Top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới bị xáo trộn
Đại dịch Covid-19 làm rung chuyển bảng xếp hạng 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới với việc Hàn Quốc lên ngôi và gia nhập top 10 còn Brazil rớt hạng.
Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, và Đức lần lượt chia nhau vị trí 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sự xáo trộn trong top 10 nằm ở nửa cuối khi đại dịch đẩy nhiều quốc gia vào cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử.
Dựa trên dự báo kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kênh truyền hình CNBC đã tiến hành phân tích và so sánh GDP danh nghĩa bằng đô la Mỹ giữa các quốc gia có trong cơ sở dữ liệu báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF.
GDP danh nghĩa ước tính giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ thành phẩm được sản xuất trong một nền kinh tế nhưng không loại trừ những biến động giá hay lạm phát. Do đó, GDP danh nghĩa có thể cao hoặc thấp hơn giá trị kinh tế thực.
Tuy nhiên, giá trị GDP danh nghĩa tính theo đồng tiền chung là một cách đo lường và so sánh quy mô kinh tế của các quốc gia khác nhau, đồng thời mang đến cái nhìn tổng quát về các diễn biến như đại dịch đã gây ra tác động khác nhau ra sao đến các nền kinh tế.
Ấn Độ tụt hậu so với Vương quốc Anh
Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới theo xếp hạng năm 2019, nhưng đã tụt xuống vị trí thứ 6 trong năm 2020, sau Vương quốc Anh. Theo phân tích của CNBC dựa trên dữ liệu của IMF, Ấn Độ sẽ không giành lại được vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng kinh tế toàn cầu cho đến năm 2023.
Năm 2020, nền kinh tế Ấn Độ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các đợt đóng cửa phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch Covid-19. Nền kinh tế này được IMF dự báo suy giảm 8% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2021.
Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2022, IMF dự báo nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 12,5%. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cảnh báo rằng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với số ca nhiễm mới tại Ấn Độ đang tăng lên, có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng. Tuần trước, Ấn Độ đã vượt qua Brazil và trở thành quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ 2 trên toàn cầu, chỉ sau Mỹ.
"Chúng tôi ngày càng lo ngại rằng số ca nhiễm Covid 19 gia tăng sẽ gây ra rủi ro đối với sự phục hồi vẫn còn mong manh", các chuyên gia của Ngân hàng Bank of America bình luận. Họ ước tính nếu Ấn Độ phong tỏa chống dịch toàn quốc trong 1 tháng, GDP của nước này sẽ "bay mất" khoảng 100-200 điểm cơ bản.
Brazil rớt khỏi top 10
Từ nền kinh tế lớn thứ 9 thế giới vào năm 2019, Brazil đã rớt hạng xuống vị trí thứ 12 trong năm 2020, đồng thời trở thành quốc gia duy nhất bị loại khỏi top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Quốc gia Nam Mỹ này sẽ nằm ngoài top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới ít nhất cho đến năm 2026.
Brazil ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 nhiều thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Brazil cũng xác nhận số ca nhiễm Covid-19 nhiều thứ 3 thế giới. Tuy nhiên, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vẫn nhiều lần từ chối áp lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn dịch bệnh.
Trong thư gửi chính phủ liên bang, người đứng đầu cơ quan y tế Sao Paulo - bang giàu có và đông dân nhất Brazil - đã cảnh báo rằng sự sụp đổ hệ thống y tế của bang này "sắp ập đến", còn các nhà kinh tế đánh giá nền kinh tế Brazil sẽ phải vật lộn để hồi phục.
Nền kinh tế Brazil suy giảm 4,1% trong năm 2020 và dự báo sẽ tăng trưởng 3,7% vào năm 2021, theo IMF.
Hàn Quốc lọt vào top 10
Trong khi Brazil rớt hạng kinh tế do Covid-19, thì Hàn Quốc đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới và dự kiến sẽ duy trì thứ hạng này cho đến ít nhất năm 2026.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia sớm ghi nhận các ca nhiễm Covid-19 vào đầu năm 2020. Thành công trong ngăn chặn Covid-19 cùng với xuất khẩu chất bán dẫn tăng trưởng mạnh mẽ đã giúp nền kinh tế này chỉ bị suy giảm 1% trong năm 2020.
Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới tăng lên trong tháng này, buộc các nhà chức trách phải mở rộng các biện pháp giãn cách xã hội, bao gồm các yêu cầu hạn chế tụ tập đông người kéo dài đến đầu tháng tới.
Các chuyên gia của Công ty tư vấn kinh tế Capital Economics nhận định, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp những bất ổn do Covid-19.
Capital Economics đánh giá, tiêu dùng tại Hàn Quốc cũng ngày càng trở nên ổn định thời Covid-19, một phần nhờ vào việc gia tăng mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, mảng dịch vụ du lịch, khách sạn và giải trí tại nước này vẫn đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh.
Theo dự báo của IMF, kinh tế Hàn Quốc sẽ tăng trưởng 3,6% trong năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận