Tốt xấu đan xen trong triển vọng lạm phát toàn cầu
Giá tiêu dùng hạ nhiệt ở Mỹ, Âu nhưng thị trường lao động thắt chặt và Trung Quốc mở cửa sẽ là trở lực trong cuộc chiến giảm lạm phát.
Sau ba năm hỗn loạn, các nhà đầu tư có nhiều lý do để vui mừng về nền kinh tế thế giới. Tại Mỹ, chỉ số Giá tiêu dùng cá nhân (PCE) chỉ tăng 5% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước đó. Tốc độ này đã giảm so với 5,5% của tháng 11 và là thấp nhất kể từ tháng 9/2021. PCE là thước đo lạm phát ưa thích của Cục dự trữ Liên bang Mỹ - Fed.
Lạm phát ở Mỹ sụt giảm, làm dấy lên hy vọng về một cuộc "hạ cánh mềm", tức Fed có thể kiểm soát đà tăng giá mà không có suy thoái. Các số liệu mới còn giúp nhà đầu tư đặt cược Fed sẽ sớm chấm dứt quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhất 40 năm.
Tại châu Âu, vận may đã mỉm cười khi mùa đông gần như ấm áp khiến giá năng lượng giảm mạnh. Và nền kinh tế Trung Quốc bước vào giai đoạn mở cửa trở lại, đang sẵn sàng phục hồi. Những tín hiệu tích cực lan tỏa lên thị trường chứng khoán. S&P 500 tăng 5% kể từ đầu năm. Chứng khoán châu Âu và các thị trường mới nổi thậm chí còn tăng hơn nữa.
Nhưng còn quá sớm để tuyên bố rủi ro lạm phát đã qua và chấm dứt các vấn đề của kinh tế thế giới. Ở Mỹ, giá tiêu dùng (PCI) đã giảm trong tháng 12 và lạm phát cả năm nay có thể xuống dưới 2% nhờ năng lượng và hàng hóa rẻ hơn. Tuy nhiên, khi tốc độ tăng giá đang giảm, tốc độ tăng trưởng GDP cũng vậy.
Doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và các chỉ số quan trọng khác về sản lượng đã giảm trong tháng 12, trong khi chúng thường là dấu chỉ của suy thoái cận kề. Phần lành mạnh nhất của nền kinh tế Mỹ là thị trường lao động. Nhưng nhu cầu tuyển dụng tăng cao không hoàn toàn là tin tốt vì nó cũng sẽ kích thích cuộc cạnh tranh về lương và công cuộc kiểm soát lạm phát của Fed khó hơn.
Bất chấp những đợt sa thải gây chú ý của các công ty công nghệ lớn, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn chỉ là 3,5% và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới ở mức thấp nhất trong 3,5 tháng. Tăng trưởng tiền lương đã giảm nhưng vẫn ở mức khoảng 5%. Hôm 24/1, Walmart cho biết sẽ tăng lương khởi điểm từ 12 USD lên 14 USD một giờ. Do năng suất của người lao động chỉ tăng khoảng 1% một năm, tốc độ tăng lương nhanh cho thấy giá cả tăng vượt xa mục tiêu lạm phát 2% của Fed.
Phố Wall đang dự báo các công ty sẽ báo cáo thu nhập quý IV/2022 đáng thất vọng. Điều này có nghĩa rằng doanh nghiệp sẽ phải tăng giá hàng hóa và dịch vụ để phù hợp với chi phí lao động leo thang của họ.
Các thị trường kỳ vọng Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất trong vòng một năm khi tăng trưởng chậm lại. Nhưng nếu Fed thực sự nghiêm túc về việc kéo lạm phát xuống 2%, họ sẽ cần giữ lãi suất ở mức cao cho đến khi tốc độ tăng lương giảm xuống, ngay cả khi điều đó dẫn đến suy thoái.
Nếu nước Mỹ đối mặt với suy thoái, có khả năng kéo theo cả châu Âu xấu đi. Mặc dù giá năng lượng giảm, khu vực đồng euro cũng có một vấn đề cơ bản về lạm phát, thể hiện rõ qua việc tăng trưởng tiền lương. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cảnh báo lãi suất sẽ phải tăng đáng kể, trái với kỳ vọng của các nhà đầu tư.
USD mạnh hơn - điều có thể xảy ra nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất và các nhà đầu tư lo sợ về hậu quả - sẽ làm tăng lạm phát nhập khẩu và khiến công việc của ECB trở nên khó khăn hơn, đồng thời làm giảm đà phục hồi ở các thị trường mới nổi.
Trong khi đó, "Zero Covid" kết thúc ở Trung Quốc có thể giúp chuỗi cung ứng toàn cầu bình thường trở lại. Tuy nhiên, sự phục hồi của nó cũng có mặt trái với phần còn lại của thế giới, vốn đang gặp vấn đề về lạm phát chứ không phải thiếu hụt chi tiêu.
Bởi lẽ, nhập khẩu phục hồi của Trung Quốc sẽ khiến các nền kinh tế khác nguy cơ căng thẳng hơn. Ví dụ, kho chứa khí đốt của châu Âu quá đầy một phần do nhu cầu về khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Trung Quốc năm 2022 thấp hơn 20% so với mức thông thường.
Tuy nhiên, khi mở cửa, nhu cầu LNG của Trung Quốc có khả năng nâng lên, khiến giá tăng trở lại vào mùa đông tới. "Tôi nghĩ việc Trung Quốc mở cửa sẽ làm tăng mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu, có thể gây ra lạm phát", Satish Shankar, Chuyên gia khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Bain & Company, nhận định.
Chủ tịch Phòng Thương mại Thụy Sĩ - Trung Quốc Felix Sutter cũng cho rằng nhu cầu năng lượng và nguyên liệu thô của Trung Quốc sẽ cạnh tranh với châu Âu và toàn cầu. "Lạm phát giảm lúc này nhưng sẽ thêm áp lực trong quý III", ông nói.
Một số nhà kinh tế cảnh báo nếu điều này xảy ra, Fed có thể phải tiếp tục tăng lãi suất hơn nữa. "Theo quan điểm của chúng tôi, một Trung Quốc mạnh hơn sẽ làm tăng cơ hội hình thành một Fed cứng rắn hơn", Tavis McCourt, Chiến lược gia tại Raymond James, đánh giá.
Do vậy, theo The Economist, chỉ khi nào thị trường lao động không còn tăng nóng và cuộc khủng hoảng năng lượng bị đánh bại, nền kinh tế thế giới mới thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận