tỉ đồng kết dư BHYT năm 2015, ngay từ tháng 7/2017, UBND TP.HCM quyết định cấp kinh phí cho 9 bệnh viện và 11 Trung tâm y tế quận - huyện đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế (TTBYT).
Theo kế hoạch thì các đơn vị được cấp sẽ tự tổ chức đấu thầu mua sắm TTBYT. Tuy nhiên, tới tháng 8/2017, UBND TP.HCM lại thay đổi, giao cho Sở Y tế chỉ đạo Ban quản lý Đầu tư xây dựng các công trình (BQL - thuộc Sở Y tế) mua sắm tập trung gói thầu, chứ không để các bệnh viện, trung tâm y tế tự làm, sẽ không thống nhất về giá, danh mục thiết bị…
Năm 2018, TP.HCM từng xảy ra vụ khiếu nại giữa các nhà thầu trong mua TTBYT. Ảnh: H.H
Oái ăm là, Sở Y tế mất gần 2,5 tháng mới thống nhất cấu hình tính năng kỹ thuật của 98 loại TTBYT, chỉ cho việc thay đổi mua sắm từ riêng lẻ sang tập trung.
Đồng nghĩa tới giữa tháng 9/2017, Sở Y tế mới thông qua cấu hình 98 loại thiết bị y tế. Và tới tháng 11/2017, Sở Y tế mới có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trong khi thời hạn trả lại tiền cho BHXH chỉ còn hơn… 1 tháng.
Tiêu tiền chưa xong, trả tiền cũng không ổn
Ngày 19/1/2018, khi đã hết hạn được phép tiêu tiền kết dư, phải nộp lại tiền về BHXH, thì BQL mới hoàn tất ký kết “thỏa thuận khung” mua sắm tập trung với các nhà thầu.
Ngày 23/1/2018, BQL có quyết định về phê duyệt nhà thầu đạt yêu cầu về kỹ thuật đối với thiết bị X-quang của gói thầu và chỉ có một nhà thầu đáp ứng. Từ đây, một công ty khác có văn bản kiến nghị kết quả dự thầu và đề nghị làm rõ quá trình chấm thầu của BQL. Mặc dù được trả lời nhiều lần nhưng công ty này chưa đồng ý và tiếp tục kiến nghị. Theo UBND TP.HCM, vì phải giải quyết khiếu nại của nhà thầu nên BQL đã mất tiếp… 4 tháng để hoàn tất ký kết “thỏa thuận khung”.
Vẫn chưa hết rắc rối; do hết thời hạn cho phép sử dụng tiền kết dư, ngày 2/8/2018, UBND TP có công văn gửi Bộ Y tế, Bộ Tài chính, BHXH để xin tiếp tục gia hạn… tiêu tiền đến hết ngày 31/12/2018.
Tuy nhiên, do UBND TP.HCM chưa nhận được văn bản chấp thuận gia hạn của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam nên chưa có cơ sở để BHXH TP.HCM chuyển tiền thanh toán cho các đơn vị thụ hưởng, để mua sắm TTBYT. Vì vậy các đơn vị thụ hưởng chưa thể thực hiện việc ký hợp đồng cung ứng TTBYT với các nhà thầu trúng thầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận