Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt được VKS đề nghị giảm 3 năm tù
Trong vụ án liên quan 4 cựu sĩ quan Học viện Quân y, Phan Quốc Việt được VKS Quân sự Trung ương đề nghị giảm 3 năm tù, song tổng hợp mức án hai vụ án vẫn là 30 năm tù.
Ngày 17/7, phiên phúc thẩm được mở tại Toà án Quân sự Trung ương, xét kháng cáo của cả 7 bị cáo.
Luận tội về vụ án, VKS Quân sự Trung ương đề nghị tòa phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho cả 7 người vì có tình tiết giảm nhẹ mới. Việt được Công ty Việt Á nộp khắc phục thêm 200 triệu đồng, các bị cáo đã nộp lại số tiền được hưởng lợi, nộp thừa, thể hiện thái độ thành khẩn...
Theo đó, Phan Quốc Việt được đề nghị giảm 3 năm tù cho hai tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, từ 25 xuống 22 năm tù. Trong vụ án liên quan cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, hồi tháng 5, Việt bị TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên 29 năm tù. Do đó, dù được giảm 3 năm tù, tổng hợp hình phạt trong cả hai vụ án mà Việt dự kiến phải thi hành vẫn là 30 năm.
6 bị cáo còn lại đều được VKS đề nghị giảm mỗi người hai năm tù. Cụ thể, ông Hồ Anh Sơn, cựu thượng tá, cựu phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự thuộc Học viện Quân y, còn 10 năm; ông Trịnh Thanh Hùng, cựu vụ phó thuộc Bộ Khoa học Công nghệ, còn 13 năm. Cả hai ông bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ông Nguyễn Văn Hiệu, cựu đại tá, cựu trưởng Phòng Trang bị Vật tư, được đề nghị giảm còn 5 năm và ông Lê Trường Minh, cựu thiếu tá, cựu trưởng Ban Hóa dược, còn 4 năm.
Riêng ông Ngô Anh Tuấn, cựu thiếu tá, cựu trưởng Phòng Tài chính, thuộc Học viện Quân y, được VKS đề nghị vừa giảm hai năm tù vừa chuyển sang án treo, tức từ 4 năm tù còn hai năm tù treo.
Phó tổng giám đốc Việt Á Vũ Đình Hiệp được đề nghị giảm còn 4 năm tù, tổng hợp mức án 15 năm tù trong vụ án liên quan Bộ Y tế, tổng mức án 19 năm.
Cả 4 người bị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Về dân sự, do xác định Học viện Quân y (nguyên đơn dân sự) bị thiệt hại hơn 46 tỷ đồng, đã được Việt Á trả hơn 10 tỷ, tòa sơ thẩm buộc Việt Á (bị đơn dân sự) phải bồi hoàn hơn 31 tỷ đồng và bị cáo Hồ Anh Sơn bồi thường hơn 1,6 tỷ đồng.
Kháng cáo trong phiên phúc thẩm, Việt Á đề nghị Học viện Quân y trả lại 10 tỷ đồng này. Tại luận tội công bố chiều nay, VKS đề nghị tòa bác việc này vì cho rằng không có căn cứ.
Trình bày tại tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi, mong được xem xét những đóng góp của mình trong dịch bệnh, công tác và nghiên cứu. Bị cáo Việt cho rằng là người làm việc ngoài cơ quan Nhà nước nhưng bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, với vai trò cao nhất "là thiệt thòi".
Theo Việt, trong bối cảnh dịch bệnh cấp bách, chính các bị cáo nguyên là cán bộ trong cùng vụ án cũng khẳng định khi đó kit test Việt Á là lựa chọn "tối ưu nhất". Việt khẳng định Việt Á có khả năng tự nghiên cứu và tự tin sản phẩm được cấp phép, chứ không phải "đi xin" mới được nghiên cứu cùng trong đề tài của Học viện Quân y.
Về tội danh Vi phạm quy định đấu thầu, nhắc lại lời khai ở sơ thẩm, Việt cho rằng khi cả nước cần kit test, nhiều người "phải tác động để Việt Á ứng kit test" song tại vụ án này, Việt bị cáo buộc "đi xin để được bán kit test là vô lý".
Trình bày tại phiên phúc thẩm, chiều nay, cựu thượng tá Hồ Anh Sơn mong muốn được khoan hồng hơn nữa, xét đến các thành tích cá nhân trong nghiên cứu y học và giáo dục đào tạo.
Bị cáo Vũ Đình Hiệp, cựu phó tổng giám đốc Việt Á, xin tòa phúc thẩm đánh giá lại việc Hiệp ký hợp đồng mua bán kit test thì bị quy kết phạm luật, đi tù, còn cán bộ Học viện Quân y ký hợp đồng với mình lại không bị xét trách nhiệm.
Liên quan vấn đề này, cáo trạng xác định hai lãnh đạo Học viện Quân y khi đó đã "tin tưởng cấp dưới" trong nghiên cứu, thực hiện đề tài và và đấu thầu mua kit nên chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm. Hành vi của họ có dấu hiệu của tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, do thời hạn đã hết nên Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng tách hồ sơ để thu thập thêm tài liệu, đánh giá chứng cứ, đúng mức độ sai phạm.
Sáng mai, 9h, tòa sẽ tuyên án phúc thẩm.
Tại phiên sơ thẩm mở tháng 12/2023, Toà án Quân sự Quân khu thủ đô Hà Nội xác định, đầu năm 2020 khi Covid-19 bùng phát, Học viện Quân y đề xuất được phát triển kit test xét nghiệm trong đề tài nghiên cứu có tổng kinh phí 18,98 tỷ đồng.
Đề tài sau đó được Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự (thuộc Học viện Quân y) triển khai; ông Sơn là chủ nhiệm. Công ty Việt Á cùng tham gia với tư cách là đơn vị phối hợp nghiên cứu, chế tạo, theo yêu cầu từ vụ phó Hùng.
Quá trình nghiên cứu, ông Hùng, Sơn và Việt cho rằng kit test của Việt Á tốt hơn nên thống nhất không cần Học viện Quân y chuyển giao quy trình nghiên cứu mà để Việt Á tự sản xuất 20.000 sản phẩm.
Ba bị can đưa bộ kit do Công ty Việt Á cung cấp (không được sản xuất theo quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y) để thử nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và sử dụng sản phẩm này để nghiệm thu đề tài.
Nhà chức trách cáo buộc do Hội đồng nghiệm thu không biết hành vi gian dối của ba người này, cũng không biết quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y không liên quan bộ kit Việt Á nộp nghiệm thu. Hậu quả, quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y không có sản phẩm được thử nghiệm, đánh giá và đề tài của Học viện Quân y không hoàn thành.
Tổng giám đốc Việt Á bị cáo buộc tiếp tục sử dụng kết quả nghiệm thu này để gian dối trong làm thủ tục, sau đó được Bộ Y tế ra quyết định cấp phép lưu hành.
VKS xác định, hành vi gian dối của 3 bị can Hùng, Sơn, Việt đã gây thiệt hại 18,5 tỷ đồng - khoản tiền giao Học viện Quân y làm đề tài. Ông Hùng bị cáo buộc nhận "lót tay" 350.000 USD từ Việt Á, ông Sơn nhận 2,5 tỷ đồng.
Ông Sơn còn bị cáo buộc mua, bán tăm bông, ống môi trường ở bên ngoài, dán nhãn Viện Nghiên cứu y dược học quân sự/Học viện Quân y và cung cấp cho Công ty Việt Á, thu lợi 2 tỷ đồng.
Ba cựu sĩ quan quân y còn lại, giai đoạn tháng 5-12/2021, khi Học viện quân y tổ chức các trung tâm xét nghiệm dã chiến tại Bắc Ninh, Bắc Giang và TP HCM, đã xin Việt Á ứng trước vật tư. Họ bị cáo buộc hợp thức hóa hồ sơ bằng đấu thầu, qua đó thanh toán cho Việt Á chênh 27 tỷ đồng so với giá trị thực. Sau mỗi lần, các cựu sĩ quan này đều được Việt Á "lại quả", tổng từ 1,1 đến 3,6 tỷ đồng.
Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội đánh giá trong bản án sơ thẩm, hành vi của các bị cáo là "đặc biệt nghiêm trọng", phạm tội vì động cơ vụ lợi; gây mất uy tín, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào quân đội, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Đây là một trong hai vụ án Phan Quốc Việt bị xét xử. Tại vụ án còn lại, liên quan cựu bộ trưởng y tế Nguyễn Thanh Long, tháng 5 vừa qua, Việt bị TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên 29 năm tù về 2 tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận